Để “mì sống bền, dân vững dạ”

02:07, 21/07/2013
.

(QNg)- Những năm qua, cây mì đã và đang góp phần cải thiện thu nhập của người dân khu vực nông thôn, miền núi vùng duyên hải miền Trung nói chung. Riêng Quảng Ngãi, cây mì không chỉ góp phần đẩy lùi cái nghèo mà còn chiếm gần 50% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.
 

TIN LIÊN QUAN

Năm 2012, diện tích trồng mì vùng duyên hải miền Trung khoảng 111 nghìn ha, năng suất bình quân 173,3 tạ củ tươi/ha, sản lượng 1,92 triệu tấn củ tươi (chiếm 19,7% sản lượng mì của cả nước). Đối với Quảng Ngãi, diện tích mì năm 2012 đạt gần 20.000 ha, năng suất 176 tạ/ha, sản lượng 349.676 tấn. Ngoài ra, Quảng Ngãi cũng đã quy hoạch phát triển vùng mì nguyên liệu đến năm 2020 với diện tích 24.554,2 ha nhằm phục vụ nhu cầu sản xuất cho Nhà máy nhiên liệu sinh học (Bio Ethanol) và Công ty CP Nông sản thực phẩm (Cty). Đây được xem là điều kiện giúp cây mì có cuộc sống bền vững để nông dân vững dạ gắn bó với nó.   

 Ưu-nhược song hành

“15 năm qua, cây mì đã cho gia đình mình cuộc sống đủ đầy, con cái được đến trường học cái chữ”, chỉ vào căn nhà khang trang, thiết bị vật dụng “xịn”, anh Nguyễn Đức Hải ở thôn Gò Dép, thị trấn Di Lăng (Sơn Hà) hồ hởi khoe. Anh Hải đưa chúng tôi đi tham quan ruộng mì 6 tháng tuổi của mình và bảo rằng, 15 năm cùng cây mì trải qua nhiều thăng trầm, có lúc định nhường đất của mì cho bắp, đậu phụng nhưng nghĩ lại, anh không nỡ.

 

 Một điểm tập kết mì của người dân xã Sơn Hạ (Sơn Hà).
Một điểm tập kết mì của người dân xã Sơn Hạ (Sơn Hà).


Phần do đất ở đây xấu, chưa hẳn cây trồng khác có khả năng cho lãi 20 triệu đồng/ha/vụ như mì; phần vì lúc đó, Hải học lỏm được cách thâm canh mì - đậu nên cũng muốn “thử”. Kết quả, không những anh không từ bỏ mì, mà còn mở rộng diện tích sản xuất vì sự có mặt của đậu vừa khiến năng suất của cả hai loại cây trồng này cùng tăng:  (mì đạt 28-30 tấn/ha với độ bột 27 - 30%, đậu phụng 1,1 tấn/ha), còn cải thiện chất lượng đất. Nhờ khai thác triệt để sự kết hợp này, 7 ha đất trồng mì độc canh ngày nào chỉ cho lãi chưa đầy 140 triệu đồng/vụ thì hiện giờ, con số này tăng lên 210 triệu đồng/vụ.

Cùng với anh Hải, hàng chục nghìn nông dân trong tỉnh cũng có cơ hội thoát nghèo, từng bước cải thiện chất lượng cuộc sống từ cây mì. Tuy nhiên, bên cạnh việc làm lợi cho nông dân, cây mì cũng gây không ít phiền toái. Từ giá cả “nhảy múa”, tư thương ép giá đến dịch bệnh; từ rừng phòng hộ bị người dân tàn phá để lấy đất trồng mì đến chuyện nó bị cho là kẻ tàn phá độ phì tự nhiên của đất...

Tuy nhiên, theo nhận định của ông Phạm Văn Thi - Cục trồng trọt, Bộ NN&PTNT thì: “Những lỗi trên không hẳn của bản thân cây mì, mà xuất phát từ chính nhận thức và tập quán canh tác”. Cụ thể, khi cây mì “lên ngôi”, người dân bất chấp khuyến cáo ồ ạt trồng. Khi mì gặp “hạn” thì vội vàng phế truất khiến cung - cầu không gặp nhau. Mặt khác, việc canh tác mì của nông dân vẫn theo kiểu độc canh, chưa chú trọng xen canh nên chuyện đất bạc màu là điều khó tránh khỏi.  

Để mì sống bền vững
 

“Mì đã từng bị các nhà chuyên môn “ném đá” vì cho rằng, loại cây này có giá trị kinh tế thấp mà gây hại cho đất. Nhưng qua thời gian, cây  mì đã khẳng định vị thế của mình khi mà nó tạo ra lợi nhuận từ những vùng đất đã bị các loại cây trồng khác “chê”. Còn những  khiếm  khuyết của cây mì  không phải không có cách khắc phục, đó là giảm thiểu tối đa cách trồng “chay”, tăng cường xen canh và áp dụng biện pháp chăm sóc hợp lý. Đây là điều cốt lõi để giúp cây mì  phát triển theo hướng bền vững, đảm bảo hài hòa giữa lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường”,  ông Nguyễn Thanh Lâm - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Bộ NN&PTNT cho biết.

Tại Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp với Chuyên đề “Sản xuất và chế biến sắn bền vững khu vực miền Trung” do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức tại Quảng Ngãi trong 2 ngày (16 - 17/7), gần 300 nhà khoa học, nông dân,  doanh nghiệp (DN) đến từ các tỉnh Phú Yên, Kon Tum, Gia Lai, Bình Định, Quảng Nam và Quảng Ngãi đã tập trung trao đổi và tìm đáp án cho bài toán “Cách nào để cây mì sống bền”. Bền vững ở đây không chỉ dừng lại ở con số lợi nhuận mà là sự tồn tại song hành của môi trường (đất) và người trồng mì. Bởi với mức giá 1.650 đồng/kg củ mì (giá này được Cty bảo hiểm trong 5 năm, từ 2013-2018) đảm bảo người trồng mì có lãi 15 - 20%. Nhưng thực tế, khoản lợi này lắm lúc “chảy” vào túi của thương lái. Nguyên do là, nông dân ở xa điểm thu mua của DN nên việc này thường do thương lái đứng ra đảm nhận.

Mặt khác, hiện nay đầu ra của mì trong khu vực miền Trung nói chung, Quảng Ngãi nói riêng vẫn rơi vào điệp khúc “được mùa rớt giá”. Riêng tại Quảng Ngãi, hiện đã có 2 DN đảm nhận đầu ra của mì là Công ty CP Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi và Nhà máy Bio Ethanol Dung Quất nhưng tình trạng trên vẫn còn tiếp diễn. Nhất là khi thu hoạch bị mắc mưa là nông dân… khóc vì các đơn vị thu mua chậm, khiến mì bị thối. Ông Đinh Văn Cật, ở xã Long Mai (Minh Long) còn phàn nàn chuyện “xin-cho” phiếu nhổ mì, rồi “ép” khi thử độ bột khiến nông dân thiệt thòi.

Một vấn đề khiến người trồng mì lẫn DN quan tâm là kỹ thuật xen canh và giảm thiểu rủi ro sau thu hoạch. Thực tế hiện nay, vì thiếu thông tin nên không ít nông dân chưa tiếp cận với các loại giống mới, biện pháp xen canh cũng như cách phòng trừ dịch bệnh. Đặc biệt là việc cơ giới hóa của mì lâu nay bị bỏ ngỏ. Điều này khiến mì rơi vào cảnh “mất kép”: Vừa sụt giảm năng suất vừa trở thành cây phá hoại cuộc sống của đất.

Để tháo gỡ những tồn đọng này, DN cho rằng, nhà khoa học cần giúp người trồng mì có được các loại giống cũng như kỹ thuật canh tác mới; còn nông dân thì mong muốn DN tôn trọng và giữ đúng lời hứa của mình khi hợp tác sản xuất, tránh việc “cần thì đến, không thì quay lưng”. Mà để chấn chỉnh điều này, Nhà nước cần có chế tài xử lý những đơn vị đã quy hoạch vùng phát triển nhưng lại “bỏ rơi” việc thu mua sản phẩm.     


Bài, ảnh: MỸ HOA

 


.