(QNg)- Làng gốm Phổ Khánh đã từng có một thời ngày đêm đỏ lửa khi nhà nhà làm gốm, người người làm gốm. Nhưng bây giờ, chỉ còn khoảng hơn 20 hộ còn mặn mà với nghề “tạo hình cho đất” này, trong đó có một lò gốm nằm ven QL1 lúc nào cũng đỏ lửa. Chủ nhân của lò gốm là anh Nguyễn Văn Hợp - một thanh niên đang cố gắng giữ lại nghề truyền thống của quê hương mình.
Đến thăm xưởng gốm của anh Nguyễn Văn Hợp giữa buổi trưa hè bỏng rát, tôi chứng kiến ông chủ xưởng trẻ tuổi vẫn làm việc không ngơi tay. Qua đôi bàn tay rất “nghề”, từng vốc đất sét mềm nhũn bỗng “vươn lên” thành hình, thành khối.
Học nghề khi 7 tuổi
Đã thành lệ, một ngày làm việc với anh Hợp bắt đầu từ tờ mờ sáng, đến tối mịt mới xong. Cả ngày quần quật bên đất sét, lò nung, cả người anh lúc nào cũng lấm lem bùn đất. Đôi bàn tay thô ráp của anh Hợp lúc chạm vào chiếc bàn xoay bằng gỗ để làm gốm trở nên mềm mại hẳn, cứ thoăn thoắt theo từng vòng quay. Để có thể “quen tay” được như bây giờ, chàng thanh niên này đã trải qua hơn hai mươi năm học nghề. 29 tuổi đời thì anh Hợp có 22 năm làm gốm. Ấy thế nên mùi hăng của đất sét, mùi đất tỏa ra từ nồi, niêu, ấm đất khi mới lấy ra khỏi lò nung…đã trở thành một mùi vị thân thuộc trong anh.
Anh Nguyễn Văn Hợp miệt mài tạo hình cho đất sét. |
“Học cách làm gốm thì phải học cả đời. Tôi được cha truyền dạy nghề từ năm lên 7 tuổi, nhưng đến giờ tôi thấy mình vẫn còn nhiều điều chưa “vỡ” ra được, chưa thể học hết được tinh hoa của nghề” - anh Hợp bộc bạch.
Ngay từ khi còn là một cậu bé 7 tuổi, Hợp đã bắt tay vào học làm gốm. Những bài học vỡ lòng về cách chọn đất sét, thứ tự xếp gốm vào lò nung để gốm không bị vỡ…cha anh đều tỉ mỉ truyền thụ lại cho anh. Ông không chỉ dạy cho anh về cách thức, quy trình mà còn dặn con nắm bắt cái “hồn” của gốm: “Lá chè xanh nấu từ ấm đất, lúc nào cũng đậm vị hơn bát nước chè nấu bằng những chiếc ấm điện, ấm nhôm. Làm nghề này, chính là để níu người ta trở về với những giá trị xưa cũ nên cũng phải tỉ mỉ và kiên trì”, ông Nguyễn Văn Hùng nói về quan niệm làm gốm bằng chất giọng Quảng Nam đặc sệt. Ngày xưa ông trót thương người con gái xứ gốm nên đã rời Núi Thành để theo vợ về với đất Phổ Khánh và yêu luôn cái nghề làm gốm truyền thống nơi đây.
Nối gót tổ nghiệp
Gia đình anh Hợp có 5 anh em, nhưng chẳng ai ôm “mộng” tiếp quản lò gốm gia đình. Không riêng gì gia đình anh Hợp mà hiện nay, những gia đình còn bám trụ với nghề gốm tại Phổ Khánh đang phải đối mặt với nguy cơ mai một vì lớp trẻ không chịu nối nghề. Ấy vậy mà anh Nguyễn Văn Hợp, dù đã học xong nghề cơ khí ô tô ở thành phố Hồ Chí Minh vẫn quyết định khăn gói về quê làm gốm để nối “gót” tổ nghiệp.
Đầu tiên anh bắt tay ngay vào việc sản xuất và điều hành xưởng gốm gia đình thay cho người cha đã già yếu. Bên cạnh khâu chăm chút từng công đoạn làm gốm, anh còn linh hoạt tự thân vận động trong việc tìm khách hàng tại các chợ. Làm như thế, vừa chủ động tìm được đầu ra, vừa bán được giá cao hơn là ngồi nhà chờ thương lái đến ngã giá. Nhờ sự nhạy bén của người chủ trẻ tuổi nên mỗi tuần xưởng gốm xuất lò khoảng 5.000 sản phẩm nhưng rất ít khi chịu cảnh tồn kho.
Ngoài chiếc lò nung theo kết cấu trụ tròn truyền thống, hiện giờ ông chủ trẻ còn tự mày mò đầu tư xây dựng thêm lò vuông. Bởi lò tròn chỉ chứa được từ 3.000 - 4.000 sản phẩm/lần nung, còn lò vuông thì có thể chứa đến 6.000 – 7.000 sản phẩm nên có thể tiết kiệm được thời gian và chi phí nhiên liệu.
Từ một cơ sở gốm nhỏ, đến nay lò gốm gia đình anh đã trở thành một trong hai lò gốm lớn nhất làng gốm Phổ Khánh. Hiện nay, trung bình mỗi tháng, lò gốm của anh Hợp xuất ra thị trường trên 15.000 sản phẩm, thu về hàng chục triệu đồng. Đó là thành quả xứng đáng cho quyết định lội ngược dòng để gìn giữ tổ nghiệp của người thanh niên trẻ tuổi Nguyễn Văn Hợp.
Ý Thu