Đại diện NHNN cho rằng đây là thời điểm nhu cầu vàng giảm đi kéo theo chênh lệch giá trong nước và thế giới giảm.
Trước tình hình sản xuất, kinh doanh và bình ổn thị trường vàng trong nước có nhiều xáo trộn thời gian qua, tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4, ông Lê Minh Hưng – Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho biết, Việt Nam là một nước không sản xuất được vàng, vì vậy tất cả nhu cầu vàng miếng ở trong nước đều phải được thông qua việc xuất ngoại tệ để nhập khẩu.
Ông Lê Minh Hưng - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại buổi họp báo Chính phủ tháng 4. |
Ông Hưng nói rằng, trong điều kiện thực tiễn của nền kinh tế, đặc biệt là tình hình kinh tế vĩ mô trong thời gian vừa qua, chúng ta phải lựa chọn mục tiêu ưu tiên để đảm nhiệm vụ xuyên suốt là thực hiện việc ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá và hoạt động bình thường của thị trường ngoại tệ.
“Trong vòng gần 2 năm trở lại đây, NHNN không cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng. Đây là 1 trong những lý do dẫn đến sự chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới. Bên cạnh đó, thời gian vừa qua, nhu cầu vàng trong nước tăng cao là có thực, một phần nhu cầu đến từ các tổ chức tín dụng (TCTD) để thực hiện việc tất toán hoạt động huy động và cho vay vàng” – ông Hưng nói.
Lý giải cụ thể hơn về nguyên nhân chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới tăng cao, ông Hưng cho rằng, từ ngày 12/4, giá vàng trên thị trường quốc tế đã có sự sụt giảm mạnh nhất trong vòng 30 năm trở lại đây. Đây là những yếu tố làm cho độ chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới giãn ra.
Tuy nhiên, đại diện NHNN cho rằng, từ khi triển khai Nghị định 24 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, mặc dù trong nước có sự chênh lệch nhưng không còn tái diễn hiện tượng những cơn sốt vàng gây ảnh hưởng đến sự ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt là diễn biến tỷ giá và hoạt động của thị trường ngoại tệ. Đây là yếu tố then chốt để góp phần cùng với nỗ lực của Chính phủ để ổn định kinh tế vĩ mô.
Khẳng định việc thành công từ các phiên đấu thầu vàng, Phó Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, khi NHNN thực hiện việc đấu thầu vàng đã góp phần làm tăng lượng cung vàng trên thị trường vàng, đây là yếu tố rất quan trọng trong việc giảm bớt áp lực về cầu trên thị trường vàng trong nước. Nếu NHNN không tham gia bình ổn thị trường trong khi không cho phép nhập khẩu vàng để sản xuất vàng miếng thì thị trường vàng trong nước sẽ biến động mạnh về giá khi nhu cầu vàng trong nước không được đáp ứng.
“Qua 12 phiên đấu thầu, NHNN đã cung ứng ra thị trường hơn 12 tấn vàng là đã đạt được mục tiêu đề ra là tăng cung giảm bớt áp lực về cầu vàng trên thị trường trong nước. Thông qua hoạt động bình ổn giá đó, chúng ta đã tránh được những xáo trộn trên thị trường vàng, không để tái diễn hiện tượng sốt vàng như thời gian vừa qua. Đồng thời, hoạt động sự bình ổn trên thị trường vàng cũng góp phần làm ổn định tỷ giá của thị trường ngoại tệ” - ông Hưng cho hay.
Giải thích việc tăng cao chênh lệch giá giữa vàng trong nước và thế giới có tạo nên sự mất ổn định thị trường cũng như tạo ra hiện tượng vàng nhập lậu hay không, Phó Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định, trước khi có Nghị định 24, nhiều doanh nghiệp được cấp phép để sản xuất vàng miếng, khi thị trường có sự chênh lệch về giá đã có hiện tượng thu gom ngoại tệ số lược lớn để nhập vàng nguyên liệu sản xuất vàng miếng trái phép.
“Đây là những nhân tố tác động rất tiêu cực đến sự ổn định định của tỷ giá và thị trường ngoại tệ gây áp lực tăng lạm phát. Nghị định 95 của Chính phủ về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hoạt động kinh doanh ngoại tệ và vàng trái phép hiện nay rất nghiêm khắc để phòng tránh hiện tượng nhập khẩu vàng cũng như ngoại tệ trái phép” – ông Hưng nhấn mạnh.
Nhắc lại vấn đề ai được hưởng lợi từ mức chênh lệch giá vàng, ông Hưng cho rằng, khi NHNN tham gia thị trường vàng là hoạt động là bình ổn thị trường vàng chứ không nhằm mục đích bình ổn giá nên không thể ngay lập tức kéo giá vàng trong nước ngang bằng với giá vàng thế giới. Toàn bộ các khoản chênh lệch mà NHNN thu được qua hoạt động đấu thầu vàng đều được chuyển toàn bộ vào Ngân sách Nhà nước.
Khẳng định thời điểm thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới, ông Hưng cho hay, đến ngày 30/6 tới đây, các ngân hàng sẽ tiến hành việc tất toán. Mặc dù việc huy động vàng của các TCTD dưới hình thức tiết kiệm đã chấm dứt từ ngày 25/11/2012, tuy nhiên, kỳ hạn dài nhất mà các tổ chức còn được phép huy động có kỳ hạn đến ngày 30/6/2013. Đây là một trong những lý do mà các tổ chức tín dụng phải mua vàng trên thị trường để đáp ứng tất toán trạng thái huy động và cho vay - “Đây cũng sẽ là yếu tố gây áp lực lên thị trường. Đến ngày 30/6, khi các tổ chức tín dụng đã hoàn thành việc tất toán vàng của mình, nhu cầu vàng trên thị trường giảm đi thì chênh lệch giữa giá trong nước và thế giới sẽ giảm”.
Đại diện NHNN cũng cảnh báo, các TCTD không được dồn tiền để mua vàng cũng như không được phép cung cấp tín dụng cho các doanh nghiệp để thực hiện việc kinh doanh và mua vàng miếng. Điều này đã được quy định rất rõ tại các quy định tại các NHNN./.
Theo Nguyễn Quỳnh/VOV online