Tiêu xanh trên “miền cát trắng”

02:04, 13/04/2013
.

(QNg)- Trên mảnh đất cát bỏng rát, ông Lê Hùng Kiếm, ở thôn Đông Thuận, xã Phổ Vinh (Đức Phổ) đã ươm trồng thành công hơn 500 gốc hồ tiêu đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Với khí chất của một người lính, ông đã kiên trì “bắt” giống cây vốn chỉ thích hợp với đất bazan và đất chứa nhiều mùn này đơm hoa, kết trái trên chính vùng đất cát khô hạn của quê hương.

Đứng trên khu vườn với hàng trăm trụ tiêu được trồng theo hàng thẳng tắp, khó ai có thể hình dung được rằng, cũng tại nơi này cách đây hơn 5 năm về trước chỉ là một khu vườn toàn cát trắng. Ngắm nhìn thành quả lao động của mình suốt mấy năm qua, lão nông Hùng Kiếm bảo rằng, cây hồ tiêu đến với ông như một cơ duyên. Bởi ở cái xứ mà mọi người vẫn thường đùa rằng, “nước vừa rơi xuống đã vội bốc hơi” thì việc lựa chọn được giống cây trồng vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao, vừa có thể phát triển tốt trong điều kiện đất đai như thế không phải chuyện đơn giản.

 

Lão nông Hùng Kiếm đang chăm sóc vườn tiêu của mình.  Ảnh: Y.T
Lão nông Hùng Kiếm đang chăm sóc vườn tiêu của mình. Ảnh: Y.T


Sau nhiều lần đắn đo, suy nghĩ, ông Kiếm chợt nhớ ra gốc tiêu trâu mà cha mẹ trồng ngày trước trải qua mấy chục năm trời vẫn vươn lên xanh tốt, quấn chặt lấy gốc dừa trước nhà. Lúc ấy ông nghĩ giống tiêu trâu sống được, chắc các giống tiêu khác cũng có thể trồng được trên nền đất cát. Vì thế lão nông này quyết định tìm hiểu về loại cây này. Sau khi đọc qua sách báo thấy giống tiêu Vĩnh Linh xuất xứ từ Quảng Trị được người tiêu dùng ưa chuộng, ông Kiếm vội khăn gói ra Quảng Trị tham quan các mô hình trồng tiêu của tỉnh bạn.

Trở về nhà, ông xây 50 trụ bê tông, mỗi trụ cao tầm 3,2 mét để trồng thử nghiệm. Theo ông Kiếm, thời điểm vất vả nhất khi trồng tiêu là giai đoạn tiêu còn non. Mỗi ngày, ông phải ra vườn để kiểm tra và điều chỉnh cho dây tiêu mọc bám vào các trụ bê tông dựng sẵn. Mặt khác, “cái khó của việc trồng tiêu trên nền đất cát là nước nhanh rút, nên phải tưới nước nhiều lần, thì mới đủ độ ẩm để kích thích cây tiêu bén rễ và bám vào trụ bê tông”, ông Kiếm chia sẻ kinh nghiệm giúp cây tiêu sống được trên vùng đất cát.

Sau khi áp dụng trồng thử thấy tiêu có thể sinh trưởng tốt trên cát, ông Kiếm mạnh dạn đầu tư trồng thêm. Ngoài mô hình trồng tiêu trên trụ bê tông, ông Kiếm còn áp dụng trồng tiêu trên trụ “sống” bằng cây keo đậu, giống keo mà ông lên tận Chư-sê (Gia Lai) mang về trồng. Theo ông Kiếm, làm trụ cho tiêu từ cây keo đậu chẳng những giảm được chi phí đầu tư mà cây keo đậu còn có tác dụng cải thiện chất đất, đồng thời hạn chế được việc phát sinh sâu bệnh cho tiêu.

Ông Hùng Kiếm hồ hởi chia sẻ, loại tiêu trồng trên vùng đất cỗi này rất được thương lái ưa chuộng bởi tiêu thành phẩm có vỏ mỏng và nhiều bột hơn khi trồng ở nơi có đất đai phì nhiêu. So với các loại cây trồng khác, cây tiêu đạt hiệu quả kinh tế cao hơn gấp nhiều lần. Một ưu điểm nữa của giống tiêu này là sinh trưởng phải đến 80 năm mới bị cỗi. Vì thế sẽ tiết kiệm được chi phí về cây giống.  “Mỗi vụ, một trụ tiêu cho từ 3-5 ký tiêu. Bình quân 1 năm, 500 trụ tiêu cho thu hoạch từ 1,5-2,5 tấn. Trên thị trường hiện nay, giá mỗi ký tiêu dao động từ 150-200 nghìn đồng nên 5 sào tiêu này đem về cho tôi thu nhập vài trăm triệu một năm”, ông Kiếm khẳng định chắc nịch.


 Ý THU

 


.