(QNg)- Từ ngày 1/8, giá điện tăng 5% đã khiến hàng loạt doanh nghiệp và người dân lo lắng. Trong khi những tồn tại trong sản xuất và đời sống chưa được giải quyết thì việc giá điện tăng đã đẩy các doanh nghiệp và người dân vào vòng chật vật.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Theo Thông tư số 19 của Bộ Công thương, để bù đắp một phần chi phí phát điện tăng do tăng giá than và khí, từ ngày 1/8 giá bán điện bình quân là 1.508,85 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng), tăng 71,85 đồng/kWh (tương đương 5%) so với giá bán điện bình quân trước đó. Các hộ nghèo và thu nhập thấp sử dụng điện sinh hoạt đến 50 kWh/tháng vẫn được giữ nguyên ở mức 993 đồng/kWh. Các hộ sử dụng điện sinh hoạt từ 100 kWh/tháng trở lên thì tăng dao động từ 6.800- 37.200 đồng/tháng.
Doanh nghiệp khó khăn
Thời điểm hiện tại, doanh nghiệp đang đối mặt với nhiều khó khăn, sản phẩm làm ra khó tiêu thụ, chi phí đầu vào tăng cao. Hàng trăm doanh nghiệp trong tỉnh đã phải tạm ngưng hoạt động hoặc phá sản. Các giải pháp đưa ra để cứu các doanh nghiệp “hấp hối” chưa phát huy tác dụng thì khó khăn lại ập đến, dễ khiến doanh nghiệp quỵ ngã. Hầu hết các doanh nghiệp đón nhận thông tin giá điện tăng khoảng 5% từ ngày 1/8 với tâm trạng bất an. Bởi chi phí mà doanh nghiệp phải chi ra cho sản xuất sẽ đội lên rất nhiều.
Giá điện tăng cao khiến nhiều doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn. |
Ông Lê Quang Vinh- Giám đốc Nhà máy Bánh kẹo Quảng Ngãi (Biscafun), cho biết: Với một doanh nghiệp tiêu thụ điện rất lớn như Biscafun, giá điện tăng 5% khiến chi phí tiền điện hằng tháng của nhà máy tăng vài chục triệu đồng. Giá điện tăng sẽ kéo theo giá nguyên liệu đầu vào và các chi phí khác cũng tăng, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả sản xuất kinh doanh. “Muốn giảm chi phí thì các doanh nghiệp phải tăng giá bán sản phẩm. Tuy nhiên, hiện nhà máy không thể tăng giá, vì áp lực cạnh tranh giữa các doanh nghiệp bánh kẹo trên thị trường rất lớn”- ông Vinh nói.
Tăng giá bán sản phẩm là chuyện không doanh nghiệp sản xuất nào mong muốn. Do đó, tiết kiệm các khoản chi không cần thiết và sử dụng các thiết bị ít tiêu tốn năng lượng là cách các doanh nghiệp vượt khó. Ông Trần Đức Dũng- Giám đốc Công ty CP Phân hữu cơ Quảng Ngãi (HUMICO), chia sẻ: Giá điện tăng sẽ làm cho chi phí đầu vào tăng, trong khi đó giá bán sản phẩm đầu ra lại giảm vì lượng hàng tồn kho nhiều. Doanh nghiệp muốn bán được hàng hóa phải sử dụng các chương trình khuyến mãi để kích cầu tiêu dùng. Như vậy, doanh nghiệp khó có lãi trong quá trình sản xuất. “Trong thời điểm khó khăn này, việc Nhà nước tiến hành điều chỉnh tăng giá điện là không phù hợp. Doanh nghiệp vốn đã gặp nhiều khó khăn càng khó khăn thêm”- ông Dũng nhấn mạnh.
Người dân chật vật
Điện tăng giá không chỉ ảnh hưởng đến doanh nghiệp mà còn khiến người dân lao đao. Mức tăng 5% không phải là quá lớn, tuy nhiên điều người dân lo lắng là giá điện tăng kéo theo giá cả các mặt hàng thiết yếu tăng theo. Chị Nguyễn Thị Thúy Nga (đường Lê Lợi, TP Quảng Ngãi), lo lắng: Giá sữa đã tăng cao nhiều tháng nay, các mặt hàng như thịt, gạo, rau... cũng không chịu đứng yên. Với thu nhập chỉ khoảng 6 triệu của hai vợ chồng tôi thì phải chắt chiu lắm mới lo cho hai con nhỏ được. Phải xoay xở đủ kiểu mới lo cho cuộc sống tạm ổn.
Đối với những người phải ở nhà thuê thì việc giá điện tăng sẽ càng khiến cuộc sống thêm khó khăn. Sinh viên Trần Đức Long (Trường ĐH Tài chính Kế toán) thở dài: “Cứ vào năm học mới là chủ nhà trọ lại tăng giá phòng. Mới đây, khi trở lại nhận phòng để vào năm học mới, mình không khỏi lo lắng khi tiền nhà tăng gần 150.000 đồng/tháng. Chắc mình phải kiếm việc làm thêm thôi, chứ ba mẹ mình có lẽ không lo cho mình nổi nữa rồi”. Còn chị Nguyễn Thị Lan- công nhân ở KCN Tịnh Phong, than: “Giá điện tăng thêm cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, thu nhập của người lao động sẽ giảm, đời sống càng khó hơn”.
Bài, ảnh: NGUYỄN TRIỀU