Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá-Bộ Tài chính, việc giá xăng, dầu tăng vào ngày 17-7 sẽ kéo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng khoảng 0,1%.
Ảnh minh họa |
Tại cuộc họp báo định kỳ sáng 19-7 do Bộ Tài chính tổ chức, điều hành giá xăng dầu là một trong những vấn đề thu hút báo giới.
Trả lời một loạt câu hỏi về việc Bộ Tài chính “tiền hậu bất nhất” trong điều chỉnh tăng giá xăng, dầu ngày 17-7 vừa qua, giá tăng tác động như thế nào đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI), ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá-Bộ Tài chính cho biết, hiện nay Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu rất nghiêm túc theo Nghị định 84. Giá cơ sở được tính bình quân 30 ngày, tần suất tăng tối thiểu 10 ngày, còn giảm thì bất kỳ lúc nào, nhưng nếu tối thiểu 10 ngày mà doanh nghiệp không giảm thì cơ quan quản lý sẽ yêu cầu.
Trong đợt điều chỉnh tăng vừa qua, sau khi tiếp nhận văn bản của doanh nghiệp báo cáo giá cơ sở cao hơn bán lẻ do giá xăng dầu thế giới tăng, Bộ Tài chính đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp không tăng giá và tiếp tục theo dõi, khi đó giá xăng dầu thế giới biến động rất thất thường, lúc tăng lúc giảm. “Lúc đó không phải Bộ Tài chính nói không tăng giá mà là yêu cầu các doanh nghiệp kiềm chế trong bối cảnh chịu áp lực áp lực của giá xăng dầu thế giới.”-Ông Tuấn nói.
Tuy nhiên, sau khi tính toán cùng Bộ Công thương, mức chênh lệch với giá cơ sở lên tới 720-988 đồng/lít, là mức rất cao và nếu cho doanh nghiệp tăng mức này thì sẽ tác động đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và hoạt động sản xuất kinh doanh. Vì thế, sau khi lựa chọn các phương pháp điều hành, cơ quan chức năng đã yêu cầu doanh nghiệp cắt giảm 2/3 lợi nhuận định mức, cho sử dụng quỹ bình ổn giá với xăng, diesel và dầu hỏa lên 300 đồng, trên cơ sở bù đắp vậy giá cơ sở vẫn cao hơn 420-470 đồng, từ đó đã giao các doanh nghiệp rà soát điều chỉnh tối đa.
Ông Tuấn cho biết, việc giá xăng, dầu tăng vào ngày 17-7 sẽ kéo CPI tăng khoảng 0,1%. CPI 6 tháng đầu năm là 2,4% và mục tiêu của chính phủ đề ra là 6-6,5%. Vì vậy, cơ quan điều hành giá sẽ cố gắng tham mưu cho Chính phủ bám sát mục tiêu trên.
Cũng tại buổi họp báo, trước thắc mắc của phóng viên về việc có thông tin cho rằng sẽ dừng thí điểm bảo hiểm nông nghiệp, bà Nguyễn Thị Minh-Thứ trưởng Bộ Tài chính khẳng định, sẽ không dừng bảo hiểm nông nghiệp. “Việc thí điểm bảo hiểm ở 20 tỉnh cho thấy rất tốt. Nhiều tỉnh có kiến nghị thực hiện đại trà. Tuy nhiên, vấn đề này cần lắng nghe cả doanh nghiệp và người dân bởi đây là lĩnh vực rủi ro cao.”-Bà Minh cho biết.
Theo Hương Thủy/Hà Nội mới