(Báo Quảng Ngãi)- Khi nền kinh tế trong nước chưa thoát khỏi suy thoái thì việc đầu tư ra nước ngoài được xem là quyết định mạo hiểm. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp Quảng Ngãi đã mạnh dạn lựa chọn thị trường Lào để tìm kiếm cơ hội mở rộng sản xuất, kinh doanh. Không chỉ xuất khẩu hàng hóa, một số doanh nghiệp còn xây dựng nhà máy sản xuất quy mô lớn tại Lào.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Đất mới, cơ hội mới
Tháng 4.2013, Công ty CP Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi đã đưa Nhà máy sản xuất tinh bột mì và cồn thành phẩm tại Savanakhet (Lào) vào hoạt động. Nhà máy có vốn đầu tư gần 3 triệu USD (khoảng 60 tỷ đồng), quy mô 68 tấn thành phẩm mỗi ngày.
Công ty CP Nhiên liệu sinh học Miền Trung đi vào hoạt động mở hướng phát triển vùng nguyên liệu mì tại Lào. Ảnh: P.T |
Ông Ngô Văn Tươi- Phó Tổng giám đốc Công ty CP Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi, cho biết: Để cung cấp đủ nguyên liệu cho nhà máy hoạt động, công ty đã phát triển gần 5.000 ha đất trồng mì, thu hút hàng ngàn nông dân của Lào tham gia. Hầu hết sản phẩm của nhà máy đều được xuất khẩu đi các nước Trung Quốc, Indonesia... và trở lại Việt Nam. Lợi thế khi đặt nhà máy ở Lào là vùng nguyên liệu tại chỗ dồi dào, nên chi phí vận chuyển, thu mua nguyên liệu không cao. Do đó, giá thành sản phẩm thấp, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường. “Dù khởi đầu còn nhiều khó khăn, nhưng chúng tôi có niềm tin rằng nhà máy sẽ phát triển tốt trong thời gian đến”- ông Tươi tin tưởng.
Những năm qua, Công ty TNHH sản xuất và thương mại Inox Phước An đã dần tạo được chỗ đứng trên thị trường trong nước với hệ thống siêu thị ở 3 tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam, TP Đà Nẵng và mạng lưới trên 200 đại lý phân phối trên toàn quốc. Mỗi năm công ty sản xuất và tiêu thụ trên 150 nghìn sản phẩm inox các loại, đạt tốc độ tăng trưởng 30%/năm. Chính vì vậy, mở rộng thị trường xuất khẩu đang được doanh nghiệp này chú trọng đầu tư. Sau khi tìm hiểu thị trường Lào, công ty đã xuất khẩu nhiều chuyến hàng để bày bán tại hệ thống siêu thị Tang Chareon Group ở các tỉnh Chăm Pa Sắc và thủ đô Viêng Chăn. Ông Đỗ Tuyên Phước- Giám đốc Công ty TNHH SX&TM Inox Phước An, bộc bạch: Lào là thị trường mới, có tiềm năng để phát triển. Dù doanh số bán ra tại thị trường này chưa cao, nhưng sự hiện diện của Inox Phước An đã tạo ra nhiều sự lựa chọn cho người tiêu dùng Lào.
Hiện nay, Công ty TNHH TM-XD-TH Kim Thành Lưu là doanh nghiệp Quảng Ngãi “chắc chân” nhất ở thị trường Lào. Đây được xem là doanh nghiệp đầu tiên có mối quan hệ hợp tác với một số địa phương của Lào như Khăm Muộn, Chăm Pa Sắc. Công ty chuyên sản xuất đồ gỗ và ván sàn xuất khẩu với nguyên liệu đầu vào chủ yếu là gỗ cao su thì việc đầu tư trồng rừng nguyên liệu tại Lào được xem là hướng đi thích hợp. Ông Vi Nhất Trường-Giám đốc Công ty TNHH TM-XD-TH Kim Thành Lưu, cho biết: Việc đầu tư trồng cao su ở Lào nằm trong chiến lược phát triển bền vững của doanh nghiệp. Cách đây chừng 10 năm, công ty đã đầu tư nguồn nguyên liệu chất lượng trên đất Lào để cung cấp cho các nhà máy chế biến đồ gỗ ở KKT Dung Quất. Nhờ đó, các sản phẩm của công ty đã được thị trường khó tính như Châu Âu chấp nhận.
Không chỉ các doanh nghiệp trên, nhiều doanh nghiệp cũng đang chọn Lào là nơi tiêu thụ sản phẩm và đầu tư vùng nguyên liệu như Nhà máy Bánh kẹo Quảng Ngãi (Biscafun), Công ty CP Nhiên liệu sinh học miền Trung (PCB)...
Liên kết
Việc doanh nghiệp Quảng Ngãi chọn Lào là thị trường để đầu tư nằm trong các cam kết hợp tác của Chính phủ hai nước và Biên bản ghi nhớ của tỉnh Quảng Ngãi và các tỉnh của Lào. Do đó, Chính phủ Việt Nam và Lào đều khuyến khích hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thuộc tất cả các thành phần kinh tế của Việt Nam sang Lào đầu tư sản xuất kinh doanh. Các lĩnh vực được ưu tiên khuyến khích đầu tư gồm: trồng cây cao su, các loại cây công nghiệp, cây nguyên liệu; xây dựng các nhà máy thuỷ điện; thăm dò và khai thác khoáng sản; sản xuất và phân phối hàng tiêu dùng; kinh doanh du lịch và dịch vụ. Tuy nhiên, việc doanh nghiệp Quảng Ngãi đầu tư sang Lào dù được định hướng của tỉnh nhưng cũng còn tự phát và quy mô không lớn. Do đó, sự liên kết để nghiên cứu, tìm hiểu những thế mạnh của thị trường Lào của các doanh nghiệp là rất cần thiết.
Một trong những nhà máy tinh bột mì của Công ty CP Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi. |
Ông Vi Nhất Trường- Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Quảng Ngãi, Giám đốc Công ty TNHH TM-XD-TH Kim Thành Lưu, chia sẻ: Nền kinh tế Lào tuy tiềm năng nhưng vẫn còn không ít rào cản như: Quy mô thị trường nhỏ với chỉ hơn 6 triệu dân, hạ tầng yếu, nguồn vốn trong nước hạn chế và các dự án đầu tư phát triển chủ yếu dựa vào tài trợ từ các tổ chức phi chính phủ, viện trợ chính thức (ODA). Hơn nữa, văn hóa, tập quán tiêu dùng của người dân Lào cũng khác xa Việt Nam. Vì vậy, càng hiểu rõ về thị trường Lào thì rủi ro khi đầu tư sẽ càng nhỏ. Giải pháp đầu tiên là các doanh nghiệp phải liên kết, chia sẻ thông tin cho nhau.
Trong buổi trao đổi với các doanh nghiệp Quảng Ngãi tại thủ đô Viêng Chăn, Tham tán Đại sứ quán Việt Nam tại Lào Phạm Văn Khánh, cho hay: Khi đầu tư sang Lào, nếu có gì vướng mắc hay cần thông tin liên quan đến ngành nghề kinh doanh, các doanh nghiệp hãy đến Đại sứ quán để được hỗ trợ. Hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam tại Lào cũng chưa được tập hợp trong một tổ chức, nên chưa có sự gắn bó, hỗ trợ nhau. Trong thời gian đến, Đại sứ quán Việt Nam tại Lào sẽ vận động thành lập Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Lào, để liên kết các doanh nghiệp tạo sức mạnh để cạnh tranh.
Bài, ảnh: NGUYỄN TRIỀU