Nhiều dự án đầu tư ở miền núi, thấy mà xót lòng (Kỳ 2)

02:06, 22/06/2013
.

(QNĐT)- Những năm qua, nhiều chương trình, dự án đã tập trung đầu tư cho các huyện miền núi trong tỉnh, với số tiền lên tới hàng ngàn tỷ đồng. Thực tế cho thấy, nhiều công trình, dự án đã phát huy hiệu quả, góp phần “thay da, đổi thịt” cho vùng cao. Tuy nhiên bên đó, cũng có rất nhiều công trình không phát huy hiệu quả, gây lãng phí lớn… Loạt bài phản ánh của nhóm phóng viên Báo Quảng Ngãi điện tử phần nào cho thấy những bất cập trong việc đầu tư tại các huyện miền núi.

TIN LIÊN QUAN

 

Kỳ 2: Công trình nước sạch miền núi: Kinh phí nhiều, hiệu quả thấp

Hàng loạt công trình nước sạch được đầu tư ở các huyện miền núi mới đưa vào hoạt động được vài năm thì hư hỏng nặng. Hàng trăm hộ dân địa phương vẫn phải chịu cảnh “khát nước” triền miên ngay bên cạnh các công trình nước sạch bị “đắp chiếu”.

 

Đầu tư lớn, hiệu quả thấp

 

Hằng năm, tỉnh Quảng Ngãi bố trí nguồn vốn khá lớn cho chương trình cấp nước sinh hoạt nông thôn, đặc biệt là cho các huyện miền núi. Song điều đáng buồn là hiệu quả sử dụng lại gần như tỷ lệ nghịch với số tiền đầu tư. Người dân ở các điểm được đầu tư vẫn luôn "khát" nước sinh hoạt bên những công trình đang "đắp chiếu".

Năm 2000, công trình hệ thống cấp nước cụm xã Long Môn, huyện Minh Long được đầu tư xây dựng, với tổng kinh phí trên 450 triệu đồng (do Sở NN&PTNT làm chủ đầu tư). Năng lực thiết kế của công trình là phục vụ nước sinh hoạt cho 112 hộ dân, với khoảng 300 nhân khẩu.

Các hộ dân là người đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây “vui như được mùa”, khi hay tin công trình được triển khai xây dựng. Bởi họ sẽ chấm dứt được chuỗi ngày khổ cực khi phải ra suối để gánh từng thùng nước. Tuy nhiên, công trình này chỉ sử dụng được vài năm đã bắt đầu hư hỏng, người dân lại không còn cách nào khác là ra suối gánh nước.

 

Các van nước tại trụ nước thuộc công trình cấp nước cụm xã Long Môn, huyện Minh Long đã bị hư hỏng từ lâu.
Các van nước tại trụ nước thuộc công trình cấp nước cụm xã Long Môn, huyện Minh Long đã bị hư hỏng từ lâu.


Một điều đáng nói là công trình này, mặc dù được thiết kế cho tới 112 hộ dân, thế nhưng khi đi vào sử dụng thực tế số hộ được hưởng lợi từ công trình này chưa tới 15 hộ, nghĩa là chỉ 10% so với năng lực đầu tư. Thế nhưng, 10% hộ dân thực tế được dùng nước sạch này từ nhiều năm nay cũng đã không còn được hưởng lợi từ công trình này.

Theo quan sát của chúng tôi thì các vòi nước tại các trụ hầu như đã bị hư hỏng và mất cắp từ lúc nào. Lần theo đường ống dẫn nước, chúng tôi phát hiện hệ thống đường ống thì cũng đã bị hư hỏng, nhiều nơi lộ thiên lên cả mặt đường.

Ông Đinh Văn Tri (74 tuổi), ở làng Trê, xã Long Môn là một trong những gia đình ở sát bên trụ nước sạch của công trình này cho biết: Trước kia, trụ nước này nước nhiều lắm, ngày nào cũng có người đến lấy nước, nhưng nhưng lâu lắm rồi, nó không có nước nữa. Hằng ngày, người dân muốn dùng nước phải đi gánh rất xa…

 

Ông Nguyễn Văn Lợi- Phó Chủ tịch UBND xã Long Môn cho biết, công trình này bị hư hỏng do xe chở vật liệu đi qua, nhưng do chưa có kinh phí nên xã chưa sửa chữa. Mặt khác, người dân ở đây cũng thiếu ý thức trong việc bảo vệ. nên hầu như công trình nào cũng bị hư hỏng.

Cũng giống như công trình xã Long Môn, năm 2005, 150 hộ dân, với 400 nhân khẩu ở thôn Đồng Chùa, xã Ba Chùa (Ba Tơ) phấn khởi khi công trình nước sạch tự chảy trị giá hơn 300 triệu đồng của thôn được đưa vào hoạt động. Tuy nhiên, chỉ mới sử dụng được hai năm thì công trình đã “rệu rã” ở cả hệ thống bể chứa lẫn đường ống dẫn nước.

Ông Phạm Văn Triều- người dân thôn Đồng Chùa cho biết: Nước sạch ở đây quý như vàng. Những tưởng sẽ thoát khỏi cảnh đi gánh từng thùng nước sinh hoạt, nhưng nào ngờ đâu… dân chúng tôi vẫn phải khổ sở từ năm 2007 đến nay.

 

Đường ống dẫn nước của công trình này cũng bị hư hỏng.
Đường ống dẫn nước của công trình này đã bị hư hỏng nằm lộ thiên trên mặt đất.

 

Ông Phạm Văn Ca Ni- Chủ tịch UBND xã Ba Chùa cho rằng, đường ống từ nguồn vào bể chứa đã hư hỏng gần hết, do một số người dân ở thị trấn Ba Tơ đến đập phá, nhằm dẫn nước về phục vụ sản xuất cho cánh đồng của họ. Mặt khác, hệ thống ống dẫn nước về các hộ dân cũng bị vỡ trong quá trình mở đường cho xe khai thác keo đi lại.

Không riêng gì người dân ở thôn Đồng Chùa, 50 hộ dân ở thôn Lệ Trinh cùng xã Ba Chùa cũng phải hứng chịu cảnh thiếu nước vào mỗi mùa khô hạn. Công trình nước sạch của thôn được đưa vào sử dụng năm 2006 để phục vụ  50 hộ dân trong thôn. Thế nhưng, tương tự công trình ở thôn Đồng Chùa, hơn 150 người dân địa phương chỉ được hưởng nguồn nước sạch từ công trình trong một thời gian ngắn.

Chị Phạm Thị Linh, một người dân trong thôn chia sẻ: Người dân mới dùng nước sạch của công trình được một thời gian ngắn thì chẳng thấy nước chảy về thôn nữa. Hỏi ra mới biết, đường ống đã bị vỡ từ lúc thi công đường giao thông Ba Chùa- Bến Buôn. Từ đó, người dân chờ mãi mà không thấy công trình được sửa chữa.
 
Cùng lúc, cả hai công trình nước sạch của xã Ba Chùa bị hư hỏng, không thể phát huy hiệu quả. Người dân địa phương lại phải ra suối, sông cách xa vài trăm mét để gánh từng thùng nước về sinh hoạt như bao đời nay. Trong khi đó các công trình nước sạch bị bỏ hoang, ngày một xuống cấp nặng.

Hỏng là bỏ vì... thiếu kinh phí

Đáng lưu ý, hiện nay hầu hết các công trình nước sạch do UBND các huyện làm chủ đầu tư bị hư hỏng, không sử dụng được khá nhiều. Chỉ tính riêng một số huyện miền núi thì Sơn Tây có 9 công trình, hai huyện Ba Tơ và Sơn Hà đều có 18 công trình, huyện Tây Trà có 29 công trình. Nhiều công trình được đầu tư một thời gian ngắn đã hư hỏng, không phát huy tác dụng như mong đợi, gây lãng phí tiền của nhà nước và nhân dân. Điều đáng nói, có những công trình, người dân đã kiến nghị sửa chữa nhiều lần nhưng vẫn không thấy động tĩnh.
 
Ông Phạm Văn Lé- Trưởng thôn Cà Rá, xã Ba Xa, huyện Ba Tơ dẫn chúng tôi ra công trình cấp nước được đầu tư hơn 600 triệu đồng (do Sở NN&PTNT đầu tư) nằm trơ trọi giữa núi rừng, bày tỏ: Đây là công trình hơn 1.700 người dân ở 2 thôn Cà Rá và Nước Như mong đợi từng ngày. Thế nhưng, công trình đã hỏng gần 10 năm rồi mà không thấy sửa chữa. Không ít lần người dân kiến nghị cấp trên cho kinh phí sửa chữa nhưng đáp lại chỉ là sự im lặng.

 

Mặc dù kiến nghị nhiều lần,

Công trình cấp nước 600 triệu duy nhất của xã 'đắp chiếu" cả chục năm qua, nên người dân chỉ còn cách lấy nước tự chảy từ những ngọn núi.

 

Ông Phạm Văn Ố- Bí thư Đảng ủy xã Ba Xa cho biết: Lần nào họp tiếp xúc Đại biểu Quốc hội hay  HĐND các cấp, người dân cũng thắc mắc: Công trình nước sạch bao giờ mới được sửa chữa để người dân tiếp tục hưởng nguồn nước chảy về tận nhà. Nhưng, chúng tôi chẳng còn cách nào khác ngoài sự chờ đợi các ngành chức năng giải quyết.

Chủ tịch UBND tỉnh vừa quyết định phân khai bổ sung thêm 5 tỷ đồng để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn năm 2013. Trước đó, UBND tỉnh đã 22 tỷ đồng cho Chương trình

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở NNN&PTNT, các sở ngành, UBND các huyện liên quan nghiêm túc rút kinh nghiệm và tập trung chỉ đạo khắc phục hoàn thành các công trình nước sạch bị hư hỏng và các dự án đã được UBND tỉnh giao kế hoạch vốn tại Quyết định số 261/QĐ-UBND ngày 22/02/2013 để người dân hưởng lợi thực sự từ các công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.
 
Đối với 94 công trình nước sạch bị xuống cấp, hư hỏng do các huyện làm chủ đầu tư, các huyện chủ động rà soát, cân đối bố trí vốn để triển khai thực hiện khắc phục, sửa chữa đối với các công trình cần thiết, đảm bảo phát huy hiệu quả sử dụng.

Còn ông Phạm Văn Ca Ni- Chủ tịch UBND xã Ba Chùa cho hay: Xã có 2 công trình nước sạch nhưng đã hư hỏng, không thể sử dụng được nữa. Biết là kinh phí xây dựng hàng trăm triệu đồng, nên không ít lần chúng tôi báo lên cấp trên để xin kinh phí sửa chữa. Tuy nhiên, đến nay người dân vẫn phải chịu cảnh gánh nước, tự đào giếng để có nước sinh hoạt.


Ông Nguyễn Văn Thuộc-Giám đốc Trung tâm nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh cho biết: Trong những năm qua, đã có gần 400 công trình nước sạch lớn, nhỏ được xây dựng. Đa số các công trình ở các xã đồng bằng đều phát huy hiệu quả, nhưng tại các xã miền núi thì ngược lại. Các công trình này do địa phương được hưởng lợi có trách nhiệm quản lý, sử dụng. Thế nhưng phần lớn các công trình sau một thời gian thì hư hỏng xuống cấp, nguyên nhân là không có người bảo quản và sửa chữa, ý thức của người dân trong việc sử dụng các công trình công cộng còn quá kém. “Nếu công trình nào hư hỏng cũng kiến nghị lên trên thì chắc không có kinh phí nào giải quyết đủ”- Ông Thuộc nói.
 
Thực tế trên đang là vấn đề nan giải đặt ra với các ngành chức năng trong việc đầu tư các công trình hạ tầng ở miền núi, đặc biệt là công trình nước sạch. Với cách đầu tư xong rồi khoán trắng cho địa phương và cộng đồng sử dụng, không có người trông coi, không có kinh phí duy tu bảo dưỡng hằng năm như lâu nay, trong khi đó ý thức bảo vệ của người dân còn quá kém thì chẳng mấy chốc các công trình này đều rơi vào cảnh "tê liệt". Điều này không những gây lãng phí, mà còn khiến người dân bức xúc vì có công trình mà không được hưởng lợi!
 
 

Kỳ 3: Những dự án… làm cảnh




Nhóm phóng viên QNĐT

 


.