Vàng “xanh”

08:06, 05/06/2013
.

(QNg)- Khi cây lim, cây sao bén rễ phân tầng trên rừng tạp; còn cây dương thì trải màu xanh ngút mắt khắp bãi biển cũng là lúc người dân huyện Đức Phổ chợt nhận ra một điều mà lâu nay họ lãng quên, đó là: "Trồng cây - nhặt vàng, giữ rừng gặt sự sống".

TIN LIÊN QUAN


Đưa "vàng" vào rừng tạp

Tháng 5, nắng nóng như đổ lửa. Biết thế nên mới tờ mờ sáng, chúng tôi đã có mặt tại nhà ông Trần Ngọc Sơn ở thôn Sơn Thành (Phổ Cường) để đi thực tế xem khu rừng lim, sao do người dân xã này trồng và chăm sóc. Chờ đến khi mặt trời lên cao mới chịu xuất phát ông Sơn bảo: “Nóng mới biết tác dụng của cái điều hòa khổng lồ ấy chứ”.

 

 Ông Sơn bên hàng cây lim, sao trong khu rừng rộng 10 hécta của mình
Ông Sơn bên hàng cây lim, sao trong khu rừng rộng 10 hécta của mình


Chạy xe gần 10 km thì đến bìa rừng - cạnh hồ chứa nước (HCN) Huân Phong. Dựng xe ở bờ hồ, chúng tôi bắt đầu lội vào rừng giữa cái nóng hừng hực. Để động viên mọi người, ông Sơn luôn miệng nói về rừng. Nào là từ khi có cây lim, cây sao, mấy trăm héc ta rừng tạp ngày nào đã tìm lại được vị trí của mình trong “ngôi nhà tầng” đang nên hình nên dáng. Rồi thì đất Phổ Cường khô cằn sỏi đá là vậy mà những cây gỗ quý vẫn bén rễ, lớn nhanh khiến chủ rừng vui mừng và khấp khởi hy vọng đổi đời. “Như tui đây, 20 - 25 năm nữa là có tới 3.000 - 4.000 "cây vàng" để nhặt (1ha trồng 500 cây lim, sao - PV). Lúc đó có khi tôi lại khổ vì vàng nhiều quá ấy chứ!”. Câu nói của ông Sơn làm ai cũng phá lên cười trước khi tiến vào khu rừng trồng gỗ quý.  

Quả đúng như những gì ông Sơn khoe. Ngoài cây lim, cây sao to bằng bắp chân người đều tăm tắp, đong đưa trong gió, thì khu rừng tạp này đã và đang dần tìm lại đặc tính tự nhiên vốn bị đánh mất về sự phân tầng sinh thái của các thảm thực vật. “Đây chính là những gì chúng ta cần của một cánh rừng: Bền vững về giá trị kinh tế lẫn môi trường”, vừa nói, anh Phan Hữu Tấn - cán bộ BQL Dự án khôi phục và quản lý rừng bền vững (Kfw6) huyện Đức Phổ vừa giới thiệu từng loại cây, từ cỏ đến thân gỗ đua nhau mọc trong rừng.

Anh Tấn nói, hồi sinh 1.379 ha rừng tạp bằng gỗ quý rồi sẽ mang lại lợi nhuận “khủng” cho người dân. Nhưng trên hết, nó như “chiếc nôi” chứa sự sống bằng cách điều tiết nước, chống xói mòn (nhờ thảm thực vật bậc thấp), hạn chế sự tàn phá của thiên tai hay giữ cho không khí trong lành, mát mẻ.
 
 Tái tạo vành đai xanh


Trong khi người dân 4 xã Phổ Cường, Phổ Khánh, Phổ Thạnh và Phổ Châu nâng niu 1.370 ha rừng chứa cây gỗ quý, thì bà con 5 xã ven biển gồm: Phổ An, Phổ Quang, Phổ Vinh, Phổ Khánh và Phổ Châu cũng dành không ít tình cảm cho 414 ha dương. Rừng dương trở thành vành đai xanh chắn gió cát ven biển.

Bà Phan Thị Biểu, trú thôn Vĩnh Tuy, xã Phổ Châu bảo rằng trước đây, hầu hết những ngôi nhà cạnh cồn cát đều luôn trong tình trạng cửa đóng then cài để “né” bụi cát. “Nhưng giờ thì tụi tôi đã có thể mắc võng dưới tán dừa để đong đưa hóng mát mỗi chiều mà không sợ cát phủ…trên mặt”, bà Biểu khoe.    

Trước đây, không chỉ Đức Phổ mà nhiều huyện khác cũng đã nhiều lần trồng cây nhằm phục hồi rừng phòng hộ ven biển nhưng thất bại. Nguyên do phần vì điều kiện khắc nghiệt, phần vì cách chăm sóc chưa phù hợp nên mới có chuyện “mười cây chết chín”. Thế nhưng dưới sự hỗ trợ của Dự án trồng rừng phòng hộ trên đất cát ven biển (Basa) do Chính phủ Nhật Bản tài trợ, cây dương đã sống và mang lại bộ mặt mới cho cảnh quan sinh thái biển nơi đây. “Nó không chỉ giảm sự di chuyển của cát, cản gió mà còn tái tạo môi trường khiến biển có vẻ hiền hòa hơn, trong lành hơn”, ông Trần Thanh Hòa - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đức Phổ nhận định.  

Mô hình cần được nhân rộng

Giữa lúc rừng tự nhiên đang bị rừng trồng (chủ yếu là cây keo lai) thế chỗ; rừng phòng hộ trôi dần ra biển, thậm chí bị người dân đốn hạ để làm củi... thì việc phục hồi, tái tạo rừng tại huyện Đức Phổ dưới sự hỗ trợ của các Dự án như Kfw6 hay Basa rất cần được nhân rộng. Bởi hiện tại, tình trạng sạt lở ven sông, biển; tầng sinh quyển thay đổi hay hiện tượng xói mòn khiến đất đai kém màu mỡ đều xuất phát từ lý do rừng bị tàn phá. Đơn cử như tình trạng biển “ngoạm” đất ở xã Đức Lợi (Mộ Đức). Với tốc độ ăn sâu hàng chục mét mỗi năm, kéo dài cả cây số bờ biển khiến đất ở địa phương này ngày càng teo tóp.   

Mặt khác, việc tái tạo rừng phòng hộ hiện nay ít thu hút người dân tham gia vì nó chưa mang lại thu nhập cao như rừng trồng.  Nguyên nhân là ngoài tiền hỗ trợ công trồng và chăm sóc ít (2,9 - 6,5 triệu/ha) thì cái chính là chẳng ai tin cây lim, cây sao sẽ sống nổi ở cái đất cằn cỗi này; mà nếu có sống thì phải đến 20 - 30 năm sau mới cho thu hoạch. “Vậy là họ bỏ lim, sao để chọn cây keo lai”, chủ rừng Trần Ngọc Sơn bộc bạch.

Còn với rừng phòng hộ ven biển, việc phục hồi, tái tạo vành đai xanh, tạo nên những cánh rừng ven biển đã và đang gặp nhiều khó khăn. Ông Huỳnh Gặp ở thôn Vĩnh Tuy cho rằng, chính quyền địa phương cần học tập kinh nghiệm quản lý của chủ Dự án ở các nước Đức và Nhật Bản. Đó là thành lập đội bảo vệ được trang bị đầy đủ kỹ năng, kinh nghiệm và trang thiết bị để giữ rừng. Đồng thời xử phạt nặng những người có hành vi chặt phá, đốn hạ cây rừng. Ý kiến này đáng để các ngành chức năng của tỉnh lưu tâm.

 

Mỹ Hoa

 


.