(QNĐT)- Mặc dù chỉ mới ra đời gần 2 năm, thế nhưng hình thức Nghiệp đoàn nghề cá đã từng bước khẳng định vai trò của mình và trở thành nơi gắn kết ngư dân, đặc biệt là trong quá trình hoạt động khai thác trên biển.
Một chủ trương đúng
So với các vùng quê biển khác trong tỉnh, thì ngư dân huyện đảo Lý Sơn là một trong số những địa phương trong tỉnh đưa phương tiện vươn ra đánh bắt ở khơi xa từ rất sớm. Và vùng biển thuộc 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được xem là ngư trường truyền thống của ngư đây nơi đây. Theo đó ngoài gió bão, nhiều tàu thuyền của ngư dân đất đảo gặp nạn do bị tàu lạ đâm, tông...
Qua thống kê chưa đầy đủ của cơ quan chức năng tỉnh, ước tính trong vòng 5 năm gần đây đã có trên 70 tàu của ngư dân Lý Sơn bị nạn trên biển, thiệt hại hàng chục tỉ đồng. Chính vì vậy mà thông tin xã An Hải được chọn là địa phương đầu tiên trong cả nước thành lập thí điểm Nghiệp đoàn nghề cá, đã nhận được sự đồng tình hưởng ứng của ngư dân đất đảo.
|
Ông Nguyễn Quốc Chinh- Chủ tịch nghiệp đoàn nghề cá An Hải (bìa phải) nắm bắt tình hình hoạt động của đoàn viên trong nghiệp đoàn sau một chuyến ra khơi. |
Ông Nguyễn Quốc Chinh, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá An Hải cho biết: Chỉ sau khoảng 1 tuần triển khai vận động, đã có 428 thuyền viên/58 tàu thuyền tự nguyện đăng ký gia nhập. Không những vậy mà nhiều ngư dân còn tỏ rõ sự tiếc nuối khi không về kịp để đăng ký vì đang ở ngoài biển.
Ngư dân Nguyễn Văn Thành (37 tuổi), một trong số những người đầu tiên tham gia vào Nghiệp đoàn bày tỏ: Không riêng gì bản thân mà nhiều ngư dân khác đều muốn gia nhập vào nghiệp đoàn. Bởi tham gia vào tổ chức này, các đoàn viên sẽ có điều kiện hỗ trợ, chia sẻ với nhau trong quá trình đánh bắt trên biển.
Còn với ngư dân xã Nghĩa An, huyện Tư Nghĩa qua hơn 10 năm tồn tại dưới hình thức tổ, đội, nhóm đánh bắt tự quản trên biển, các thành viên đã sớm nhận thức được tầm quan trọng và cần thiết của việc tương trợ lẫn nhau trong quá trình hoạt động khai thác. Cho nên việc thành lập Nghiệp đoàn nghề cá cũng nhận được sự ủng hộ của ngư dân địa phương.
Điểm sáng An Hải
Hoàng hôn ở Lý Sơn thường đến muộn. Hơn 6 rưỡi tối mà biển vẫn đỏ ngầu dưới ráng chiều. Lão ngư Nguyễn Quốc Chinh – nay là Chủ tịch nghiệp đoàn nghề cá An Hải bắt đầu vào ca trực tại đài I-com của nghiệp đoàn “đóng chân” tạm trong trụ sở của Ban quản lý cảng Lý Sơn cạnh vũng neo đậu tàu thuyền.
Ông Chủ tịch nghiệp đoàn lại tiếp tục nối sóng với tần số của 19 tàu cá khác của đoàn viên nghiệp đoàn nghề cá An Hải đang đánh bắt tại quần đảo Hoàng Sa. Dù chỉ ít phút ngắn ngủi nhưng thông tin từ Hoàng Sa chuyển về đất liền đầy đủ và phong phú, giúp những người thân của ngư dân ở nhà yên tâm về hành trình bám biển của cha, anh, chồng con mình.
Ông Chinh bảo: “Canh I-com riết rồi nghiện. Hôm nào bận việc không trực đài I-com được là cảm thấy lo lắng, bồn chồn. Anh em ngư dân ngoài khơi cứ tầm giờ ấy là họ mong mình lắm!” Bởi vậy chỉ trừ khi có việc phải rời đảo Lý Sơn thì Chủ tịch nghiệp đoàn nghề cá An Hải mới không “lên đài”. Còn lại, cứ khoảng 6 giờ rưỡi đến 8 giờ tối hàng ngày ông đều có mặt bên cạnh chiếc đài I-com để “nối sóng” với đoàn viên của mình.
Tiếng nói từ Lý Sơn vượt sóng đến Hoàng Sa của ông chủ tịch nghiệp đoàn chính là sức mạnh tinh thần giúp các ngư dân huyện đảo an tâm vững lòng bám biển…
Không chỉ đoàn kết trong mỗi chuyến ra khơi, nghiệp đoàn nghề cá còn phát huy vai trò là “mái nhà chung” của những ngư dân An Hải. Dưới sự hỗ trợ từ nhiều phía, nghiệp đoàn đã sửa chữa nhà ở cho đoàn viên, hỗ trợ các chủ tàu gặp rủi ro, thiên tai trên biển, tàu cá bị tàu nước ngoài bắt giữ.
|
Bà Ngô Thị Kim Ngọc, Chủ tịch LĐLĐ Quảng Ngãi trao chứng nhận cho đoàn viên Nghiệp đoàn nghề cá Phổ Quang, huyện Đức Phổ |
Sau gần 2 năm thành lập, chỉ riêng Nghiệp đoàn nghề cá An Hải có hơn 25 trường hợp ngư dân, chủ tàu là thành viên của Nghiệp đoàn gặp nạn, đã nhận được trợ giúp từ sự đóng góp của người dân trong cả nước thông qua Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, với tổng số tiền hỗ trợ ước tính trên 7 tỉ đồng. Nhờ đó các ngư dân có điều kiện sửa chữa phương tiện tiếp tục ra khơi.
Chính những việc làm thiết thực như vậy nên Nghiệp đoàn nghề cá đã dần nhận được sự tin yêu của ngư dân địa phương. Theo đó số lượng thành viên tham gia ngày càng đông. Tính đến thời điểm này, số lượng đoàn viên của Nghiệp đoàn nghề cá An Hải đã lên đến 689 người/58 tàu thuyền, tăng 261 đoàn viên/22 tàu thuyền so với mới thành lập. 6 tháng đầu năm 2013, đoàn viên nghiệp đoàn đã đánh bắt được hơn 8.000 tấn hải sản giá trị cao, thu về hơn 75 tỷ đồng. Bình quân thu nhập của lao động trên tàu cá khoảng 7 triệu đồng/người/tháng. Mục tiêu của nghiệp đoàn trong năm 2013 này sẽ đánh bắt khoảng 15.000 tấn hải sản; đóng mới thêm 3 tàu cá công suất từ 375 CV trở lên để vươn khơi bám biển.
Từ Nghiệp đoàn nghề cá đầu tiên này, đến nay toàn tỉnh đã có tất cả 6 nghiệp đoàn, với 2.134 đoàn viên/355 phương tiện. Và ngư trường đánh bắt chủ yếu của các đoàn viên là hai vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Bà Ngô Thị Kim Ngọc, Chủ tịch Liên đoàn Lao động Quảng Ngãi, đơn vị quản lý các Nghiệp đoàn nghề cá của tỉnh tâm sự: Vì mới thành lập nên các Nghiệp đoàn hiện vẫn còn gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên nhờ sự chỉ đạo từ Tổng LĐLĐ Việt Nam và tỉnh, nên hoạt động của các nghiệp đoàn đã dần ổn định, từng bước phát huy và khẳng định vai trò của mình. Và thật sự trở thành chỗ dựa vững chắc cho ngư dân.
C.Hoàng - T.Nhị