Tư Nghĩa: Nỗ lực bảo vệ lúa đông xuân

09:03, 05/03/2013
.

(QNg)- Bám sát tình hình, dự báo chính xác, chỉ đạo kịp thời, tận tình hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp phòng trừ bệnh, diệt chuột bảo vệ cây lúa của ngành nông nghiệp huyện Tư Nghĩa khiến nông dân an tâm hơn khi đối phó với nạn chuột hoành hành, bệnh đạo ôn bùng phát trên lúa.

Ban chỉ đạo… diệt chuột

Những ngày cận Tết, nhà nhà tập trung chuẩn bị đón năm mới cũng là lúc ngành nông nghiệp huyện Tư Nghĩa triển khai công tác bảo vệ lúa đông xuân trước, trong và sau Tết. Ông Trần Thiên Thanh-Trưởng phòng Nông nghiệp huyện cho biết: "Dự báo tình hình chuột phá hại lúa có khả năng gia tăng đột biến do thời tiết có nhiều bất ổn, UBND huyện Tư Nghĩa đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo diệt chuột".

Ông Trần Thiên Thanh - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Tư Nghĩa (bìa phải) hướng dẫn nông dân phòng trừ bệnh đạo ôn lá, bảo vệ lúa đông xuân.
Ông Trần Thiên Thanh - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Tư Nghĩa (bìa phải) hướng dẫn nông dân phòng trừ bệnh đạo ôn lá, bảo vệ lúa đông xuân.


Đây là năm đầu tiên huyện Tư Nghĩa quyết định thành lập Ban chỉ đạo diệt chuột cấp huyện, với mục tiêu nâng cao năng lực diệt chuột, bảo vệ lúa đông xuân - thành quả lao động của hàng ngàn nông dân Tư Nghĩa. Tính đến ngày 22/2, Ban chỉ đạo diệt chuột phối hợp với nông dân trong huyện diệt được hơn 25.000 con chuột bằng phương pháp chủ yếu là đặt bả sinh học. UBND huyện đã trích kinh phí mua gần 2.300 kg bả diệt chuột sinh học (50.000 đồng/kg) cấp cho nông dân, đồng thời hướng dẫn cặn kẽ phương pháp đặt bả. Bà Nguyễn Thị Hiệp, ở đội 11, xã Nghĩa Thương (Tư Nghĩa) cho biết: "Gia đình tôi làm 6 sào ruộng. Nhờ đặt bả chuột mà lúa không bị cắn phá". Sau nhiều ngày đặt bả, tại đám ruộng của gia đình bà Hiệp đã có hơn 50 con chuột trúng bả chết.

Ông Trần Thiên Thanh - Trưởng phòng Nông nghiệp kiêm Phó ban trực Ban chỉ đạo diệt chuột huyện Tư Nghĩa cho biết: "Cùng thời điểm này vụ đông xuân năm 2012, huyện Tư Nghĩa có gần 500 ha lúa bị chuột phá hại, trong đó có hàng chục hecta bị hại nặng nề. Rút kinh nghiệm, vụ đông xuân năm nay, huyện tập trung ra đồng diệt chuột bằng phương pháp đặt bả sinh học, nên diện tích bị chuột phá giảm hẳn, chỉ khoảng 80ha. Diện tích bị chuột hại đang được bà con nông dân dặm lại, đang trong quá trình sinh trưởng phát triển bình thường".

"Hội nghị đầu bờ" về… bệnh đạo ôn lá!

Suốt những ngày sau Tết, UBND huyện Tư Nghĩa đã thành lập các đoàn công tác về các địa phương kiểm tra tình hình sản xuất, tập trung chủ yếu là việc triển khai thực hiện các biện pháp bảo vệ lúa đông xuân. Quá trình kiểm tra đã phát hiện dịch bệnh đạo ôn lá trên lúa có dấu hiệu gia tăng tại nhiều cánh đồng. UBND huyện trực tiếp chỉ đạo phòng nông nghiệp và trạm bảo vệ thực vật, khuyến nông cử cán bộ bám sát cơ sở, hướng dẫn nông dân cách phòng trừ sớm, hạn chế thấp nhất dịch bệnh lây lan, ảnh hưởng đến sinh trưởng phát triển của cây lúa.

Hiện nay diện tích bị bệnh đạo ôn lá trên toàn huyện Tư Nghĩa là 121 ha, tỷ lệ hại từ 5% đến 10%. Một số diện tích đã bị cháy chòm, nhất là đối với các giống VN121, ĐV108, KD 18, PC 15… Đây là bệnh lây lan rất nhanh, đặc biệt là khi có gió. Nhiều ngày nay, cán bộ nông nghiệp, khuyến nông và cán bộ Trạm bảo vệ thực vật đã xuống tận ruộng động viên nông dân có ruộng liền thửa nằm trong bán kính có thể bị ảnh hưởng bởi bệnh đạo ôn lá lây lan "họp" ngay tại đầu bờ. Những giống lúa bị cảnh báo là dễ nhiễm bệnh, danh mục thuốc đặc trị được cán bộ nông nghiệp cung cấp đến tay nông dân; phương pháp tiến hành phun trừ bệnh được hướng dẫn tỉ mỉ cho từng chủ nhân của những đám ruộng. "Khi bắt được bệnh, nắm vững phương pháp phòng trừ thì nông dân hoàn toàn có thể tự mình trị được bệnh đạo ôn lá cho lúa" - ông Trần Thiên Thanh khẳng định.


Bài, ảnh: THANH NHỊ
 


.