(QNĐT)- Cùng với cây keo, cây mía đã đứng vững trên đồng đất huyện Ba Tơ. Cứ qua mỗi mùa, cây mía cho thêm năng suất và chữ đường cao. Năm nay, nông dân Ba Tơ lại có thêm một mùa mía ngọt (ngọt về giá và cả chất lượng đường)...
TIN LIÊN QUAN |
---|
Đầu tháng 5, là thời điểm nông dân Ba Tơ thu hoạch mía rộ. Trên khắp các cánh đồng mía nơi triền núi, ruộng chân cao đâu đâu chúng tôi cũng bắt gặp niềm vui của bà con thu hoạch mía được mùa, được giá. Ông Phạm Văn Khanh thôn Gô Gem, xã Ba Chùa đang vác mía, mỗ hôi nhễ nhại nhưng vẫn cười tươi, bảo: "Ruộng mía năm nay được nhiều cây lắm. Cây nào cũng to, khỏe, nước nhiều, ăn ngọt lịm. Thu hoạch có hai sào ruộng mía mà thu về gần 10 triệu đồng. Vui lắm".
Nông dân Ba Tơ khẩn trương thu hoạch mía. |
Trên các triền núi, ruộng chân cao ở các thôn Làng Măng, Đồng Dinh, Nước Tiên xã Ba Dinh, nông dân cũng đang khẩn trương thu hoạch mía. Ai cũng hớn hở, vì giá thu mua tại ruộng cao và chất lượng đường cũng được đánh giá khá cao.
Anh Phạm Văn Trũ thôn Nước Tiên phấn khởi: "Chưa có năm nào làm mía đạt sản lượng như năm nay. Năm ngoái cũng trên 3 sào rẫy mía mà chỉ thu về khoảng 20 tấn, mùa mía năm nay thu hoạch tăng lên 30 tấn, trừ chi phí, còn lãi khoảng 20 triệu đồng".
"Vui nhất là khi thấy cán bộ Nhà máy đường Phổ Phong mua mía, đo chữ đường tại ruộng có sự chứng kiến của bà con. Rồi, trên cơ sở này, Nhà máy đường áp giá. Nếu như mía chỉ có 8 chữ đường thì mua với giá chỉ 750.000 đồng/tấn, với 9 chữ đường thì giá 810.000 đồng/tấn. Trên 4 sào ruộng mía gia đình trồng mới thu hoạch, nhà máy đánh giá 9 chữ đường, cao hơn trước 1 chữ đường nên đem lại thu nhập khá cao" - Anh Phạm Văn Nghĩa thôn Nước Tiên bộc bạch.
Ông Trịnh Xin - Phó Chủ tịch UBND xã Ba Dinh cho biết: "Toàn xã có 370 ha trồng mía. Sản lượng ước đạt 20.000 tấn. Như vậy, sản lượng, chữ đường và giá mía năm nay đều cao so với mấy năm trước. Đây là mùa mía ngọt của nông dân".
Toàn huyện Ba Tơ có diện tích trồng mía hơn 900 ha/5.015 ha mía trong toàn tỉnh, là huyện có diện tích trồng mía cao nhất nhì so với các huyện miền núi trong tỉnh. Đến thời điểm này, nông dân đã thu hoạch bán cho Nhà máy đường Phổ Phong hơn 46.000 tấn/60.000 tấn, với năng suất bình quân đạt 63 tấn/ha, chữ đường bình quân 9CCS.
Có được năng suất cao là nhờ áp dụng dự án của Sở Khoa học công nghệ trồng mía trên đất gò đồi theo đường đồng mức. Chương trình đầu tiên triển khai ở Ba Dinh, Ba Tô vào năm 2010 với 135 ha/ 200 ha dự kiến. Năm đó, năng suất được 69 tấn/ha, cao hơn nhiều so với mía trồng bình thường ở Ba Tơ, năng suất bình quân chỉ 40 tấn/ ha, với chữ chỉ 6 - 8CCS.
Chăm sóc mía |
Trên cơ sở này huyện Ba Tơ tiếp tục phối hợp với Nhà máy đường Phổ Phong triển khai phát triển vùng nguyên liệu. Đến nay, ở Ba Tơ diện tích trồng mía theo mô hình do Sở Khoa học công nghệ và nhà máy đầu tư, cộng với dân làm theo là 850 ha/ 900 ha trong toàn huyện.
Hiện nay, giá đường hạ (dao động khoảng 13.700 đồng/kg) nhưng nhà máy vẫn thu mua 1 tấn mía cây hàm lượng đường 10CCS là 900 nghìn đồng. Mô hình trồng mía theo đường đồng mức nhờ làm đất bằng cơ giới hóa, tính ra, đầu tư 1 ha, tốn 38 triệu đồng, để trồng 5 vụ mía (gồm 1 vụ mía tơ và 4 vụ mía gốc), năng suất bình quân đạt 72 tấn/ ha. Với giá thu mua hiện nay, một ha mía làm đúng chuẩn thì trừ chi phí thu lãi khoảng 41 triệu đồng.
Tuy vậy, tháng 5 là thời điểm huyện miền núi Ba Tơ bước vào mùa mưa dông, cây mía chín rộ trên đồng nên rất dễ ngã đổ. Với lượng mía còn đứng trên đồng hiện nay ước lượng khoảng 14.000 tấn, đòi hỏi Nhà máy đường Phổ Phong tăng cường cấp phiếu đốn mía cho Ba Tơ để tránh thất thu cho nông dân.
Bài, ảnh: MAI HẠ