Ngân hàng Chính sách Xã hội Quảng Ngãi: Trao “cần câu” cho hộ nghèo

08:03, 24/03/2013
.

(QNg)- 10 năm qua, Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) Quảng Ngãi đã tạo điều kiện cho hàng vạn hộ nghèo vay vốn. Nguồn vốn này như chiếc cần câu mang đến cho hộ nghèo để họ vươn lên, góp phần không nhỏ vào công cuộc xóa đói giảm nghèo ở các địa phương.

TIN LIÊN QUAN


Xã Phổ Quang (Đức Phổ) ngày xưa, mùa nắng cát bỏng chân người, mùa mưa đường lầy lội, nay là những con đường bê tông thẳng tắp, đêm về điện sáng khắp làng. Bên những ngôi nhà ngói mới xây san sát. Chị Trần Thị Dậu, một hộ nghèo ở thôn Bàn An, cho biết: "Cuộc sống nghèo khó lắm. Nhờ Ngân hàng chính sách cho vay nên mới có điều kiện cho bọn nhỏ học hành, trong đó đứa con lớn đang học ĐH Bách khoa TPHCM". Cũng ở xã Phổ Quang, nhiều hộ nghèo đã tiếp cận được nguồn vốn vay của Ngân hàng chính sách, nhờ đó bà con có điều kiện phát triển chăn nuôi, buôn bán nhỏ... Đến nay, đã có nhiều hộ thoát được cảnh nghèo khổ, trả được nợ ngân hàng. Cuộc sống được cải thiện, bà con tích cực tham gia đóng góp ngày công, tiền của để xây dựng đường làng, ngõ xóm, kéo điện về thắp sáng làng quê.

Nhiều hộ đồng bào vay vốn ngân hàng chính sách đầu tư nuôi heo mang lại hiệu quả kinh tế.
Nhiều hộ đồng bào vay vốn ngân hàng chính sách đầu tư nuôi heo mang lại hiệu quả kinh tế.



Còn ở xã miền núi Hành Tín Đông (Nghĩa Hành), nơi có nhiều đồng bào Hrê và người Kinh sinh sống chủ yếu là trồng cây keo, bạch đàn và lúa nước. Điều kiện phát triển kinh tế không thuận lợi nên toàn xã còn nhiều hộ nghèo, cận nghèo. Trong suốt 10 năm qua, nguồn vốn Ngân hàng chính sách đã kịp thời giúp 580 hộ nghèo vay gần 11 tỷ đồng, để họ mở rộng diện tích trồng cây công nghiệp, chăn nuôi, xây dựng các mô hình kinh tế hộ gia đình có hiệu quả, góp phần giảm 350 hộ nghèo trong toàn xã vào cuối năm 2012.
 

10 năm qua, NHCSXH Quảng Ngãi đã cho gần 353 nghìn lượt hộ vay gần 3.100 tỷ đồng để phát triển sản xuất. Đến cuối năm 2012, tổng dư nợ đạt hơn 1.967 tỷ đồng, tăng gần 1.820 tỷ đồng, tăng hơn 13 lần so với 10 năm trước, tỷ lệ tăng trưởng hàng năm bình quân 34%. Trong đó, hai chương trình có dư nợ lớn nhất là cho vay hộ nghèo gần 940 tỷ đồng, chiếm 47,7% và cho vay chương trình HS-SV hơn 597 tỷ đồng, chiếm 30,4%.

Đi đôi với việc hỗ trợ phát triển kinh tế, nguồn vốn từ NHCSXH còn đến với các hộ nghèo ở các huyện miền núi, vùng bãi ngang ven biển, xây dựng các công trình phúc lợi dân sinh, hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người nghèo, hỗ trợ xuất khẩu lao động. Tại huyện miền núi Trà Bồng, trong 10 năm qua, ngân hàng đã tạo điều kiện cho 183 đối tượng chính sách được vay vốn theo Quyết định 71 đi xuất khẩu lao động. Đến nay, đã có nhiều lao động có việc làm và thu nhập ổn định, gửi tiền về trả nợ ngân hàng và có tích luỹ. Nhiều hộ vay tiền để đầu tư nuôi trâu, bò; khôi phục và phát triển các nghề làm nhang, bình ly bằng vỏ quế, sấy cau khô, nghề mộc, nghề rèn... Qua đó, xuất hiện nhiều mô hình mới làm ăn hiệu quả, như mô hình trồng cỏ chăn nuôi bò, nuôi cá, nuôi dê... Từ đó, góp phần giảm 4.113 lượt hộ nghèo từ 80,46% (năm 2003) xuống còn 50,26% (năm 2012).

Ông Đinh Văn Quân - Phó Giám đốc NHCSXH Quảng Ngãi, cho biết: Khi đi vào hoạt động, NHCSXH tỉnh được tiếp nhận bàn giao 3 chương trình tín dụng. Sau 10 năm hoạt động, đến nay trên địa bàn tỉnh đã thực hiện cho vay 13 chương trình đối với các hộ nghèo, đối tượng chính sách. Để các chương trình này đúng đối tượng và được vay vốn thuận lợi, NHCSXH đã phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội và chính quyền địa phương xây dựng mạng lưới tổ tiết kiệm và vay vốn đến từng thôn, khu phố trên phạm vi toàn tỉnh. Hoạt động của tổ theo nguyên tắc tự nguyện, tương trợ, giúp đỡ nhau trong sản xuất và đời sống, cam kết sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả nợ, trả lãi đúng hạn.

Tổ tiết kiệm và vay vốn còn được giao nhiệm vụ tổ chức bình xét công khai, dân chủ chọn ra những người có đủ điều kiện vay vốn tín dụng ưu đãi, trên cơ sở có sự quản lý, hướng dẫn và giám sát của các tổ chức chính trị - xã hội, trình UBND cấp xã phê duyệt. Nhờ đó, mà nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã tập trung vào một đầu mối để cho vay, tạo cơ hội cho hộ nghèo và đối tượng chính sách tiếp cận được với dịch vụ tín dụng ưu đãi của Nhà nước, có điều kiện phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống, tự vươn lên, góp phần làm thay đổi diện mạo vùng quê. Đây chính là chiếc cần câu, là hướng mở cho các hộ nghèo cải thiện cuộc sống của mình.


Bài, ảnh:  MAI HẠ
 


.