(QNg)- Quảng Ngãi được thiên nhiên ban tặng nhiều cảnh đẹp và lưu giữ nhiều nét văn hoá phi vật thể có giá trị, thuận lợi cho phát triển du lịch, đặc biệt là dọc tuyến biển, đảo.
TIN LIÊN QUAN |
---|
"Nàng tiên" đang ngái ngủ
Với những người dân xa xứ và du khách thập phương mỗi khi nhắc đến Quảng Ngãi thì hai địa danh núi Ấn- sông Trà luôn hiện hữu trong trí nhớ của họ. Đấy là điểm nhấn làm cho Quảng Ngãi với chiều dài bờ biển trên 100 km và một đảo Lý Sơn tiền tiêu trở nên thơ mộng và hấp dẫn lạ thường. Ở đấy, dường như mọi thứ còn hoang sơ nhưng làm mê hoặc du khách như biển Sa Huỳnh lộng gió, biển Mỹ Khê, Khe Hai, mũi Ba Làng An... ẩn mình bên rừng dương; hay như Khu du lịch Đặng Thùy Trâm (Đức Phổ); Khu lưu niệm Thủ tướng Phạm Văn Đồng (Mộ Đức); Thác Trắng (Minh Long), Trường Lũy (Ba Tơ, Nghĩa Hành); Khu chứng tích Sơn Mỹ (Sơn Tịnh) luôn là điểm dừng chân lý tưởng cho những du khách muốn khám phá nét đẹp văn hoá, lịch sử của đất và người Quảng Ngãi. Đặc biệt là huyện đảo Lý Sơn- nơi có nhiều di tích lịch sử, văn hoá quan trọng về chủ quyền biển đảo Trường Sa, Hoàng Sa của Tổ quốc.
Vẻ đẹp hoang sơ của đảo Bé (Lý Sơn) là điểm đến khá thú vị cho du khách. |
Từ năm 2005 đến 2010, lượng khách quốc tế đến Quảng Ngãi tăng 15,1%, khách nội địa tăng 14,2%. Riêng năm 2012 đón 420.511 khách du lịch, tăng 15% so với năm 2011 (trong đó gần 30 nghìn lượt khách quốc tế), doanh thu hơn 315 tỷ đồng. Toàn tỉnh có khoảng 65 cơ sở lưu trú du lịch với 2.000 phòng, trong đó có 3 khách sạn 3 sao, 1 khách sạn 4 sao. Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, những tiềm năng trên hiện nay vẫn còn như một "nàng tiên" đang còn ngái ngủ nên chưa thể cất cánh.
“Tôi đã một lần đến Quảng Ngãi cách đây vài năm, nay trở lại Quảng Ngãi cũng chưa khác xưa mấy, trong khi tiềm năng về du lịch biển đảo của tỉnh là rất lớn. Nếu làm tốt, tôi nghĩ du khách sẽ tìm đến Quảng Ngãi nhiều hơn” – anh Nguyễn Hồng Ánh du khách đến từ tỉnh Phú Yên nói. Do đó, để đạt mục tiêu phát triển du lịch đến năm 2015 mà tỉnh đặt ra là, dự kiến thu hút 600.000 lượt du khách, doanh thu đạt khoảng 700 tỷ đồng; đến năm 2020 thu hút khoảng 950.000 lượt du khách, doanh thu khoảng 1.000 tỷ đồng; lao động trong ngành du lịch đến năm 2015 đạt khoảng 12.400 người.., tỉnh Quảng Ngãi rất cần một cú hích.
Phải chớp lấy cơ hội “vàng”
Theo TS Nguyễn Đăng Vũ – GĐ Sở VHTT&DL. “Muốn làm du lịch trước tiên chúng ta phải có những định hướng rõ ràng, mỗi người dân phải tự ý thức được việc quảng bá hình ảnh quê hương mình đến với du khách để họ đến không chỉ một lần mà sẽ tìm đến vào các mùa lễ hội khác trong năm. Có như thế người dân mới hưởng lợi từ ngành công nghiệp không khói”.
Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa và tuần Văn hóa biển đảo Quảng Ngãi năm 2013 được tổ chức với quy mô lớn, có nhiều hoạt động, chuỗi sự kiện diễn ra ở TP. Quảng Ngãi và đảo Lý Sơn. là cơ hội tốt để ngành du lịch quảng bá rộng rãi đến du khách về những địa điểm du lịch cũng như văn hóa, phong tục tập quán của người dân trên địa bàn tỉnh. Trong đó, sẽ mở các tour du lịch như TP. Quảng Ngãi – Vạn Tường – Nhà máy Lọc dầu Dung Quất; TP Quảng Ngãi – Nhà thờ Bác Phạm Văn Đồng – Khu di tích Đặng Thùy Trâm – Khu du lịch Sa Huỳnh và các tour tham quan vòng quanh đảo Lý Sơn.
Về ẩm thực Quảng Ngãi có nhiều món ngon nổi tiếng. Ngoài đường phèn, đường phổi, mạch nha, kẹo gương… còn có tỏi Lý Sơn. Loại tỏi trồng trên cát lấy từ biển, nhỏ tép, chắc, có vị rất riêng. Các món cá bống trứng, cá thài bai sông Trà; đồn đột (một loại hải sâm) Lý Sơn tiềm thuốc bắc; gỏi cá cơm; don; dưa hấu An Tiêm; mắm nhum; cơm gà… Loại nào cũng tươi rói và đậm đà hương vị Quảng Ngãi.
Bài, ảnh: LÊ ĐỨC