Xóm Bông trồng hoa tết...

10:12, 03/12/2012
.

(QNg)- Xã Nghĩa Hà, Nghĩa Hiệp là hai địa phương có truyền thống trồng hoa tết lâu đời ở huyện Tư Nghĩa. Nghề trồng hoa nổi tiếng đến nỗi đã được người dân lấy tên nghề đặt tên cho xóm: "Xóm Bông". Theo lệ, vào những tháng cuối năm, nhà nhà ở xóm Bông lại ráo riết lo hoa cho ba ngày Tết…

Xóm Bông chuyên canh hoa cúc…

Từ ngã ba sông Vệ rẽ về Nghĩa Hiệp bây giờ đang là màu xanh hoa cúc. Những chiếc ảng đất nâu to, nhỏ đủ cỡ nằm chen chúc nhau trên những khoảng sân, bãi cỏ, vệ đường. Trong lòng ảng cúc đã lên xanh! Ông Trần Văn An - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hiệp cho biết: "Cả xã có 200 hộ trồng cúc, với số lượng khoảng 40.000 ảng hoa. Hoa quê mình Tết nào cũng có mặt ở các tỉnh Tây Nguyên và khắp phố phường Quảng Ngãi đấy!". Số hộ trồng hoa xuân của Nghĩa Hiệp chỉ tập trung ở một vùng nhất định và mọi người thường gọi là xóm Bông.

 

Người dân xóm Bông, thôn Hải Môn, xã Nghĩa Hiệp trồng hoa cúc đón tết.
Người dân xóm Bông, thôn Hải Môn, xã Nghĩa Hiệp trồng hoa cúc đón tết.


Ông Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hiệp dẫn chúng tôi đi "thực tế" làng hoa vào vụ ở xóm Bông, thôn Hải Môn và không quên giải thích về tên xóm tên nghề cho chúng tôi nghe. Ông An bảo: Nghĩa Hiệp là "túi nước" của con sông Vệ khi mùa mưa đến. Bởi vậy, 3 tháng "dầm dề" này nông dân đã nghĩ ra cách trồng hoa bán tết, tránh cảnh nông nhàn và cũng là để kiếm tiền lo tết cho gia đình.

Thế nhưng thực tế thì cái "nghề phụ" này đã đem về khoản lợi nhuận không nhỏ, giúp nhiều hộ khó khăn không chỉ có tiền ăn tết mà còn tích lũy được nhiều tiền, xây nhà, mua xe ô tô. Qua mỗi vụ hoa, nhà thu nhập nhiều thì được vài trăm triệu, nhà ít cũng kiếm được mấy chục triệu đồng. "Người dân lấy tên nghề đặt tên cho xóm là để mọi người dễ tìm ra "địa chỉ" mua hoa tết và cũng là sự bày tỏ niềm tự hào về một cái nghề đã cho dân mình ngày một khấm khá hơn lên" - ông Trần Văn An quả quyết.

Theo những "lão nông" nhiều kinh nghiệm ở xóm Bông, thôn Hải Môn, trồng hoa cúc "may nhiều, rủi ít". Nếu hoa có nở sớm ít ngày cũng dễ "kìm" lại đợi Tết về xuất bán. Hoa cúc còn là loại hoa có khả năng kháng sâu bệnh, chịu được sự khắc nghiệt của thời tiết. Giống cúc hiện nay được trồng nhiều nhất ở Nghĩa Hiệp là cúc pha lê, cúc Đà Lạt, cúc Hà Nội. Dù "mang danh" nơi khác, nhưng bây giờ người trồng hoa ở đây đã biết tự sản xuất giống để trồng, chứ không phải lên tận Đà Lạt hay ra Hà Nội "săn" giống như trước đây nữa. Vì thế, ông Nguyễn Anh Việt - người tiên phong trong "phong trào" tự sản xuất giống hoa ở xóm Bông, thôn Hải Môn khẳng định rằng: "Giống tự sản xuất, ảng tự đúc lấy, nhân công của gia đình thì kiểu gì trồng hoa cũng không thể thua lỗ được! Hiện nay, hầu hết người dân trồng hoa cúc đều nắm vững kỹ thuật trồng và chăm sóc, nên chuyện "mất mùa" khó có thể xảy ra. Nỗi lo lớn nhất là "sợ người tiêu dùng không ủng hộ thôi".

Về xóm Bông, thôn Hải Môn, xã Nghĩa Hiệp vào ban đêm điện trên những luống hoa sáng rực. Những người nông dân cần mẫn cắm cúi nhẹ nhàng tỉa lá, bắt sâu. Nghề trồng hoa không "nặng mà nhọc" là vậy. Để có những ảng cúc rực rỡ đủ màu sắc cho ngày Tết, từ tháng 7 âm lịch, những người trồng hoa ở Nghĩa Hiệp đã phải tất bật với làm giống, làm đất, đúc ảng. Cúc đã lên xanh, mồ hôi của nông dân đã đổ ra không ít đủ để hy vọng cúc xuân của xóm Bông Nghĩa Hiệp được mùa - được giá "tỏa" đi muôn nơi rạng ngời trong mỗi mái nhà.

Xóm Bông trồng hoa "cao cấp"

Xã Nghĩa Hà có khoảng vài trăm hộ nông dân trồng hoa đón Tết nhưng, cũng chỉ tập trung chủ yếu ở ba thôn Sung Túc, Thanh Khiết và Hổ Tiếu. Khác với Nghĩa Hiệp, người trồng hoa ở các "xóm bông" Nghĩa Hà từ lâu đã chọn những giống hoa đẹp, phù hợp nhu cầu thị trường để đón Tết. Với khoảng vài chục hecta, người trồng hoa Nghĩa Hà đang tiến hành cải tạo đất, giữa tháng 10 âm lịch sẽ xuống giống hoa  lay-ơn. Còn các loại hoa khác người trồng cũng đang rục rịch đúc ảng, chọn giống để trồng.

Ông Nguyễn Văn Lành - nông dân nổi tiếng có tay nghề trồng hoa thôn Hổ Tiếu, xã Nghĩa Hà nhận định: "Năm nay thời tiết nóng ấm hơn năm ngoái, vì thế các loại hoa có thể phải xuống giống chậm hơn vụ hoa năm trước khoảng 5 đến 10 ngày". Khác với hoa cúc, hoa lay-ơn tuy dễ trồng nhưng khó "nuôi hoa" đúng vào dịp Tết. "Nếu hoa phát triển chậm thì có thể dùng điện thắp sáng tăng nhiệt độ kích thích ra hoa sớm. Còn nếu hoa đã nở sớm thì không có cách nào giữ lại đợi Tết được. Hoa Tết mà nở không đúng Tết thì chẳng ai mua, thua lỗ là tất yếu" - ông Lành cho biết.

Ở Nghĩa Hà, mấy năm gần đây, do nhu cầu thị hiếu không chuộng hoa lay - ơn hồng "địa phương" nên những người trồng hoa thường lên Đà Lạt chọn mua giống hoa lay-ơn Đà Lạt về trồng. Với nhiều màu sắc đa dạng: Xanh, đỏ, tím, vàng, trắng, ngũ sắc... hoa lay-ơn Đà Lạt do người dân các "xóm bông" ở Nghĩa Hà trồng tại đồng đất quê mình cũng có những đặc trưng riêng: Thân cây vừa, chắc; hoa nở mạnh và tươi lâu, có thể "bền" hơn hoa chuyển từ Đà Lạt về.

Ông Trần Văn Trạng - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hà cho biết: "Diện tích hoa năm nay của Nghĩa Hà tăng so với vụ hoa Tết năm ngoái. Nhiều nông dân bây giờ đã coi vụ hoa Tết là thu nhập chính trong năm nên đã đầu tư công sức và vốn liếng nhiều hơn. Có người còn đi thuê đất, vay vốn mua giống, phân bón để trồng hoa Tết. Vấn đề còn lại là mưa thuận gió hòa và sự ủng hộ của thị trường hoa Tết nữa thôi".


Bài, ảnh: THANH NHỊ
 


.