Diệt chuột vẫn cần cách làm cũ

01:03, 01/03/2013
.

(QNg)- Mặc dù nông dân đã triển khai đồng loạt nhiều biện pháp diệt trừ, xua đuổi nhưng nhiều diện tích lúa của vụ đông xuân này vẫn bị biến thành rạ vì chuột. Thậm chí, một số cách diệt chuột được nông dân xem là "độc" cũng không khiến chúng từ bỏ thói quen ăn lúa.

TIN LIÊN QUAN


*101 cách diệt chuột

"Hết bọc ruộng bằng bao ni lon đến đặt bẫy rồi dùng bã sinh học Biorat, thậm chí tôi đã dùng dầu nhớt pha với thuốc diệt chuột nhưng chẳng hiểu sao chúng vẫn nhởn nhơ gặm lúa", vừa đặt bả, ông Trần Hồng ở thôn Đồng Xuân, xã Hành Thịnh (Nghĩa Hành) vừa nói như than. Cạnh đám ruộng của ông Hồng, bà Nguyễn Thị Hạnh cũng đang hì hục pha chế hợp chất được xem là "bảo bối" diệt chuột của mình: Hòa 1 chai thuốc độc hiệu Hapsan vào 4 lít nhớt xe máy (đã qua sử dụng). Sau đó, bà đổ hỗn hợp này vào nhiều vị trí của đám ruộng 2 sào những mong nó sẽ giúp lúa được yên thân. Theo bà Hạnh, loại "thuốc" này lâu nay vẫn được nông dân nơi đây sử dụng để diệt chuột rất hiệu quả (điều kiện là ruộng phải có nước). "Chuột lội vào ruộng, lông bị dính nước độc. Đến khi chúng vệ sinh lông (bằng cách liếm) sẽ bị chết vì nhiễm độc", bà Hạnh lý giải tác dụng của loại thuốc tự chế. Tuy nhiên, chẳng biết vì nhờn thuốc hay vì lượng chuột quá nhiều mà đây là lần thứ hai, bà Hạnh dùng "bảo bối" mà lúa vẫn tơi tả vì chuột.

 

Mặc dù đã dùng bao ni lông bao bọc nhưng ruộng lúa của ông Trần Hồng vẫn có nhiều chỗ bị biến thành rạ vì chuột.
Mặc dù đã dùng bao ni lông bao bọc nhưng ruộng lúa của ông Trần Hồng vẫn có nhiều chỗ bị biến thành rạ vì chuột.


 
Chung nỗi lo về chuột, mẹ con bà Trần Thị Liễu ở xã Bình Thới (Bình Sơn) cũng tất bật với việc cắm thêm hình nộm, sửa lại bao ni lông đã bị gió tốc xiêu vẹo và nhiều chỗ còn bị rách toạc. "Chắc là do chuột vào ruộng ăn lúa rồi cắn vào bao để tìm đường thoát ra đây mà", bà Liễu cho hay. Cùng với bà Liễu, nông dân xã Bình Thới-một trong 4 địa phương dẫn đầu về nạn chuột ở huyện Bình Sơn cũng chỉ biết áp dụng những cách này để bảo vệ cây lúa.  

Theo phản ánh của nhiều nông dân trong tỉnh nói chung thì chưa có vụ lúa nào mà họ lại sử dụng đồng bộ nhiều biện pháp để xua đuổi và diệt chuột như năm nay. Thậm chí, nhiều người còn cất công làm mồi ngon để gắn vào bẫy (loại cực đại) kết hợp với việc phun thuốc hóa học, đặt bả sinh học để tiêu diệt chuột, nhưng rồi chẳng hiểu sao chúng vẫn lũ lượt kéo vào ruộng để cắn phá.   

*Nên chăng xã hội hóa công tác diệt chuột

Lý giải hiện tượng chuột đông đúc như hiện nay, nông dân cho rằng phần vì thời tiết, phần vì chỗ trú ẩn của chúng vẫn an toàn. "Những năm gần đây, chúng ta chỉ chú trọng các biện pháp như đặt bẫy, dùng bả hay bao ni lông bọc ruộng mà bỏ rơi cách làm thủ công: Đó là đào chuột", lão nông Trần Văn Thông ở xã Bình Thới (Bình Sơn) cho hay. Bởi theo ông Thông thì việc đào chuột vừa khiến chúng khiếp sợ bỏ đi (hoặc bị giết) vừa triệt luôn nơi ở, phá chỗ ẩn nấp. Và, để động viên người dân mà nhất là học sinh tham gia diệt chuột, chính quyền địa phương còn thu mua đuôi chuột với giá vài trăm đồng/đuôi. "Số tiền tuy nhỏ nhưng tác động cực lớn vì nó khiến phong trào diệt chuột luôn được "nóng", ông Thông nhấn mạnh.

Thật ra, đây là cách làm cũ nhưng vì nhiều lý do mà lâu nay ít được quan tâm. Và trong vụ đông xuân này, một số địa phương cũng đã mạnh dạn trích kinh phí để thực thi biện pháp "cũ mà mới" này. Điển hình như ở xã Đức Phong (Mộ Đức), người dân bắt được chuột còn sống không chỉ bán đuôi (1.000 đồng/đuôi) mà còn bán xác cho các quán nhậu với giá từ 40.000-50.000 đồng/kg. Điều này khiến người dân trong xã rầm rộ ra đồng hoặc đến các bờ đất hoang để phá hang, truy tìm chuột. Còn ở xã Bình Khương (Bình Sơn)-địa phương dẫn đầu về giá thu mua đuôi (5.000 đồng/đuôi) thì phong trào diệt chuột không chỉ thu hút nông dân mà "nóng" với học sinh ngay từ đầu vụ. "Nhờ vậy mà một lượng lớn chuột đã bị tiêu diệt, giúp diện tích lúa ở đây bị chuột cắn phá ít hơn so với các địa phương khác", ông Hồ Minh Sơn-Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Bình Sơn khẳng định. Cùng với Đức Phong, Bình Khương thì các xã Đức Thắng (Mộ Đức), Bình Trung, Bình Dương (Bình Sơn) cũng dùng cách này để khuấy động phong trào diệt chuột.

Chuột là đối tượng đi liền với sản xuất nông nghiệp nên việc tiêu diệt chúng phải được tiến hành một cách thường xuyên và liên tục. Do đó, xã hội hóa công tác diệt chuột bên cạnh những biện pháp diệt trừ mới của nông dân cũng đáng được các ngành chức năng nghiên cứu, tính toán và cân nhắc.  


Bài, ảnh: MỸ HOA
 


.