(QNg)- Trong khi nhiều nơi ở các huyện miền núi trong tỉnh hệ thống nước sạch được đầu tư xây dựng cả tỷ đồng nhưng hư hỏng, không có nước; hệ thống điện lưới quốc gia chưa kéo đến nơi, cả làng phải sống trong cảnh đèn dầu, thì ở Làng Bâm thuộc xã Sơn Kỳ (Sơn Hà) câu chuyện điện và nước lại rất “sáng” nhờ chính sức dân…
TIN LIÊN QUAN |
---|
Vốn quý của làng
Làng Bâm nằm sâu trong rừng phòng hộ giáp với Làng Mung, xã Long Môn (Minh Long). Đường về Làng Bâm rộng nhưng rất khó đi. Mùa này, những ruộng lúa nước ở Làng Bâm đã bén rễ xanh rì.
Thủy điện nhỏ của người dân Làng Bâm. Ảnh: TN |
Trước đây 3 năm, mùa hè đối với bà con trong làng là một nỗi ám ảnh, khổ sở vì thiếu nước sinh hoạt. Năm 2010, sau nhiều lần kiến nghị, 67 hộ đồng bào dân tộc Hrê của làng đã được Nhà nước đầu tư 610 triệu đồng xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt. Công trình gồm bể lắng, gần 400 mét ống dẫn nước và 13 bể chứa nước.
Theo chân đoàn giám sát của HĐND tỉnh chúng tôi đến nhiều công trình nước sinh hoạt miền núi, nhưng rất ít nơi biết trân trọng, giữ gìn, bảo quản, bảo dưỡng công trình nước sạch như ở Làng Bâm này. Công trình đưa vào sử dụng từ năm 2010, nhưng đến nay chưa mất mát hư hỏng gì lớn. Nước thông suốt từ bể chứa đến nơi sử dụng.
Anh Đinh Văn Đung, người dân Làng Bâm bảo: “Nếu phát hiện đường ống bị vỡ hay tắc đường dẫn nước là làng mình cử người đi sửa ngay. Làng còn quy định, nếu ai tự ý gỡ van nước đem bán sẽ bị phạt nặng. Cả làng mình ai cũng hiểu nỗi khổ của thiếu nước sinh hoạt rồi. Nên dân quý cái công trình này lắm!”. Đây cũng là bài học hay cho những vùng có hệ thống nước sạch ở miền núi…
Nước suối làm ra... điện!
Bất ngờ đối với chúng tôi trong chuyến về Làng Bâm lần này là tuy không có hệ thống điện lưới quốc gia, nhưng chảo thu sóng truyền hình được lắp đặt ở nhiều hộ gia đình. Nhà ai cũng có tivi. Nhiều nhà có đầu đĩa, đầu karaoke. Anh Đinh Văn Trỉa, người Làng Mâm cho biết: “Làng mình làm thủy điện nhỏ từ nhiều năm nay rồi. Mỗi hộ chỉ góp khoảng 500 ngàn đồng mua thiết bị lắp đặt dưới suối, mua dây bắt điện về nhà dùng. Điện sáng suốt ngày đêm, đủ dùng cho cả gia đình mà hàng tháng lại không phải đóng tiền điện”.
Để giúp người dân Làng Bâm nhận thức được giá trị của điện, nước đối với cuộc sống, ông Đinh Xuân Bắc – Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Kỳ bảo rằng: “Xã đã tuyên truyền đến thôn, từ thôn chuyển tải đến xóm. Sau đó định kỳ kiểm tra, nhắc nhở, dần dần người dân đã tự nhận thức được việc xây dựng, sử dụng, quản lý, bảo trì, bảo dưỡng công trình. Của bền tại người mà !”
Dân tự làm thủy điện nhỏ để có điện sử dụng cũng là đã giúp ngành điện “vượt” qua những áp lực về cấp điện cho “vùng lõm”. Hiện tại điện lưới quốc gia đã kéo về đến nhiều thôn, xóm của xã Sơn Kỳ, nhưng Làng Bâm do địa hình núi cao, phức tạp, bà con sống không tập trung, nếu ngành điện có đầu tư kéo điện thì suất đầu tư rất lớn. Theo tính toán, ngành điện muốn kéo điện đến tận nhà dân ở khu vực này thì phải bỏ ra số tiền đầu tư ban đầu từ 10 – 30 triệu đồng/hộ.
Trong khi ngành điện còn chưa kham nổi việc cấp điện cho toàn bộ “vùng lõm” của tỉnh thì việc tự làm thủy điện nhỏ để có điện thắp sáng của người dân Làng Bâm cũng là một bài học kinh nghiệm quý đáng để đồng bào ở miền núi, vùng sâu, vùng xa học tập và làm theo…
Bài, ảnh: THANH NHỊ