(QNg)- Quảng Ngãi phấn đấu đến năm 2020 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp (CN) theo hướng hiện đại. Chính vì thế giai đoạn 2011-2015 đóng vai trò quan trọng, tạo nền tảng vững chắc để thực hiện mục tiêu này. Qua 2 năm thực hiện Nghị quyết chuyên đề về phát triển CN, nhiệm vụ đột phá này thu được những kết quả quan trọng.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Chuyển dịch công nghiệp đúng hướng:
Ngay sau khi có Nghị quyết của Tỉnh ủy và HĐND tỉnh về phát triển CN, UBND tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện đề án và triển khai các nhiệm vụ đẩy mạnh phát triển CN tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020. Sau hai năm, đến nay công tác quy hoạch thuộc lĩnh vực CN, nhất là các quy hoạch thuộc Khu Kinh tế (KKT) Dung Quất đã cơ bản hoàn thành. Kế hoạch phát triển CN giai đoạn 2011-2015 đã được ban hành, đồng thời các quy hoạch ngành cũng triển khai xây dựng. Tỉnh cũng đã rà soát, điều chỉnh, bổ sung các cơ chế chính sách khuyến khích thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh...
Những sản phẩm công nghiệp có giá trị gia tăng cao đã và đang được thu hút đầu tư vào tỉnh. |
Việc phát triển CN với các quy mô lớn-vừa và nhỏ đã thu hút, khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng khu, cụm CN. Là hạt nhân phát triển của Quảng Ngãi và cả KKT trọng điểm miền Trung, KKT Dung Quất đến cuối năm 2012 đã thu hút 113 dự án, với tổng vốn đăng ký trên 138 nghìn tỷ đồng; trong đó vốn thực hiện ước đạt 4,8 tỷ USD (khoảng 60% vốn đăng ký đầu tư). Đồng hành phát triển, các KCN tỉnh cũng đang được phát triển với tốc độ nhanh và hiện đã có 60 dự án đi vào sản xuất kinh doanh. Ở các huyện, thành phố, có 70 dự án ở các cụm CN, đang hoạt động, tỷ lệ lấp đầy diện tích đất CN bình quân là 68,65%. Ngoài ra, các doanh nghiệp lớn ngoài KKT, khu-cụm CN vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khá. Nhờ đó, dù chịu ảnh hưởng do khó khăn chung của nền kinh tế thế giới và trong nước, nhưng giá trị sản xuất CN của tỉnh vẫn tăng từ 17.740 tỷ đồng (năm 2010) lên 18.425 tỷ đồng (năm 2012). Cơ cấu kinh tế vẫn chuyển dịch đúng hướng, hiện chiếm 60,9% GDP của tỉnh (năm 2010 là 59%).
Một nét đáng chú ý nữa là, quy mô và năng lực sản xuất của ngành CN tăng lên đáng kể. Ngoài các sản phẩm CN lọc dầu, cơ khí chế tạo… sản xuất tại Quảng Ngãi đã tạo được vị thế trên thị trường trong và ngoài nước, việc hoàn thành và đưa vào vận hành NM sản xuất hạt nhựa Polypropylen, Bio-Ethanol (chuẩn bị vận hành thương mại) tại KKT Dung Quất; các nhà máy FDI như điện tử Foster, giầy Rierker, NM Bia Sài Gòn-Quảng Ngãi, NM May xuất khẩu của Vinatex… đi vào hoạt động đã làm cho các sản phẩm của CN thêm đa dạng và có giá trị gia tăng cao.
Lộ rõ những hạn chế:
Hoạt động của KKT Dung Quất và các Khu Công nghiệp (KCN) tỉnh trong thời gian qua mang lại hiệu quả nhất định, góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt là sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng CN, dịch vụ và bước đầu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đột phá về phát triển CN đã được xác định tại Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XVIII và Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 24/6/2011 của Tỉnh ủy và Nghị quyết số 15/2011/NQ-HĐND ngày 22/7/2011 của HĐND tỉnh. (Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Phát triển công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi). |
Phát triển CN trong 2 năm qua đã đạt những kết quả quan trọng, song cũng đã bộc lộ những hạn chế. Điều dễ thấy nhất là phát triển CN của tỉnh đang có “độ chênh” lớn và còn phụ thuộc nhiều vào NMLD Dung Quất. Không quá khi ví von rằng, mỗi khi NMLD “hắt hơi, sổ mũi” là ảnh hưởng mạnh đến giá trị sản xuất CN và tăng trưởng GDP của tỉnh, bởi các sản phẩm lọc hóa dầu hiện chiếm tỷ trọng rất lớn. Hai năm qua, các sản phẩm CN của địa phương như bia, tinh bột mì, đường RS, dăm gỗ nguyên liệu giấy, thủy sản chế biến... đều tăng khá. Tuy nhiên, bước tăng này đều không thể bù đắp bởi sự sụt giảm của các sản phẩm xăng dầu từ NMLD Dung Quất (trong những thời điểm NM dừng vận hành). Điều này làm cho phát triển CN dù tăng năm sau cao hơn năm trước, nhưng lại không đạt kế hoạch ở từng năm.
Bên cạnh đó, kinh tế thế giới suy giảm ảnh hưởng không tốt đến thu hút đầu tư, tiến độ đầu tư, sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh. Qua những năm khó khăn này càng cho thấy nhiều DN của tỉnh tiềm lực tài chính khá yếu. Không ít DN hoạt động lay lắt nên mức độ đổi mới công nghệ, thiết bị hiện đại còn thấp, sản phẩm có giá trị gia tăng không nhiều, sản phẩm một số ngành tiểu thủ CN sức cạnh tranh còn yếu. Ngoài ra, do nguồn lực tài chính đầu tư từ ngân sách cho hạ tầng CN còn hạn chế (năm 2012, bố trí hơn 200 tỷ đồng) nên cơ sở hạ tầng các khu, cụm CN chưa được đầu tư hoàn chỉnh làm cho việc thu hút các nhà đầu tư vào khu, cụm CN sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Công tác đền bù giải phóng mặt bằng còn nhiều vướng mắc, chưa giải quyết dứt điểm những tồn tại để bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư và các đơn vị thi công. Một số cơ chế, chính sách cần thiết để phát triển CN chưa được cấp thẩm quyền kịp thời giải quyết. Công tác quản lý, kiểm soát môi trường thiếu chặt chẽ còn để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường tại KKT, Khu, Cụm CN.
Để tăng trưởng và phát triển bền vững
Chỉ cần tăng thêm 1% trong 3 năm để đạt mục tiêu tỷ trọng CN 61-62% vào năm 2015 là không quá khó, nhưng để tăng trưởng và phát triển bền vững, CN Quảng Ngãi cần sớm khắc phục những tồn tại đã được nhận diện.
Phải thừa nhận là, sau giai đoạn phát triển nhảy vọt trong giai đoạn 2005-2010, tốc độ tăng trưởng CN của Quảng Ngãi đang chậm lại. Bằng chứng là CN chỉ tăng gần 2% trong 2 năm qua. Theo ông Nguyễn Xuân Thủy-Giám đốc Sở Công thương thì hai năm qua Quảng Ngãi thu hút nhiều dự án hết sức quan trọng đối với sự phát triển của KKT Dung Quất và Quảng Ngãi như: Dự án KCN Việt Nam - Singapore (VSIP) có quy mô 1.200ha và dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT của Tập đoàn Sembcorp công suất 1.200 MW với tổng vốn đăng ký dự kiến khoảng 2 tỷ USD... Tuy nhiên, những dự án mới chỉ phát huy hiệu quả sau năm 2015 nên trong vòng 3 năm tới cần tạo điều kiện thuận lợi để các DN đã và chuẩn bị đi vào sản xuất phát triển. Đồng thời nắm bắt kịp thời những khó khăn, vướng mắc của DN, có giải pháp tháo gỡ hữu hiệu, tạo điều kiện cho các DN đẩy mạnh tiến độ đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Doosan Vina đã góp phần tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp và xuất khẩu của tỉnh Quảng Ngãi trong hơn 3 năm qua. |
Trong giai đoạn hiện nay, nguồn vốn đầu tư toàn xã hội cũng được tái cơ cấu theo hướng đầu tư công ngày càng giảm thì nguồn vốn FDI được xem là một trong những nguồn lực quan trọng để Quảng Ngãi phát triển. Hiện tại trên địa bàn tỉnh còn 22 dự án còn hiệu lực, với tổng vốn trên 3,8 tỷ USD. Tuy nhiên, việc triển khai và thực hiện vốn của các dự án đã được cấp phép rất chậm so với tiến độ đề ra. Do vậy, để hấp thụ nguồn vốn FDI hiệu quả thì Quảng Ngãi phải khắc phục những tồn tại trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng, cũng như đáp ứng nguồn nhân lực…
UBND tỉnh tiếp tục quan tâm bố trí kịp thời vốn ngân sách để đầu tư các dự án cấp thiết ngoài hàng rào KCN và các dự án phục vụ các KCN tỉnh; quan tâm bố trí hỗ trợ 50% vốn đầu tư hạ tầng Cụm CN; hỗ trợ mạnh mẽ để phát triển các Cụm CN trên địa bàn.
Cùng đó là, tiếp tục khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia vào phát triển CN. Tập trung phát triển các ngành có hiệu quả, các ngành có lợi thế cạnh tranh, có lợi thế xuất khẩu (lọc hoá dầu, chế biến sản phẩm nông nghiệp, thuỷ sản, linh kiện điện tử...), có tác động lan tỏa và có đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế; phát triển hợp lý các ngành có công nghệ cao; đồng thời, giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm để tăng năng lực cạnh tranh của từng sản phẩm, từng ngành. Chú trọng phát triển CN hỗ trợ để nâng cao tỷ trọng sử dụng nguyên vật liệu, vật tư, thiết bị sản xuất trong nước, thay thế hàng nhập khẩu cho các DN.
Hạt nhân của quá trình phát triển là KKT Dung Quất (đang được mở rộng và đầu tư theo chiều sâu, với các lĩnh vực CN lọc hóa dầu, cơ khí chế tạo), nhưng cũng chú trọng các vùng kinh tế CN động lực khác để tạo sự liên kết phát triển. Tuy nhiên, trong một cuộc hội thảo bàn về phát triển CN tại Quảng Ngãi, tiến sĩ Trần Đình Thiên-Viện trưởng Viện Kinh tế Trung ương chia sẻ kinh nghiệm, chúng ta không nên ôm đồm làm tất cả các ngành CN mà điều quan trọng là phải định hướng làm gì, làm với ai, để từ đó chọn lựa thật kỹ ngành mà tỉnh có lợi thế để tập trung phát triển. Do vậy, chúng ta nên quan tâm ưu tiên, phát triển bằng “liều lượng” thích hợp đối với những ngành CN có thế mạnh.
Một yếu tố không thể không kể đến đó là cần đánh giá toàn diện những ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới, tình hình kinh tế trong nước, xác định những khó khăn và thuận lợi đan xen tác động đến sản xuất CN của Quảng Ngãi để đưa ra những phương án phát triển phù hợp nhất, nhằm đảm bảo đưa CN Quảng Ngãi phát triển với “tốc độ cao, bền vững, hiệu quả và thân thiện với môi trường”.
Bài, ảnh: Hoàng Triều