Thị trường vật liệu xây dựng: Vào mùa vẫn ế ẩm

08:04, 12/04/2013
.

(QNĐT)- Những tháng đầu năm là mùa xây dựng, nhưng thị trường vật liệu xây dựng (VLXD) năm nay khá ảm đạm, sức mua sụt giảm mạnh so với mọi năm.

TIN LIÊN QUAN

*Ảm đạm chưa từng có

Các cửa hàng VLXD trên địa bàn tỉnh những ngày này đều rơi vào cảnh vắng vẻ, các kho chứa trống trơn, từ nhân viên đến ông chủ, bà chủ gần như ngồi chơi xơi nước.

Chị Trần Thị Như Hương- chủ cửa hàng VLXD Như Hương, đường Lê Lợi, TP. Quảng Ngãi cho biết, tình trạng ế ẩm đã kéo dài từ năm 2011 đến nay, thời điểm này giao dịch trầm lắng nhất. Hiện là mùa xây dựng nhưng doanh thu lại giảm 50% so với những năm trước.  Những đơn hàng nhỏ lẻ gần đây là của người dân xây nhà nên doanh số chẳng đáng là bao.

Cùng cảnh ngộ, Công ty TNHH Hữu Tín, trên đường Quang Trung chuyên cung cấp hàng cho các công trình xây dựng cũng rơi vào tình trạng ảm đạm chưa từng có. Thời điểm giá VLXD cao ngất ngưỡng, 2 kho chứa hàng của công ty lúc nào cũng trong tình trạng dồi dào, giờ đành phải tự thu hẹp còn 1 kho.

 

Hiện đã vào mùa xây dựng nhưng sức mua các mặt hàng giảm 50% so với mọi năm.
Hiện đã vào mùa xây dựng nhưng sức mua các mặt hàng giảm 50% so với mọi năm.



Chị Bùi Thị Ánh Tuyết- Giám đốc Công ty cho hay, trong thời kỳ xây dựng nóng sốt mỗi tháng công ty nhập vài trăm tấn sắt thì nay công ty không dám nhập nhiều. Năm ngoái dù tình hình kinh doanh trì truệ, nhưng trung bình mỗi tháng doanh thu của công ty khoảng 1 tỷ đồng, nay chỉ còn 150 triệu đồng, thậm chí cả tuần chẳng bán được đơn hàng nào. Lượng khách mua hàng phần lớn là xây nhà tư nhân, sửa chữa nhỏ lẻ.

Các mặt hàng cát sỏi, gạch xây, gạch ốp tường, gạch nền, sơn, trang trí nội thất… cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Vì thế, hầu hết các cửa hàng, công ty đều thực hiện theo phương châm tiêu thụ tới đâu nhập hàng tới đó, để tránh lượng hàng tồn kho, nhằm hạn chế rủi ro.

Ghi nhận trên thị trường cho thấy, do sức mua yếu nên giá bán đối với nhóm hàng này khá ổn định. Hiện xi măng được bán với giá khá mềm. Cụ thể, xi măng Chinfon có giá 1.540.000 đồng/tấn, Ngũ Hành Sơn 1.400.000 đồng/tấn; Kim Đỉnh 1.380.000 đồng/tấn… Mức giá này được duy trì từ quý 3 năm 2012 đến nay.

Cát xây có giá 190.000-200.000 đồng/khối. Sắt cây hiệu DANA Ý được các cửa hàng bán với giá 15 triệu đồng/tấn, sắt cuộn 15,2 triệu đồng/tấn. Sắt cuộn Thái Nguyên từ 16-16,1 triệu đồng/tấn, sắt cây 15,9-16 triệu đồng/tấn, tăng 300 nghìn đồng/tấn so với thời điểm trước Tết Nguyên đán. Theo các chủ cửa hàng, nguyên nhân không phải do nhu cầu tăng cao mà do giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất thép như quặng sắt, thép phế liệu, phôi thép tăng.

 

Hiện
Hiện giá sắt trên thị trường khá  bình ổn.



Mặt hàng sắt thép định hình để làm vì kèo, cửa sắt, nhà xưởng… cũng rơi vào tình trạng tương tự dù giá thành hạ từ 300-500 đồng/kg so với trước Tết Nguyên đán. Hiện sắt mạ kẽm có giá 20.500 đồng/kg. Tôn lạnh mạ màu 2,5 dem 64.000 đồng/m2; loại 3 dem 73.000 đồng/m2 và loại 4 dem có giá 89.000 đồng/m2

* Chủ thầu, thợ hồ cùng thất nghiệp

Mọi năm anh Đặng Ngọc Thịnh, một nhà thầu  ở Tổ 24, phường Trần Phú, TP. Quảng Ngãi có công trình để làm quanh năm, thậm chí phải tuyển nhân công thường xuyên mới đáp ứng được nhu cầu xây dựng các công trình, dự án, còn năm nay đã sang tháng 4 mà anh vẫn chưa nhận được công trình nào.

“Đã không có công trình mới mà các công trình hoàn thành năm ngoái cũng chưa thanh toán hết khối lượng trong khi lãi suất vay ngân hàng vẫn ở mức cao, khiến chúng tôi rơi vào tình cảnh khốn đốn”.- anh Thịnh phàn nàn.

 

Các công trình
Nhiều công trình xây dựng lớn của nhà nước, doanh nghiệp đã tạm hoãn để thực hiện chính sách thắt chặt chi tiêu chung khiến nhiều nhà thầu, thợ hồ thất nghiệp.



Trong bối cảnh khó khăn chung, thợ nề cũng chạy đôn chạy đáo mới tìm được việc. Khác với mọi năm, nghề thợ hồ thường thiếu hụt lao động thì năm nay các chủ thầu cho biết do khó khăn nên không có nhu cầu tuyển nhân công. Nhiều thợ hồ được mệnh danh là thợ cả, từng thường xuyên có việc quanh năm nay cũng thất nghiệp dài dài.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do nền kinh tế đang gặp khó khăn, nhiều công trình xây dựng lớn của nhà nước, doanh nghiệp đã tạm hoãn để thực hiện chính sách thắt chặt chi tiêu chung. Thị trường bất động sản cũng đóng băng theo khiến thị trường VLXD bị sụt giảm mạnh. Theo nhận định của các chuyên gia tài chính, tình trạng này có thể kéo dài đến hết năm 2013.



Bài, ảnh: Ái Kiều
 


.