(QNg)- Mới đầu tháng chạp nhưng ở các làng chài ven biển nhiều gia đình bắt đầu lo sắm Tết. Bà con cho hay: Đón Tết này sẽ vui hơn vì năm nay được mùa biển. Điều này không chỉ do thời tiết thuận lợi mà là nhờ phát huy tình đoàn kết đánh bắt hải sản nơi biển khơi.
Tết này sẽ vui hơn...
Trên chiếc cầu bắc qua sông Tân Mỹ nối xã Nghĩa An và Nghĩa Phú từ sáng sớm, người và xe khá đông đúc. Những người mẹ, người chị hối hả lên các chợ huyện, TP.Quảng Ngãi mua sắm tết. Bà Nguyễn Thị Hoa xã Nghĩa An, nghe hỏi chuyện, cười tươi, cho biết: "Biển năm nay được mùa. Các con tôi bảo phải lo tết năm nay cho tươm tất, nên ngay từ bây giờ tôi lên chợ xem, mua đồ cho mấy đứa cháu và mua vải may cho mình bộ quần áo mới”.
Tàu cá của ngư dân huyện Tư Nghĩa. |
Chủ tàu Trần Văn Hùng, phấn khởi cho hay: "Năm nay, ăn tết phải "đậm" hơn, sẽ vui hơn năm trước. Bởi, năm rồi hầu như tàu nào ra khơi đánh bắt hải sản cũng trúng lớn. Mười lao động đi trên tàu mình (hành nghề lưới chuồn), mỗi lao động có thu nhập bình quân 95 triệu đồng. Đây là năm được mùa biển". Ở làng chài này nhiều người còn khâm phục ngư dân trẻ Nguyễn Anh. Kết thúc mùa biển năm qua, trên 3 chiếc tàu của anh đã thu về hơn 7 tỷ đồng.
Ông Lê Huy Phúc - Chi hội trưởng Chi hội nghề cá xã Nghĩa An cho biết: Đến thời điểm này, sản lượng hải sản đánh bắt đạt 40.000 tấn (100% kế hoạch). Bình quân mỗi lao động trên biển có thu nhập 60-80 triệu đồng.
Ngư dân Nghĩa Phú cũng có niềm vui chung như ngư dân Nghĩa An. Nhờ đánh bắt hiệu quả nên sản lượng hải sản huyện Tư Nghĩa đến thời điểm này đạt 50.000 tấn (100% kế hoạch năm).
" Đánh cá phải có anh em"
Ông Lê Trung Thành - Phó Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa khẳng định: Đánh bắt hải sản hiệu quả, bên cạnh nhờ thời tiết thuận lợi ngư dân trong huyện còn phát huy tinh thần đoàn kết của các tổ đội. Mỗi tổ đội có từ 5-7 tàu. Các chủ tàu thường giúp nhau trong kỹ thuật đánh bắt, cứu hộ lúc tàu gặp nạn".
Trước đây, các tàu đánh cá mạnh ai nấy biết nên khi đánh bắt hải sản trên biển gặp sự cố máy hư hay có bão biển thường gặp nhiều rủi ro. Từ đó anh em ngư dân đã rút cho mình kinh nghiệm: "Buôn có bạn, bán có phường - đi ra biển phải có anh em". Ông Nguyễn Anh - ngư dân Nghĩa An chia sẻ: "Anh em đã bàn bạc rồi tự liên kết với nhau thành lập tổ đội gồm 10 tàu để ra khơi. Nhờ đó mà mùa biển qua tàu trong tổ đội đều đánh bắt đạt sản lượng khá cao. Mỗi bạn tàu có thu nhập gần 100 triệu đồng".
Ngư dân Huỳnh Văn Minh, kể: Cuối năm 2011, tàu ông Huỳnh Hoanh đang đánh bắt thì gặp áp thấp nhiệt đới. Trên đường lánh nạn thì tàu ông bị gãy lắp máy, ông đã bật máy Icom kêu gọi tàu ông Huỳnh Tấn Hoàng gần đó đến lai dắt vào đảo Bom Bay thuộc quần đảo Hoàng Sa neo đậu kịp thời.
Không chỉ giúp nhau trên biển, mỗi khi trong tổ có trường hợp tàu bị mất lưới, bị tàu nước ngoài đâm chìm thì anh em cùng giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn. Làng chài Nghĩa An vẫn còn nhớ tình cảm mà anh em bạn tàu dành cho ngư dân Nguyễn Công. Trong một chuyến ra khơi đánh bắt ở vùng biển phía Nam thì tàu ông Công bị mất giàn lưới, trị giá 150 triệu đồng. Sau chuyến biển đó, anh em bạn tàu người góp vài triệu đồng hỗ trợ để ông mua lưới bám biển.
Thấy được hiệu quả của tình đoàn kết trên biển, nhiều ngư dân đã tự nguyện vào tổ đội nghề cá. Nếu như năm 2010, huyện Tư Nghĩa chỉ có 33 tổ đội tàu thuyền thì đến nay đã có 70 tổ đội với 350 thành viên trên 462 tàu. Mỗi tàu có công suất trên 90CV hành nghề lưới câu, lưới chuồn, lưới rê, đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa.
Ông Lê Trung Thành cho biết thêm: Tư Nghĩa đã làm tốt việc thành lập các tổ ngư dân đoàn kết đánh bắt hải sản. Trên cơ sở này, năm 2013, huyện Tư Nghĩa sẽ thành lập hợp tác xã nghề cá. Khi HTX đi vào hoạt động sẽ là nơi tiêu thụ sản phẩm và cung cấp nguyên nhiên liệu cho các tổ đội tàu thuyền, giải quyết nguồn lao động, góp phần nâng cao nguồn thu ngân sách địa phương.
Bài, ảnh: MAI HẠ