(QNg)- Đó là khẳng định của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Như Sô tại chuyến xúc tiến đầu tư (XTĐT) tại TPHCM vừa qua.
Đồng chí Phạm Như Sô cho rằng, trong năm 2013, Quảng Ngãi quyết tâm kêu gọi, xúc tiến kêu gọi đầu tư theo định hướng Nghị quyết 01 của Tỉnh ủy Quảng Ngãi về phát triển công nghiệp từ nay đến năm 2020, để đến năm 2020 Quảng Ngãi cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp.
PV: Đây là lần đầu tiên tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với một NĐT để xúc tiến, kêu gọi đầu tư, vậy chúng ta chờ đợi gì từ cuộc XTĐT này, thưa ông?
Đồng chí Phạm Như Sô: Việc UBND tỉnh phối hợp với Công ty TNHH VSIP Quảng Ngãi tổ chức Hội nghị XTĐT lần này nhằm quảng bá hình ảnh, tiềm năng và lợi thế đầu tư của Quảng Ngãi. Đây là cơ hội để tỉnh Quảng Ngãi cùng với VSIP kêu gọi các NĐT trong và ngoài nước đầu tư vào Quảng Ngãi trong thời gian tới phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020.
Điểm khác nhau so với các lần trước đó là, đây là lần đầu tiên tỉnh hợp tác với một NĐT (VSIP Quảng Ngãi-PV) để XTĐT (trước đây Quảng Ngãi thường đơn phương tổ chức XTĐT). Chính sự hợp tác này sẽ có điều kiện tốt hơn trong việc kêu gọi các NĐT tiềm năng của VSIP. Họ đã có kinh nghiệm ở Bình Dương, Bắc Ninh, Hải Phòng. Đây là những đối tác truyền thống của VSIP, họ sẽ hướng đến Quảng Ngãi. Đây là điều kiện rất tốt so với trước đây, bởi các NĐT đã có sự gắn kết trong quá trình cùng đầu tư, phát triển.
PV: Vậy các NĐT đến với VSIP Quảng Ngãi sẽ có những thuận lợi gì?
Đồng chí Phạm Như Sô: Trước hết, chúng tôi đã bàn với VSIP hình thành một chương trình XTĐT quy củ và có một chuẩn mực so với trước đây. Tất cả nhà đầu tư đến với Quảng Ngãi, đến với dự án VSIP đều có một quy trình chuẩn, để xử lý tất cả thủ tục hành chính mang tính chất khép kín, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho NĐT, từ đất đai, quy trình cấp phép, các nội dung hỗ trợ để XTĐT, kể cả những vấn đề mà NĐT quan tâm để kết nối NĐT với VSIP, với Quảng Ngãi.
PV: Trước đây, Quảng Ngãi chủ yếu tập trung xúc tiến, kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp nặng, nay lại mở rộng kêu gọi đầu tư thêm một số lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực công nghiệp nhẹ, đô thị... đâu là cơ sở để tỉnh mở rộng diện thu hút đầu tư?
Đồng chí Phạm Như Sô: Cơ sở chính là việc Thủ tướng phê duyệt mở rộng diện tích Khu kinh tế (KKT) Dung Quất lên gấp bốn lần (hiện nay rộng hơn 45 nghìn ha) đưa KKT này trở thành KKT tổng hợp, phát triể̉n đa ngành, đa lĩnh vực. Thay vì trước đây tập trung xúc tiến những ngành công nghiệp nặng, những lĩnh vực liên quan đến sử dụng cảng biển nước sâu, các dự án đòi hỏi quỹ đất rộng, nguyên liệu tại chỗ, nay tỉnh sẽ kêu gọi đầu tư thêm các ngành công nghiệp nhẹ, công nghiệp phụ trợ... Chẳng hạn như ngành công nghiệp chủ lực sẽ được đầu tư tại VSIP Quảng Ngãi bao gồm: Thực phẩm-nước giải khát, các mặt hàng tiêu dùng, lắp ráp linh kiện điện tử và các ngành công nghiệp nhẹ phục vụ cho lĩnh vực dầu khí và hóa chất.
Hiện KKT Dung Quất (cùng với KKT Chu Lai-Quảng Nam) đã được Chính phủ xếp vào một trong 5 KKT trọng điểm được ưu tiên đầu tư nguồn vốn ngân sách để phát triển hạ tầng, áp dụng cơ chế đặc thù về ưu tiên vốn đầu tư từ nguồn thu nhà máy lọc dầu... Với thuận lợi này, hạ tầng của tỉnh sẽ được đầu tư tốt hơn nhằm thu hút NĐT. Ngoài ra, việc VSIP đang triển khai phát triển hạ tầng dự án khu phức hợp đô thị, công nghiệp và dịch vụ tại Quảng Ngãi sẽ thuận lợi để tỉnh thu hút thêm nhiều nguồn vốn đầu tư. Việc phát triển đa ngành nghề này sẽ tạo cơ hội việc làm cho người lao động địa phương cũng như vùng phụ cận sẽ tăng cao hơn.
PV: Hiện nay, có rất nhiều NĐT trong và ngoài nước quan tâm đến Quảng Ngãi và nhất là khu phức hợp VSIP Quảng Ngãi, vậy tỉnh sẽ làm gì để đón dòng đầu tư mới, thưa ông?
Đồng chí Phạm Như Sô: Tỉnh Quảng Ngãi sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư thuận lợi, thông thoáng; sớm hoàn thiện cơ chế chính sách, đồng thời hoàn thành các quy hoạch như quy hoạch chung, quy hoạch ngành, quy hoạch sản phẩm hết sức chi tiết cụ thể để các NĐT có nhiều sự lựa chọn. Bên cạnh đó là tiếp tục cải cách hành chính, cải thiện năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Tỉnh sẽ tập trung cải thiện 3/9 chỉ số thành phần còn hạn chế là thiết chế pháp lý, đào tạo lao động và tính năng động của lãnh đạo, đồng thời duy trì, cải thiện 6 chỉ số còn lại để luôn đứng ở tốp cao hơn so với vị trí 27/63 tỉnh, thành như hiện nay. Ngoài việc được hưởng chính sách ưu đãi thuế, đất đai, tỉnh cũng có chính sách riêng hỗ trợ nhà đầu tư để cung ứng đủ số lượng, đảm bảo chất lượng nguồn lao động... Tất cả nhằm phục vụ cho các NĐT một cách tốt nhất.
Hoàng Triều (thực hiện)