(QNĐT)- Những năm qua, nhiều chương trình, dự án đã tập trung đầu tư cho các huyện miền núi trong tỉnh, với số tiền lên tới hàng ngàn tỷ đồng. Thực tế cho thấy, nhiều công trình, dự án đã phát huy hiệu quả, góp phần “thay da, đổi thịt” cho vùng cao. Tuy nhiên bên đó, cũng có rất nhiều công trình không phát huy hiệu quả, gây lãng phí lớn… Loạt bài phản ánh của nhóm phóng viên Báo Quảng Ngãi điện tử phần nào cho thấy những bất cập trong việc đầu tư tại các huyện miền núi.
Kỳ 1: Công trình thủy lợi thật, tưới ảo…Hàng loạt công trình thủy lợi ở huyện miền núi Trà Bồng được đầu tư với số tiền hàng tỷ đồng, thế nhưng vẫn không tưới được một hécta lúa nào. Nguyên nhân, nơi có công trình thủy lợi thì không có đất sản xuất, nơi cần tưới thì công trình lại không phát huy tác dụng. Nghịch cảnh này gây lãng phí lớn về ngân sách, tiền của và đất sản xuất. |
Chưa có đất sản xuất vẫn xây thủy lợi
Công trình thủy lợi Tầm Rênh, thôn Trà Ót, xã Trà Tân (Trà Bồng) là công trình được đầu tư với số tiền trên 1,1 tỷ đồng, từ nguồn vốn 30a được triển khai từ năm 2011, do UBND huyện Trà Bồng làm chủ đầu tư. Công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2012.
Trên giấy tờ, công trình 1,1 tỷ đồng này được đầu tư để cung cấp nước chỉ cho vỏn vẹn hơn 3 ha diện tích khai hoang trồng lúa nước tại thôn Trà Ót, xã Trà Tân. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây, từ khi hoàn thành và đưa vào sử dụng đến nay, công trình thủy lợi Tầm Rênh vẫn chưa tưới cho được một mét ruộng nào gọi là lúa nước như dự án đã báo cáo.
Công trình thủy lợi Tầm Rênh được đầu tư trên 1,1 tỷ đồng phục vụ cho 3 ha lúa, nhưng thực tế diện tích lúa này hiện chỉ trên giấy. |
Để tìm hiểu thực hư hiệu quả của công trình này, chúng tôi đi vòng xung quanh dọc theo tuyến kênh, tìm “đỏ cả mắt” cũng không thấy ruộng lúa đâu cả. Qua tìm hiểu, mới biết số liệu diện tích ruộng được hưởng nước từ các công trình này chỉ là số liệu trên giấy.
Để tìm hiểu thêm sự việc công trình thủy lợi đầu tư tiền tỷ nhưng tưới diện tích ảo này, chúng tôi trao đổi với ông Hồ Việt Tùng- Chủ tịch UBND xã Trà Tân thì ông phân trần: Công trình thủy lợi này được đầu tư nhằm phục vụ nước tưới cho diện tích khai hoang của xã để cấp cho người dân trồng lúa nước, thế nhưng dù đã cấp diện tích đất này cho 23 hộ dân ở khu tái định cư Cây Chò, thôn Trà Ót từ nhiều tháng nay nhưng người dân vẫn không chịu đến sản xuất, nên diện tích đất chưa khai hoang được. “Nhiều người dân ở đây cho rằng, từ xưa đến nay, ông bà tổ tiên của họ chỉ biết làm nương, trồng lúa rẫy không biết trồng lúa nước nên họ nhất quyết không chịu làm”- ông Tùng nói.
Xây công trình thủy lợi để... bỏ hoang
Trong khi công trình thủy lợi Tầm Rênh được đầu tư 1,1 tỷ đồng để tưới cho hơn 3 ha lúa trên giấy, thì công trình thủy lợi Suối Ranh tổ 3, thôn 3 xã Trà Thủy (Trà Bồng) lại ngược lại. Trong khi nhiều diện tích lúa ở đây rất cần có nguồn nước để tưới nhưng đành bất lực và chịu khô hạn vì công trình thủy lợi ở đây xây xong nhưng không phát huy hiệu quả, gây lãng phí tiền của và bức xúc trong nhân dân.
Công trình thủy lợi Suối Ranh được xây dựng năm 2003 do UBND huyện làm chủ đầu tư, với số tiền hàng trăm triệu đồng. Những tưởng sau khi có công trình thuỷ lợi, cuộc sống người dân sẽ “sang trang mới” bởi theo mục tiêu thì công trình cấp nước tưới cho 3ha lúa 2 vụ/năm. Nhưng thực tế thì không phải vậy. Từ khi đưa vào sử dụng đến nay, không có một mét ruộng nào được tưới.
Công trình thủy lợi Suối Ranh được xây dựng thấp hơn mặt ruộng quá nhiều nên nhiều diện tích ruộng ở đây đành bỏ hoang vì không có nước tưới. |
Theo người dân ở đây cho biết, sở dĩ công trình đã hoàn thành khá lâu nhưng vẫn không sử dụng được là do hệ thống kênh mương thiết kế và xây dựng không hợp lý. Hệ thống kênh mương được xây thấp hơn mặt ruộng, nên không thể cung cấp nước tưới cho các thửa ruộng xung quanh.
Chỉ cho chúng tôi xem những ô ruộng đã được người dân bỏ công sức ra khai hoang, giờ phải bỏ không, ông Hồ Văn Lên, một người dân ở đây nói: Trước đây, họ nói người dân đến đây khai hoang để trồng lúa, vì nước thủy lợi rất nhiều… Người dân tin nên ai cũng phấn khởi, giờ thì ruộng phải bỏ hoang vì không có nước tưới.
Điều đáng nói nữa là, mặc dù công trình này không phát huy hiệu quả, bởi thiết kế và thi công không đúng như quy hoạch, thế nhưng năm 2007, UBND huyện Trà Bồng lại bỏ ra số tiền trên 124 triệu đồng để gọi là đầu tư nâng cấp, sửa chữa kênh và các công trình trên kênh… Kết quả là nâng cấp xong, không có một diện tích nào được tưới, công trình lại bỏ hoang cho cỏ dại phủ kín đến nay.
Có thể nói, hiện nay trong khi nhiều địa phương khác đang rất cần nguồn vốn để xây dựng các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất thì ở nhiều huyện miền núi, mà điển hình là ở Trà Bồng nhiều công trình được đầu tư hàng tỷ đồng, nhưng rồi sau đó lại bỏ hoang vì không phát huy hiệu quả. Nguyên nhân không phải do người dân mà chính vì công tác quy hoạch, thi công và quản lý công trình có vấn đề.
Kỳ 2: Công trình nước sạch miền núi: Kinh phí nhiều, hiệu quả thấp
Nhóm phóng viên QNĐT