Diêm dân Sa Huỳnh chưa sống được với nghề muối

02:06, 09/06/2013
.

(QNg)- Xã Phổ Thạnh (Đức Phổ) là địa phương có “vựa” muối lớn ở tỉnh ta. Bao năm qua nghề làm muối ở đây trải qua lắm thăng trầm với điệp khúc “ được mùa, mất giá” và ngược lại. Thế nên nhiều năm qua diêm dân vẫn chưa được hưởng trọn niềm vui của nghề.

TIN LIÊN QUAN


Chúng tôi trở lại đồng muối Sa Huỳnh vào những ngày đầu tháng 6. Dưới cái nắng như đổ lửa, hàng trăm diêm dân vẫn bán mặt cho đất, bán lưng cho trời để mưu sinh. Gạt vội những giọt mồ hôi lăn dài trên khuôn mặt rám nắng, ông Nguyễn Hiến, thôn Tân Diêm chia sẻ: Không có nghề nào vất vả như nghề làm muối. Trời nắng, người ta tìm chỗ trú mát, còn làm muối thì phải ra đồng. Bởi trời càng nắng, hạt muối càng trắng, càng trong. Còn trời mát hay đổ mưa coi như thất bát. Vất vả là thế, nhưng thu nhập chẳng đáng là bao. “Nhà tôi làm 2 suất rưỡi, năm nay nắng nhiều, nhưng giá muối liên tục xuống thấp, vì phụ thuộc tư thương nên từ đầu vụ đến giờ mới thu được có mấy triệu đồng, chỉ đủ chi phí trước đó”- ông Hiến, nói.

Dù đầu ra sản phẩm khó khăn nhưng diêm dân vẫn gắn bó với nghề để kiếm sống.
Dù đầu ra sản phẩm khó khăn nhưng diêm dân vẫn gắn bó với nghề để kiếm sống.


Còn chị Nguyễn Thị Thu Thủy ở đội 5 thì than thở: Làm quần quật cả ngày trên đồng muối, nhưng thu được có mấy chục kg muối/ô. Với giá bán 800 đồng/kg như hiện nay thì thu nhập 50 - 60 ngàn đồng/lao động/ngày là quá thấp so với công sức bỏ ra, đó là chưa kể mỗi khi gặp thời tiết bất lợi. “Nhà chỉ có 1 suất ruộng muối nên chỉ mình tôi làm, còn anh ấy đi bạn chủ tàu cá thì mới có đủ tiền nuôi con ăn học”- chị Thủy cho biết. Ông Nguyễn Trung Chương - Trưởng thôn Tân Diêm cho biết thêm: Làm muối là nghề truyền thống, được người dân duy trì hàng trăm năm nay. Cả thôn có 340 hộ, đa phần làm nghề muối trên diện tích khoảng 53 ha. Các công đoạn làm muối ở đây đều theo phương pháp thủ công. Nhiều hộ không còn mặn mà với nghề, nhưng vì không có đất sản xuất nông nghiệp, không có nghề phụ nên vẫn phải bám lấy nghề. Toàn thôn có gần 60 hộ nghèo và 18 hộ cận nghèo.

Ở thôn Long Thạnh 1 có 520 hộ thì có 60% hộ dân sống bằng nghề làm muối. Nhưng giá muối bấp bênh nên đời sống của diêm dân gặp rất nhiều khó khăn. Ông Lê Nay - Trưởng thôn Long Thạnh 1, bộc bạch: “Trong thôn còn 89 hộ nghèo. Chúng tôi rất xót xa khi muối sản xuất ra không tiêu thụ được, bà con phải tự đem đi bán lẻ ở khắp nơi. Hiện tại trong dân vẫn còn tồn đọng một lượng lớn muối năm trước chưa bán được, khiến đời sống diêm dân gặp nhiều khó khăn”.

Ông Nguyễn Duy Trinh - Phó Chủ tịch UBND xã Phổ Thạnh trăn trở: “Toàn xã Phổ Thạnh có 600 hộ dân làm muối và mỗi năm sản xuất khoảng 8.500 tấn muối cung cấp cho thị trường trong tỉnh và các vùng lân cận. Nhưng giá muối thấp khiến người làm muối không thể khá lên được. Nhiều người phải tự tìm đầu ra cho sản phẩm và biết tư thương ép giá nhưng cũng đành chịu. Chính vì thế, diêm dân Sa Huỳnh phải thồ muối đi rao bán dạo khắp nơi trong tỉnh”.

Thời gian qua diêm dân Phổ Thạnh loay hoay tìm lối ra cho sản phẩm muối để nâng cao chất lượng cuộc sống, nhưng vẫn không thay đổi được gì nhiều. Do đó, để diêm dân gắn bó với nghề, Nhà nước cần có chính sách trợ giá, đầu tư vốn, kỹ thuật xây dựng đồng muối để áp dụng các phương pháp sản xuất tiên tiến,... Chấn chỉnh tình trạng nhập muối công nghiệp tràn lan như thời gian qua. Có như vậy, diêm dân Phổ Thạnh nói riêng và diêm dân trong cả nước nói chung mới an tâm sản xuất, không còn cảnh “đắng cay, mặn chát” với nghề.
 

BÁ SƠN
 


.