Ngư dân Châu Thuận Biển trúng "lộc biển"

05:02, 09/02/2013
.

(QNg)- Những ngày này, nhờ thời tiết thuận lợi, ruốc xuất hiện với mật độ dày đặc ở vùng biển gần bờ nên ngư dân thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu (Bình Sơn) bội thu mùa ruốc. Mỗi ngày có hàng chục tàu thuyền khai thác ruốc thu lợi hàng chục triệu đồng khiến cả thôn vui hơn Tết.
 

TIN LIÊN QUAN


Nhìn mặt nước "hái lộc biển"

Tại khu vực thôn Châu Thuận Biển, những ngày này, từ 5 giờ sáng hàng chục tàu thuyền của ngư dân tấp nập ra khơi khai thác ruốc. Ngư trường khai thác cách bờ 1-3 hải lý. Theo một số ngư dân, so với những mùa trước, năm nay ruốc xuất hiện sớm hơn và phân bố trên diện rộng, nên mọi người rất phấn khởi. Bình quân mỗi phương tiện ra khơi khai thác được từ 0,7 - 1,2 tấn/ngày, có chiếc khai thác được 2 tấn. Điều làm nhiều ngư dân phấn khởi hơn là năm nay ruốc trúng mùa lại bán được giá cao do gần Tết Nguyên đán nhu cầu tiêu thụ ruốc rất lớn.

 

Phơi ruốc trên bãi biển.
Phơi ruốc trên bãi biển.


Ngư dân Võ Hồng cho biết: Dù ruốc chỉ nằm cách bờ chừng 1 - 3 hải lý, nhưng các tàu đánh bắt phải đi từ sáng sớm để tìm luồng ruốc rồi mới khai thác. Tuy nhiên, để tìm được luồng ruốc đi, ngư dân phải nhìn vào sự phản chiếu ánh sáng mặt trời xuống mặt biển để nhận biết được vùng nào có ruốc. Nếu không có kinh nghiệm thì thường nhầm lẫn giữa vùng có ruốc với vùng biển đục. Bởi màu của vùng biển đục do bùn gần giống với màu vàng của vùng biển có ruốc. Sau khi xác định được luồng ruốc bơi, các tàu tiến hành đánh bắt. Nếu đánh bắt được nhiều thì gọi điện thương lái đem ghe ra thu mua chở vào bờ phơi, còn ngư dân tiếp tục khai thác. "Có hôm ruốc quá nhiều, anh em không kịp ăn uống gì, chỉ lo đánh bắt mà quên luôn đói. Trong 8 chuyến đi biển, nhóm của anh Hồng trúng gần 100 triệu đồng. Trừ chi phí, mỗi lao động được hơn 1 triệu/ngày"- anh Hồng bộc bạch.

Vừa neo chiếc tàu sau một ngày đi biển, anh Đỗ Kim Định hồ hởi khoe: Đây chỉ là nghề phụ của dân biển, nhưng thu nhập lại khá cao. Tốp của anh  mỗi ngày kéo được từ 7 tạ đến 1 tấn ruốc tươi. Với giá ruốc như hiện nay, sau một ngày làm việc, mỗi người được 700 đến 1 triệu đồng. Theo anh Định, mùa đánh bắt ruốc bắt đầu từ tháng chạp, khi ruốc biển theo những con sóng ngoài xa trôi dạt vào bờ, kéo dài đến hết tháng 2 năm sau. "Tuy nhiên, cũng tùy vào thời tiết trên biển mà ruốc vào sớm hay muộn. Có năm đến tháng giêng mới bắt đầu bước vào mùa ruốc. Nhưng năm nay ruốc vào bờ sớm nên ai cũng được mùa" - anh Định tâm sự. Trúng mùa ruốc, vợ con anh Định có tiền mua sắm đồ dùng cho ngày Tết khá tươm tất.

Được giá nhờ... xuất khẩu

Anh Võ Văn Tân, chuyên thu mua ruốc tại Bình Châu cho biết: Ruốc không phải mùa nào cũng vậy, có năm được năm mất. Chính vì vậy mà năm nào được mùa thì năm đó người dân gọi là "lộc trời cho". Nhưng cũng có năm, nhiều chuyến ra khơi ngư dân chỉ về tay trắng. Hiện ruốc tươi được mua với giá 10.000 đồng/kg, ruốc khô từ 80.000 - 140.000 đồng/kg. Mỗi ngày, anh Tân thu mua vài ba tấn ruốc tươi rồi phơi khô bán cho bạn hàng đem xuất khẩu, nhưng vẫn không đủ đáp ứng.

Được mùa ruốc, không chỉ giúp những ngư dân trực tiếp đánh bắt có thu nhập cao, mà còn góp phần giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động nông nhàn trong xã, nhất là phụ nữ. Bà Nguyễn Thị Bình cho biết: Cũng giống như nhiều phụ nữ khác trong thôn, chị em tham gia phơi ruốc cho các cơ sở.

Trung bình mỗi ngày, chị em cũng kiếm được từ 70 - 100 ngàn đồng trang trải cuộc sống và mua sắm đồ dùng cho ngày Tết của gia đình. Cũng theo bà Bình, ruốc chỉ cần phơi qua một nắng là khô. Tuy nhiên, chỉ những con ruốc tươi thì mới được phơi khô và được bán với giá cao, còn những con ruốc bị ươn được thương lái mua làm mắm ruốc. Thông thường giá ruốc mua để làm mắm chỉ bằng một nửa so với ruốc tươi để phơi. Chính vì vậy, mà các tàu đánh bắt được ruốc đều bán ngay trên biển cho các thương lái để họ đem vào bờ phơi ngay. Phần lớn ruốc khô được các thương lái thu mua xuất khẩu sang Trung Quốc, Nhật Bản hoặc đem vào TP.Hồ Chí Minh và lên Tây Nguyên bán nên giá rất cao.

Nhờ bội thu từ khai thác ruốc, chắc hẳn Tết này ngư dân thôn Châu Thuận Biển có một cái Tết khá đầm ấm và tươm tất. Đặc biệt nghề khai thác ruốc đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với các nghề khai thác thủy sản khác, nên nhiều ngư dân tính chuyện tranh thủ cả dịp Tết Quý Tỵ bám biển khai thác ruốc.


Bài, ảnh: Bá Sơn
 


.