Ba Tơ: Hiệu quả từ những mô hình kinh tế

08:08, 20/08/2013
.

(QNg)- Qua nhiều năm triển khai các mô hình kinh tế trên vùng cao Ba Tơ, ông Nguyễn Thanh Hiệp - Trưởng trạm Khuyến nông huyện đúc kết: "Mô hình nuôi dê lai, heo ky, mô hình trồng đậu phụng kết hợp trồng bắp... đã mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân rõ rệt, mở ra nhiều triển vọng để nông dân Ba Tơ thoát nghèo, vươn lên làm giàu".

TIN LIÊN QUAN

Theo lời ông Lực chúng tôi xuôi theo Quốc lộ 24 tìm đến nhà ông Nguyễn Quân, ở thôn Suối Loa xã Ba Động - người được hỗ trợ nuôi giống dê lai. Mặt trời chưa xuống núi, đàn dê vẫn lững thững ăn lá cây trên triền đồi gần nhà. Chị Trần Thị Hoa Trang, vợ anh Quân, kêu gọi đàn dê thuần thục, lập tức cả bầy chạy về chuồng. Chị Trang bảo: Loại này khôn phải biết. Mình chỉ tốn công ban đầu chăn dắt. Về sau chúng tự đi ăn rồi tự kéo về chuồng. Không phải mất thời gian và công chăm sóc nhiều, lợi nhuận đem lại cũng khá.

Vợ chồng anh Quân trước đây thuộc diện nghèo. Năm 2009, anh được hỗ trợ 8 con dê cái và 1 con dê đực giống. Qua gần 4 năm chăm sóc, đàn dê đã sinh sản hơn 20 con. Anh Quân đã bán được 12 con, với giá mỗi con gần 2 triệu đồng. "Nuôi dê không sợ lỗ, đầu ra luôn ổn định. Với giá 100.000 đồng/kg hơi nhưng vẫn không có dê để đáp ứng nhu cầu cho dân trong vùng" - chị Trang khẳng định.

 

Mô hình chăn nuôi heo cỏ rất có triển vọng ở vùng cao Ba Tơ.
Mô hình chăn nuôi heo cỏ rất có triển vọng ở vùng cao Ba Tơ.


Cũng thuộc diện được hỗ trợ giống dê bách thảo nhưng anh Phạm Văn Quay, ở thôn Nước Lang, xã Ba Dinh thì lo lắng hơn nhiều, vì lần đầu tiên anh tiếp cận chăn nuôi giống dê này. Nhưng rồi được cán bộ khuyến nông hướng dẫn, anh chăm chỉ học kỹ thuật làm chuồng, trồng cỏ, chăm sóc đàn dê và chỉ sau một thời gian ngắn, những chú dê non lần lượt ra đời. Thấy đây là mô hình có triển vọng, lại nuôi không quá khó nên anh Quay tiếp tục đầu tư với hy vọng sớm thoát nghèo.

Mô hình phát triển chăn nuôi dê lai được Trạm Khuyến nông huyện triển khai từ năm 2009 với 25 hộ thuộc 4 xã Ba Động, Ba Dinh, Ba Bích, Ba Xa và thị trấn Ba Tơ tham gia. Mô hình hỗ trợ cho mỗi hộ 8 con dê cái giống cỏ địa phương và 1 con dê đực giống Bách Thảo. Sau gần 4 năm triển khai, đa số đàn dê phát triển tốt, sinh sản được 504 con giống dê lai. Trọng lượng mỗi con khoảng 26kg, cao hơn giống dê cỏ 10kg. Với giá bán bình quân 80.000 đồng/kg, doanh thu khoảng 1,2 tỷ đồng, trừ chi phí, lợi nhuận khoảng trên 550 triệu đồng. Mỗi hộ thu nhập bình quân 22,2 triệu đồng.

Ngoài việc triển khai mô hình nuôi dê, Trạm Khuyến nông huyện đã đề xuất với lãnh đạo huyện triển khai mô hình chăn nuôi heo cỏ địa phương. Cuối năm 2012, khi có nguồn vốn từ chương trình 30a hỗ trợ, Trạm triển khai mô hình này thì đã có 7 hộ "tiên phong" tham gia. Mỗi hộ được hỗ trợ 7 con giống, thức ăn hỗn hợp, thuốc thú y, thức ăn xanh, sửa chữa chuồng trại. Ngoài việc cung cấp giống, cán bộ trạm còn hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc heo giống. Sau hơn 6 tháng nhận hỗ trợ chăn nuôi bà Nguyễn Thị Hiền, ở thôn Suối Loa, xã Ba Động đã nắm được kỹ thuật chăm sóc loài heo này. Bà Hiền bảo: Trước đây, loài heo này, đồng bào H'rê nuôi chủ yếu thả rông nên heo chậm phát triển, dễ xảy ra dịch bệnh. Giờ, chăm sóc theo kỹ thuật của mô hình, heo phát triển nhanh, lại ít xảy ra dịch bệnh".

Nuôi heo cỏ giống địa phương theo đúng kỹ thuật sẽ cho nguồn thịt vừa thơm ngon, vừa đảm bảo chất lượng. Hiện nay, dù giá trên 100.000 đồng/kg heo hơi nhưng các hộ chăn nuôi đã được nhiều cửa hàng quán đặt mua để đáp ứng nhu cầu thực khách.

Song song với các mô hình chăn nuôi, Trạm Khuyến nông huyện còn "ghi điểm" ở mô hình trồng ngô lai vụ hè thu (năm 2012) kết hợp trồng đậu phụng vụ đông xuân 2012 - 2013. Mô hình được triển khai trên bãi bồi ven sông Liêng không chủ động nguồn nước thuộc địa phận xã Ba Động và thị trấn Ba Tơ. Kết quả ngô lai vụ hè thu đạt 57 tạ/ha, tăng 12 tạ/ha so với trồng bình thường; đậu phụng vụ đông xuân đạt 22 tạ/ha, tăng 6 tạ/ha so với nông dân trồng trước đây. Doanh thu từ mô hình kết hợp hai loại giống trên một diện tích đạt trên 75 triệu đồng/ha/năm, trừ chi phí còn lại lợi nhuận gần 24 triệu đồng.

Mỗi một mô hình đem lại hiệu quả, đã góp thêm sức sống cho vùng cao Ba Tơ.    


Bài, ảnh: MAI HẠ
 


.