(QNĐT)- “Bén duyên” với vùng đất trũng từ năm 2011, mô hình trồng sen lấy hạt được triển khai tại cánh đồng La Băng và Bàu Đan thuộc xã Hành Thịnh, huyện Nghĩa Hành từ nhiều năm nay đã mang lại hiệu quả thiết thực cho nhiều hộ nông dân.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Đất trũng… nở hoa
Không khoanh tay đứng nhìn những vùng đất ngập úng bị bỏ hoang, một số hộ nông dân ở xã Hành Thịnh hạ quyết tâm “đánh thức” vùng đất trũng bằng mô hình trồng sen lấy hạt. Những năm trước cánh đồng La Băng và Bàu Đan thuộc xã Hành Thịnh có hơn 20 ha đất ngập úng, bỏ hoang lâu ngày nên cây lục bình xâm lấn mạnh vào ruộng lúa.
Vùng đất trũng ngày nào giờ là những cánh đồng sen trù phú, giúp nhiều hộ dân có cuộc sống khấm khá. |
Một trong những người “tiên phong” mạnh dạn áp dụng mô hình này là ông Nguyễn Văn Thiên (62 tuổi) cựu chiến binh thôn Đồng Xuân, xã Hành Thịnh. Chỉ tay về phía ruộng sen 2 ha của mình, ông Thiên kể: “Vùng đất này trước kia là “thiên đường” của lục bình, chúng sinh sôi nảy nở với tốc độ nhanh chóng mặt, nếu để loài cây dại này “tự do” phát triển thì trước sau gì những cánh đồng lúa lân cận cũng bị chúng lấn hết. Thấy vậy, tui vận động thêm một số bà con xin giấy phép của xã rồi tiến hành đắp bờ, nạo vét bùn, dọn cỏ… mua sen giống về trồng. Chỉ sau một năm đã bắt đầu có thu hoạch. Đến bây giờ cây sen trở thành chiếc “cần câu cơm” của gia đình tôi và rất nhiều hộ dân trong xã”.
Nhận thấy đây là một mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao, nhiều hộ dân trong xã Hành Thịnh đã tìm đến với nghề mới- nghề trồng sen lấy hạt. Đến nay toàn bộ diện tích trồng sen lấy hạt của xã là 25 ha, với 29 hộ dân tham gia trồng, tập trung nhiều nhất ở thôn Xuân Đình. Hầu hết các diện tích ngập úng trong xã điều được người dân tận dụng triệt để để trồng sen.
Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực, cây sen còn góp phần chống lại sự xâm lấn của cây lục bình và mai dương vốn rất khó tiêu diệt và đang xâm hại mạnh đến diện tích hoa mùa trên địa bàn tỉnh ta.
Dễ trồng, thu nhập cao
Cây sen có đặc tính ít bị sâu bệnh, phù hợp với thổ nhưỡng ở những vùng đất ngập úng. Người trồng ít tốn công chăm sóc, tiền vốn đầu tư cũng khá khiêm tốn, nguồn giống dồi dào.
Cánh đồng sen tít tắp ở xã Hành Thịnh. |
Ông Trương Văn Hàn (59 tuổi) một hộ trồng sen ở thôn Xuân Đình cho hay: Gia đình tôi trồng 3 ha sen. So với các loại cây trồng khác, cây sen mang lại lợi nhuận hơn hẳn. Thời gian thu hoạch kéo dài từ tháng 4 đến tháng 7 (dương lịch), cứ 3 ngày thu hoạch 1 lần. Trung bình 1 ha trồng sen, thu hoạch được gần 1 tấn hạt. Với giá bán 32.000 đồng/kg hạt sen như hiện nay, bình quân mỗi năm trừ hết chi phí, thu lãi ròng ngót nghét 100 triệu đồng, hiệu quả kinh tế gấp 3 lần so với cây lúa.
Đồng quan điểm với ông Hàn, ông Trương Văn Tịnh, một hộ dân trồng sen ở xã Hành Thịnh nhẩm tính: Một sào lúa (500 m2) mỗi năm trồng hai vụ lúa, thu hoạch chừng 3 tạ thóc, với giá bán tại ruộng 3.300 đồng/kg lúa tươi, người trồng lúa chỉ mong được mùa để đủ ăn, chứ không mong có lãi vì chi phí đầu tư cao, giá cả lại bấp bênh.
Để cây sen có thể phát triển tốt trên vùng đất ngập úng, nhiều hộ dân có nhiều năm kinh nghiệm trồng sen ở đây chia sẻ : Cây sen vốn có đặc tính ưa nước trong, không ưa nước đục. Nếu để nước đục lâu ngày, cây rất dễ chết. Sau khi thu hoạch song phải nhanh chóng hút nước bùn, tỉa những cành lá thối rửa để ngó sen có khoảng trống phát triển.
Ông Nguyễn Văn Long- Chủ tịch Hội Nông dân xã Hành Thịnh cho biết: Trong nhiều năm qua Trung tâm Khuyến nông huyện Nghĩa Hành đã mở nhiều lớp tập huấn để giúp người dân nắm bắt được kỹ thuật trồng sen, đồng thời cung cấp các giống sen cao sản cho bà con nhằm tăng năng suất, mang lại hiệu quả kinh tế. Vấn đề đầu ra của cây sen được đảm bảo vì có nhiều nơi đăng ký đứng ra bao tiêu sản phẩm. Chỉ cần giá cả ổn định như trong nhiều năm qua, người trồng sen sống khỏe, yên tâm bám nghề làm giàu.
Bài, ảnh: Ngọc Viên