Liên kết thu hút đầu tư

09:03, 28/03/2013
.

(QNg)- Bài toán liên kết giữa các tỉnh, thành trong vùng duyên hải miền Trung là Thừa Thiên- Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận, để phát triển bền vững dần được làm sáng tỏ hơn tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư vừa kết thúc tại TP Đà Nẵng.

TIN LIÊN QUAN


Tại diễn đàn này, các doanh nghiệp (DN), các nhà đầu tư (NĐT) trong và ngoài nước đã gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với lãnh đạo 9 tỉnh, thành phố vùng duyên hải miền Trung. Và cơ hội hợp tác đầu tư vào vùng đất  giàu tiềm năng này đang mang một gam màu sáng.

PHÂN VAI THU HÚT ĐẦU TƯ

Vùng duyên hải miền Trung hiện có 6 sân bay; 8 cảng nước sâu; 6 khu kinh tế ven biển (trong đó Chu Lai, Dung Quất đã được Chính phủ lựa chọn là một trong 5 khu kinh tế của cả nước ưu tiên đầu tư phát triển đến năm 2015); 1 khu công nghệ cao (ở Đà Nẵng); 51 khu công nghiệp và nhiều khu nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế. Đây chính là lợi thế lớn để thu hút NĐT cả trong và ngoài nước.

Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đi vào hoạt động đã tạo sức hấp dẫn lớn, thu hút đầu tư vào khu vực miền Trung.
Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đi vào hoạt động đã tạo sức hấp dẫn lớn, thu hút đầu tư vào khu vực miền Trung.


Thế nhưng, việc phát triển “nóng”, thu hút đầu tư bằng mọi giá của các tỉnh, thành phố đã kéo theo nhiều chính sách ưu đãi dành cho NĐT không đồng đều. Điều này khiến nguồn lực đầu tư bị dàn trải, phân tán, làm cho các tỉnh, thành phố phát triển chưa được như kỳ vọng. Ông Bùi Tất Thắng- Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), phân tích: Do quá tương đồng về điều kiện tự nhiên, nhân lực, thậm chí là vốn và cả cơ cấu kinh tế, nên 9 tỉnh, thành phố vùng duyên hải miền Trung đã có một cuộc chạy đua thu hút đầu tư quyết liệt. Còn các DN, NĐT thì phân vân do không thấy ưu thế tuyệt đối của từng tỉnh, thành phố là gì. Do đó, phân vai cụ thể cho từng địa phương là cách tốt nhất để thu hút NĐT.

Cùng quan điểm trên, tiến sĩ Trần Du Lịch- Trưởng nhóm tư vấn Ban điều phối vùng duyên hải miền Trung, cho rằng: Lợi thế về tự nhiên, lao động và cơ cấu kinh tế chỉ phát huy khi có nhân tố tác động mang tính đột phá. Việc phát huy lợi thế tự nhiên đòi hỏi các hoạt động kinh tế trong vùng phải đạt được độ tập trung nhất định, đủ để hấp dẫn các NĐT. Chẳng hạn như Đà Nẵng có điện tử, tin học, công nghệ cao; Quảng Nam có công nghiệp ô tô; Quảng Ngãi có lọc hóa dầu và thiết bị công nghiệp nặng. Đây sẽ là đầu tàu dẫn dắt vùng kinh tế duyên hải miền Trung phát triển.

LIÊN KẾT ĐỂ PHÁT TRIỂN

Mặc dù tiềm năng rất lớn nhưng sự phát triển của 9 tỉnh, thành phố vùng duyên hải miền Trung vẫn chưa được như mong đợi. Nguyên nhân  dễ thấy nhất đó là sự liên kết vùng còn lỏng lẻo. Ông Nguyễn Bá Thanh- Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Trưởng Ban điều phối vùng duyên hải miền Trung, nhấn mạnh: Các địa phương trong vùng cần tập trung xây dựng không gian kinh tế thống nhất, nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo được sự liên kết vùng. Đó là yếu tố quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế toàn vùng và cũng là cơ hội để các tỉnh, thành phố trong khu vực đẩy mạnh quảng bá tiềm năng, thế mạnh của địa phương mình; trực tiếp giới thiệu đến các NĐT trong và ngoài nước những tiềm năng, lợi thế, cũng như cơ chế chính sách ưu đãi, các dự án trọng điểm, ưu tiên thu hút đầu tư của từng địa phương trong vùng.

Quảng Ngãi được xem là đầu tàu trong thu hút các dự án phát triển công nghiệp nặng ở vùng duyên hải miền Trung. Trong ảnh: Công ty công nghiệp nặng Doosan Vina (KKT Dung Quất) đang xuất sản phẩm.
Quảng Ngãi được xem là đầu tàu trong thu hút các dự án phát triển công nghiệp nặng ở vùng duyên hải miền Trung. Trong ảnh: Công ty công nghiệp nặng Doosan Vina (KKT Dung Quất) đang xuất sản phẩm.


Ông Đặng Huy Đông- Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng: Liên kết là giải pháp tối ưu nhằm đưa vùng duyên hải miền Trung trở thành một không gian kinh tế thống nhất, phát huy lợi thế của từng địa phương, tạo ra sự phát triển hài hòa, bền vững vì lợi ích của từng địa phương và của toàn vùng, đồng thời hạn chế sự cạnh tranh bất hợp lý. Thứ trưởng Đặng Huy Đông đề nghị, các địa phương trong vùng cần tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp; đẩy mạnh các biện pháp hỗ trợ các nhà đầu tư... Ngoài ra, các địa phương cần ưu tiên nguồn vốn để phát triển hạ tầng kỹ thuật giao thông đường bộ, cầu, cảng… nối liền với các đô thị, các khu công nghiệp, khu kinh tế nhằm giảm thời gian, chí phí vận chuyển.

Theo tiến sĩ Trần Du Lịch, khi hướng đến sự liên kết, lợi thế cạnh tranh trong quan hệ quốc tế mang lại cho vùng là sự tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, chứ không chỉ giới hạn trong từng địa phương. Liên kết, hợp tác phát triển vùng sẽ đưa việc hoạch định chính sách vượt ra khỏi ranh giới hành chính mỗi tỉnh, thành phố.

Để thu hút các nhà đầu tư, hội nghị lần này đã giới thiệu 27 danh mục dự án kêu gọi đầu tư của vùng duyên hải miền Trung; lãnh đạo các tỉnh đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho 9 dự án với tổng giá trị đầu tư hơn 3.500 tỷ đồng và 30 triệu USD. Có 6 biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư giữa các địa phương trong vùng với các nhà đầu tư trị giá 30,822 tỷ USD và cam kết cấp tín dụng giữa Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam và các doanh nghiệp với tổng giá trị tín dụng 3.922 tỷ đồng và 34 triệu USD đã được ký kết.

 


Bài, ảnh: NGUYỄN TRIỀU
 


.