(QNg)- Giữa buổi trưa nắng gắt, anh Phạm Văn Khanh (thôn Đông Hòa, xã Tịnh Hòa, Sơn Tịnh) vẫn thoăn thoắt đôi tay bên những nan tre. Qua bàn tay khéo léo của anh, mấy chục năm qua, anh đã làm ra hàng nghìn chiếc thuyền thúng dẻo dai, bền đẹp.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Theo bà con ngư dân Tịnh Hòa, cơ sở của anh Phạm Văn Khanh là địa chỉ làm thúng chai lâu năm nhất vùng. Nhà anh đã 3 đời làm thuyền thúng và nay đến lượt anh nối nghiệp.
Anh Khanh đang đan "bụng" thúng. |
Học nghề từ cha lúc mới 10 tuổi, đến nay anh Khanh đã có gần 30 năm tuổi nghề: "Cha tôi mang bí quyết làm thúng chai từ miền Bắc vào đây lập nghiệp. Rồi cha truyền nghề lại cho tôi. Hai cha con làm việc không ngơi tay vì lúc nào cũng có khách đến đặt hàng. Trung bình mỗi năm gia đình tôi bán ra từ 400- 500 chiếc thúng".
Nghề làm thúng chai cũng lắm công phu, vất vả và đòi hỏi sự tỉ mỉ. "Bởi đan thuyền thúng không chỉ đơn thuần là cái nghề để mưu sinh mà nó còn là thứ quyết định sinh tử của ngư dân chèo thúng. Vì thế, người làm công việc này lúc nào cũng phải đặt sự cẩn trọng lên hàng đầu, không thể làm ẩu được", anh Khanh bộc bạch.
Vừa xếp lại những nan tre được chuốt mỏng, anh Khanh vừa giải thích rằng, chọn tre để làm thúng phải chọn loại tre già thì thúng mới bền. Sau khi mang tre về, người thợ chỉ chuốt lớp vỏ bên ngoài thành từng thanh mỏng rồi mang ra phơi nắng. Phơi đủ 7 nắng mới lấy tre vào đan thì nan mới không bị gãy.
Để làm xong một chiếc thúng tre, anh Khanh phải làm rất nhiều giai đoạn như vót tre, đan bụng thúng, lận vành, trét phân bò và dầu rái. Độ bền, đẹp của chiếc thúng phụ thuộc rất nhiều vào tay nghề, kinh nghiệm của người thợ. Trong quy trình làm thúng, giai đoạn trét dầu rái là bước then chốt nhất vì nó quyết định sự thành bại của sản phẩm. Chỉ cần trét dầu rái không đạt yêu cầu, chiếc thuyền thúng ra khơi sẽ bị thấm nước ngay. Thêm một công đoạn lạ lùng nhưng không thể thiếu là trước khi quét dầu rái phải trét phân bò lên vỏ thúng. Dù có quét hàng chục lớp dầu rái, mà trước đó, không quét phân bò lên thúng thì chiếc thúng cũng bị thấm nước". Anh Khanh chia sẻ bí quyết và nói cũng chẳng thể giải thích vì sao, nhưng đó là kinh nghiệm dân gian truyền lại thì mình cứ làm theo".
Những chiếc thúng tre đường kính 1,8 - 2m, anh hoàn thành trong 4 ngày. Những chiếc thuyền thúng to hơn dùng để câu mực ngoài khơi xa, với đường kính tầm 3,5m, anh mất khoảng 1 tuần để hoàn thiện. Làm xong một chiếc thúng loại trung bình, anh thu về từ 2,5 - 3 triệu đồng. Còn với những thúng chai loại lớn, vì tốn vật liệu và mất nhiều thời gian hơn nên anh lấy giá cao gấp đôi.
"Nghề không phụ người", nghề đan thúng tưởng chừng giản đơn, quanh năm chỉ biết cặm cụi đan lát nhưng mang lại cho anh Khanh thu nhập hàng trăm triệu mỗi năm. Hiện nay, trên thị trường đã có loại thúng nhựa vừa bền, vừa đẹp nhưng thúng chai do anh làm ra vẫn luôn giữ được chỗ đứng. Ông Trần Từ (thôn Đông Thuận, xã Tịnh Hòa), một khách hàng đến đặt thúng cho biết: "Mấy chục năm nay, tôi vẫn mua thúng chai ở đây để đi biển. Tuy bây giờ xuất hiện loại thúng nhựa bền và đẹp hơn, nhưng từ bao đời nay, chúng tôi dùng thúng chai quen rồi. Đi biển bằng thúng chai, gặp sóng lớn, đỡ tròng trành hơn nên khó lật".
Bài, ảnh: Ý THU