(QNg)- Theo quy trình thì trước khi có mặt trên ruộng, bất kỳ loại giống mới nào cũng được các ngành chuyên môn thử nghiệm ba lần, trong đó có 2 vụ khác nhau. Nếu đạt, Sở NN&PTNT sẽ cho phép các địa phương đưa vào sử dụng rộng rãi. Nhưng không ít đơn vị cung ứng giống bỏ qua khâu này, chỉ làm việc với xã hoặc HTX rồi bán giống cho dân. Đến khi xảy ra thiệt hại thì các bên đùn đẩy trách nhiệm, còn người dân thì lãnh đủ.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Nguy cơ “lỗ kép”
“Mình không làm, người khác cũng làm. Thôi thì cứ thử một phen xem sao”, ông H.T.K. ở xã Đức Hiệp (Mộ Đức) lý giải nguyên do đồng ý sản xuất và cung ứng sản phẩm ớt lai theo nhu cầu của bạn hàng. Xét trên phương diện nào đó thì đây cũng là một cách làm hay nếu thương lái thực sự… thương nông dân. Bởi một khi họ giới thiệu giống mới, rồi đứng ra thu mua sản phẩm, nghĩa là sản phẩm ấy đã và đang được thị trường cần. Tuy nhiên, không thể bỏ qua khả năng thương lái dùng chiêu ấy để đánh lừa nông dân. Từ “một đồn mười, mười đồn một trăm”, nông dân sẽ đổ xô vào sản xuất, diện tích vụ sau cao hơn vụ trước. Đến kỳ thu hoạch rộ, bạn hàng “ruột” bỗng dưng… mất tích hoặc thu mua theo kiểu “đại hạ giá” thì người dân chỉ còn biết kêu trời. Mà điều này thì đã từng xảy ra nhiều lần.
Giống bắp “siêu hạt” có nguồn gốc từ Ấn Độ. |
Một quan ngại nữa là những giống ngoại lai trôi nổi rất dễ gây họa cho nông dân, bởi họ không được dự báo trước những rủi ro (dịch bệnh, năng suất) mà nó có thể xuất hiện. Bởi theo phân tích của lãnh đạo Sở NN&PTNT thì ngay cả những giống lai đã được khảo kiểm nghiệm và cấp phép sử dụng cũng được các ngành chuyên môn thường xuyên theo dõi, giám sát về đặc tính di truyền phòng khi chúng có biểu hiện tiêu cực trong điều kiện bất lợi. Lý giải điều này, ông Phạm Văn Tuân - Trưởng phòng Nông nghiệp, Sở NN&PTNT cho rằng: “Một, hai vụ đầu, giống có thể chưa có những biểu hiện bất thường, nên dễ khiến nông dân tin giống đạt chất lượng, vội vàng sản xuất trên diện rộng. Đến khi chúng bị “ốm đau”, họ mới té ngửa vì những loại thuốc hay biện pháp chữa trị thông thường đều không có tác dùng.
Ngành chức năng nên sớm vào cuộc
Việc nông dân tìm tòi, phát hiện và đưa vào sử dụng các loại giống mới-đặc biệt là giống lai cho năng suất cao là đáng hoan nghênh. Nhưng lẽ ra, sau khi thử nghiệm (dù thành công hay thất bại) thì họ cũng nên thông báo với ngành nông nghiệp để được kiểm tra, giám định. Và chính quyền cơ sở phải có trách nhiệm can thiệp và giúp họ thực hiện điều này khi những mô hình giống “tự do” ra đời. Nhưng điều lạ là chính một số địa phương lại khuyến khích người dân sử dụng giống ngoại lai, dù chúng chưa được Sở NN&PTNT cấp phép.
Nói về nguyên nhân gây ra tình trạng này, nhiều nông dân cho rằng cùng với việc “khát” giống rau màu chất lượng cao, điều cốt yếu là công tác quản lý lỏng lẻo nên các công ty giống mới có cơ hội… đốt cháy giai đoạn như thế. Lãnh đạo Sở NN&PTNT cũng thừa nhận là “không thể kiểm soát” bởi doanh nghiệp kinh doanh giống chỉ làm việc với chính quyền cơ sở rồi cùng nhau triển khai thực hiện. Chỉ khi nào xảy ra rủi ro thì họ mới… nhớ đến Sở nhờ xử lý!
Với những “điềm báo” mà giống ngoại lai trôi nổi biểu hiện, thiết nghĩ đã đến lúc ngành nông nghiệp cần mạnh tay xử lý những doanh nghiệp có thói quen làm ăn “chui”. Bên cạnh đó, cả chính quyền cơ sở lẫn nông dân cũng cần nâng cao cảnh giác và cẩn trọng trong việc lựa chọn, sử dụng giống (cả nội lẫn ngoại). Tuy nhiên, để giải quyết tận gốc vấn đề thì điều cốt lõi là phải đáp ứng nguồn giống đảm bảo cả chất lẫn lượng cho nông dân. Nghĩa là ngành nông nghiệp phải tăng cường công tác nghiên cứu, tuyển chọn, trình diễn và chuyển giao nhiều hơn nữa các mô hình sản xuất rau màu như ớt, ngô bởi diện tích trồng các loại nông sản này là không nhỏ nên nhu cầu giống là rất lớn.
Bài, ảnh: Mỹ Hoa