Cả thôn tự làm thủy điện

10:03, 06/03/2013
.

(QNg)- Cách trung tâm xã Ba Bích (Ba Tơ) hơn 10 km đường núi, thôn Làng Mâm lọt thỏm giữa núi rừng hoang vu nên điện lưới quốc gia vẫn chưa kéo đến. Xuống dưới xuôi, nhìn điện giăng khắp lối, những người dân thôn Làng Mâm mạnh dạn mày mò cách tự làm ra điện từ nguồn nước thiên nhiên để thắp sáng và phục vụ sinh hoạt.


Đến làng Mâm, dọc quanh con suối Niên chảy ngang qua thôn có thể thấy gần 20 tua-bin điện và dây dẫn kéo dài theo con suối vào tận thôn. Đây chính là "nguồn sáng" của hơn 40 gia đình dưới chân núi Gò Pót. Điện về thôn không chỉ phục vụ thắp sáng mà bà con còn có thể xem được tivi và nghe nhạc, hát karaoke.

 

Anh Phạm Văn Run bên chiếc tua-bin dưới suối Niên.             Ảnh: Ý THU
Anh Phạm Văn Run bên chiếc tua-bin dưới suối Niên. Ảnh: Ý THU


Ghé thăm nhà anh Phạm Văn Đền, người đầu tiên "mang điện" về thôn đúng lúc nhà anh đang mở nhạc xập xình. Ngoài chiếc đầu đĩa cùng dàn âm li phát nhạc, trong nhà anh còn có cả ti vi và đầu chảo dùng để thu sóng. Nói về ý tưởng làm ra điện, anh Đền nhớ lại, hồi đầu năm 2002, trong một lần xuống dưới xuôi, nghe người ta mách nước về cách tự làm ra điện, tôi học hỏi ngay. Chứ nghĩ mà thương người thôn mình, trong khi nhiều nơi được xem ti vi, được nằm quạt… mà mọi người ở đây cứ phải ăn cơm trong ánh đèn dầu.

Học hỏi và được người ta chỉ dẫn cho cách làm, anh Đền mua tua-bin điện và dây dẫn rồi về thôn áp dụng làm thử. Từ nguồn nước sẵn có của con suối Niên chảy qua thôn, anh Đền lựa chỗ nước sâu, làm một bờ đá chắn ngang con suối rồi đặt một ống dẫn nước bằng gỗ để dẫn nước vào. Lượng nước chảy ồ ạt qua ống dẫn bằng gỗ sẽ làm quay tua-bin. Trên tua-bin đã có sẵn các đầu dây nối, chỉ cần kéo dây vào nhà là có thể sử dụng. Bằng cách làm đơn giản nhưng hiệu quả, anh Đền đã tự làm ra được nguồn điện thắp sáng và hướng dẫn mọi người làm theo. Đến nay thì tất cả các hộ dân của thôn Làng Mâm đều đã có điện thắp sáng.

Vẫn còn nhớ như in cảm xúc khi lần đầu tiên thấy ánh điện, anh Đền bồi hồi kể lại, lúc đèn nhà tôi sáng lên, cả nhà mừng lắm, cứ đứng nhìn mãi. Rồi bà con trong thôn cũng chạy sang nhìn và trầm trồ. Rồi cả làng cùng reo hò. Mừng lắm! Bởi từ nhỏ tới giờ có bao giờ được thấy ánh điện sáng trong nhà mình đâu.

Bà con nơi đây cho biết, tổng chi phí từ việc mua tua-bin điện đến dây dẫn dao động từ 700 nghìn đến 1 triệu đồng. Cứ một chiếc tua-bin có thể tạo ra nguồn điện đủ dùng cho 2-3 nhà nên mỗi nhà chỉ cần góp từ 350-500 nghìn đồng. Tuy đây không phải là số tiền nhỏ đối với người dân ở mảnh đất còn lắm khó khăn này, nhưng tất cả đều đồng lòng, bởi ai nấy đều khao khát được sống trong ánh điện.

Từ khi có điện, diện mạo Làng Mâm thay đổi hẳn. "Ngày trước, con gà mà lên chuồng, là phần ai về nhà nấy, đóng cửa im ỉm. Nhưng bây giờ có điện, có ti vi… không khí vui hẳn lên", anh Phạm Văn Run tươi cười chia sẻ. Giờ đây, trong mỗi câu chuyện của bà con, có cả những tin tức thời sự trên truyền hình, những thông tin bổ ích về trồng trọt, chăn nuôi, vệ sinh nơi ở cũng được mang ra bàn luận để cùng nhau tiến bộ.

Từ lúc có điện, chị em phụ nữ thôn Làng Mâm cũng phấn khởi hẳn lên bởi các chị có thể tự xay xát lúa tại thôn bằng chiếc máy xay xát mini, chứ không phải khó nhọc lặn lội đường xa, gùi từng gùi lúa xuống thị trấn như ngày trước.

Rời thôn Làng Mâm lúc trời đã chập choạng tối, những ngôi nhà nơi đây lên đèn sáng trưng. Đâu đó vọng lại tiếng con trẻ ê a đọc bài. Những đứa trẻ thôn Làng Mâm giờ đây đã thôi không còn phải thắp đèn dầu để học bài như trước nữa mà chúng đã được học bài trong ánh điện và trong tiếng quạt máy chạy vù vù.


 Ý THU
 


.