(QNĐT)- Từ ngày 21/1/2013, hàng Tết bình ổn giá được bán với giá thấp hơn thị trường từ 5-10%. Khác biệt so với mọi năm, các điểm bán hàng bình ổn giá năm nay sẽ có mặt rộng rãi tại 14/14 huyện, thành phố, phục vụ nhu cầu mua sắm trong dịp Tết Nguyên đán 2013 của bà con nhân dân ở khắp gần xa.
Để hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện bình ổn giá dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013, UBND tỉnh quyết định tạm ứng ngân sách 28 tỷ đồng cho 4 đơn vị vay với lãi suất 0% trong thời gian 3 tháng để sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thiết yếu.
Năm nay, chỉ có 4 doanh nghiệp tham gia bình ổn giá (năm 2011 có 5 đơn vị) gồm: Công ty Cổ phần Lương thực Quảng Ngãi, Công ty TNHH Thương mại Sài Gòn Quảng Ngãi (Siêu thị Co.opmart Quảng Ngãi), Doanh nghiệp tư nhân sách Thành Nghĩa - thành phố Hồ Chí Minh (Siêu thị Quảng Ngãi), Chi nhánh Công ty TNHH Thương mại Hương Lúa (Trung tâm mua sắm Hương Lúa). Trong đó có đến 3 doanh nghiệp chuyên doanh với nhiều mặt hàng tổng hợp. Ngoài các mặt hàng bình ổn giá, các phiên chợ bình ổn giá hứa hẹn sẽ cung cấp cho người dân các mặt hàng gia dụng, hóa mỹ phẩm, may mặc… đáp ứng đầy đủ nhu cầu mua sắm ngày càng cao ở các vùng nông thôn, miền núi và hải đảo.
Theo kế hoạch, 9 nhóm mặt hàng không thể thiếu trong ngày tết sẽ được 4 doanh nghiệp bán ra thị trường có giá thấp hơn từ 5-10% gồm: Đường; dầu ăn; gia vị; nhóm gạo-nếp-đậu; thực phẩm chế biến; trứng gia cầm; thịt gia súc, gia cầm; rau củ quả và bánh kẹo. Bên cạnh đó, 22 điểm bán hàng bình ổn giá năm nay tại 14 huyện, thành phố trong tỉnh sẽ đặt ở các trung tâm huyện, thành phố để bà con dễ dàng tiếp cận nguồn hàng Việt chất lượng cao, giá rẻ. Mỗi điểm bán hàng sẽ tập trung một số lượng hàng hóa phong phú, đa dạng, trị giá khoảng 300-320 triệu đồng, được bán liên tục, xuyên suốt từ ngày 21/1 đến ngày 14/2.
Các sản phẩm thiết yếu trong dịp Tết sẽ được 4 doanh nghiệp bán theo giá bình ổn, thấp hơn thị trường từ 5-10% |
Siêu thị Quảng Ngãi tham gia bình ổn giá với kế hoạch lưu trữ một nguồn hàng khổng lồ với 49 mặt hàng thuộc 9 nhóm hàng bình ổn giá. Cụ thể là: 30 tấn đường, 7.300 lít dầu ăn, 9 tấn gia vị, 9.500 lít nước mắm, 7 tấn rau củ quả, 17 tấn gạo nếp đậu… Ngay từ đầu tháng 11, siêu thị đã chủ động ký hợp đồng mua bán các sản phẩm phục vụ bình ổn giá từ TP.HCM và địa bàn tỉnh để đưa hàng tập trung về kho bãi.
Ông Lê Văn Thanh- Giám đốc Siêu thị Quảng Ngãi cho hay: Đây là năm đầu tiên doanh nghiệp tham gia bình ổn giá với 4 điểm bán hàng tại siêu thị, thị trấn Đức Phổ (huyện Đức Phổ), thị trấn Chợ Chùa (huyện Nghĩa Hành) và huyện Minh Long. Đến thời điểm này, mọi công việc lưu trữ nguồn hàng, chuẩn bị đưa hàng về các điểm bán hàng ở các địa phương đã sẵn sàng. Bên cạnh các mặt hàng bình ổn, siêu thị cũng chủ động đưa các mặt hàng mỹ phẩm, may mặc… với nhiều chương trình khuyến mãi đặc sắc trong dịp Tết đến khắp các nơi trong tỉnh.
Siêu thị Co.opmart Quảng Ngãi cũng đang lên kế hoạch thuê kho bãi, đưa nguồn hàng phục vụ Tết Quý Tỵ 2013 về nhằm đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong tỉnh. Đồng thời, tránh tình trạng khan hiếm, sốt hàng và đẩy giá các mặt hàng lên cao trong dịp Tết.
Chương trình bình ổn giá năm nay hứa hẹn sẽ cung cấp một lượng hàng phong phú, đa dạng đến bà con nhân dân trong tỉnh |
Ông Nguyễn An- Phó Giám đốc Sở Công thương nhận định: Qua các năm thực hiện chương trình bình ổn giá, hầu hết các doanh nghiệp tham gia đã chủ động xây dựng kế hoạch vốn, tìm kiếm nguồn hàng, kế hoạch tiêu thụ, dự trữ hàng hóa, đảm bảo hàng hóa phong phú, phục vụ nhu cầu mua sắm Tết của người dân. Chương trình được xem là một trong những công cụ điều tiết giá cả hữu hiệu. Đồng thời, đảm bảo chất lượng hàng hóa, an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm soát được tình trạng đầu cơ, tăng giá đột biến, góp phần ổn định thị trường.
Năm nay, để tất cả người dân ở gần xa được tiếp cận số lượng lớn hàng bình ổn giá, Sở Công thương đã có kế hoạch tăng cường phối hợp với các phương tiện truyền thông đại chúng, chính quyền địa phương để tuyên truyền rộng rãi đến mọi nhà về chương trình bình ổn giá với những địa điểm bán hàng cụ thể. Với cách này, người dân trong tỉnh sẽ có cơ hội được đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hàng hóa trong đợt cao điểm, để đón một cái đầy đủ, bất kể ở vùng đồng bằng hay vùng sâu, vùng xa.
Qua những phiên chợ bình ổn giá trong dịp Tết và các phiên chợ bán hàng lưu động, đưa hàng Việt về nông thôn, có thể thấy, nhu cầu tiêu dùng của người dân vùng nông thôn là rất lớn. Hàng hóa quan trọng nhất là các mặt hàng thiết yếu, có nhãn mác, lý lịch sản phẩm rõ ràng và giá cả phù hợp. Doanh nghiệp nếu nắm bắt tốt thị hiếu, nhu cầu của người dân, thì chắc chắn sẽ có được doanh thu khả quan từ thị trường rộng lớn và đầy tiềm năng này.
Thanh Phương