(QNg)- Năm 2012, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh, Trạm Khuyến nông huyện Ba Tơ đã xây dựng mô hình chăn nuôi gà ta an toàn dịch bệnh trên địa bàn thị trấn Ba Tơ nhằm góp phần thúc đẩy chăn nuôi theo hướng bền vững, xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Mô hình được triển khai tại 10 hộ dân với quy mô 500 con giống gà ta (gà địa phương). Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 100% giá trị con giống, thức ăn, vật tư, thuốc thú y, được Trạm Khuyến nông huyện tập huấn về kỹ thuật làm chuồng, kỹ thuật úm gà con, nuôi dưỡng gà con từ 0-3 tuần tuổi; cách thức cho ăn cũng như vệ sinh phòng trừ dịch bệnh cho gà từ 4 tuần tuổi đến khi xuất chuồng.
Người dân Ba Tơ nuôi gà ta an toàn. Ảnh: TRƯƠNG CHI |
Ngoài ra, bà con còn được hướng dẫn chăn nuôi gà theo hướng an toàn dịch bệnh như: Bố trí khu vực chăn nuôi cách ly để hạn chế sự lây lan dịch bệnh; không nuôi gà chung với các loại vật nuôi khác; sử dụng con giống an toàn; luôn kiểm soát con giống mới nhập về trại; kiểm soát xuất nhập trại, bao gồm cả con người, vật tư, phương tiện; phân chia khu vực chăn nuôi theo từng loại gà, tốt nhất nên áp dụng biện pháp "cùng nhập, cùng xuất"; nuôi dưỡng, chăm sóc tốt để tăng cường sức đề kháng cho đàn gà; chú trọng biện pháp vệ sinh chuồng trại để tiêu diệt mầm bệnh ngoài môi trường; xử lý chất thải chăn nuôi triệt để; sử dụng vắc xin phòng bệnh hợp lý, phù hợp tình hình dịch tễ của địa phương;...
Nhờ được nuôi dưỡng và chăm sóc tốt nên sau 3 tuần nuôi, gà sinh trưởng, phát triển nhanh, ăn khoẻ, trọng lượng tăng đều, tỷ lệ sống cao, đạt 98%, trọng lượng bình quân 0,25-0,35 kg/con, tiêu tốn thức ăn 0,7kg/kg tăng trọng. Tăng trọng bình quân 0,01 kg/con/ngày. Sau 4 tháng nuôi, gà đạt trọng lượng bình quân >=1,5 kg/con. Với giá bán 80.000 đồng/kg, mô hình thu được khoảng 60 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi khoảng 14 triệu đồng.
Ông Nguyễn Thanh Lục - Phó trưởng Trạm Khuyến nông huyện Ba Tơ cho biết: Mặc dù chăn nuôi gà đã có từ lâu đời, tuy nhiên chăn nuôi gà theo hướng an toàn dịch bệnh là mô hình khá mới mẻ đối với đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây. Do đó, việc đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi gà đã giúp nâng cao nhận thức của người dân, bà con biết cách làm chuồng trại, đầu tư chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh... qua đó góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người chăn nuôi. Từ kết quả đạt được của mô hình, Trạm Khuyến nông huyện sẽ tiếp tục phối hợp với các ban ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương tiếp tục đầu tư nhân rộng trong năm 2013 và những năm tiếp theo.
Theo khuyến cáo của ông Trần Ngọc Vương - cán bộ kỹ thuật Trạm Khuyến nông Ba Tơ: Nuôi gà có khả năng đem lại lợi ích kinh tế cao, bởi chi phí đầu tư thấp, quay vòng vốn nhanh. Nếu nuôi theo hướng chuyên thịt thì chỉ cần 3-4 tháng là thu hồi vốn ngay. Tuy nhiên, so với những loại gia súc khác thì gà rất mẫn cảm với bệnh tật, nhạy cảm với thời tiết, dịch bệnh thường xuyên xảy ra nếu người nuôi không có biện pháp chăm sóc, nuôi dưỡng và phòng trừ dịch bệnh tốt. Do đó, để chăn nuôi gà đạt hiệu quả, thì người nuôi cần đặc biệt lưu ý đến vấn đề vệ sinh và phòng trừ dịch bệnh. Chuồng trại và dụng cụ chăn nuôi phải được vệ sinh thường xuyên, không để nước đọng và phát quang bụi rậm trong khu vực chăn thả gà.
Thức ăn phải đảm bảo không nhiễm hóa chất độc hại, các tạp chất, không bị mốc, đóng cục. Thức ăn xanh phải được rửa sạch trước khi cho ăn. Phải có đủ nước sạch thường xuyên tại chuồng và nơi chăn thả. Xử lý phân hàng ngày, thu gom và ủ phân theo phương pháp sinh học. Hạn chế tối đa người ra vào nơi chăn nuôi. Định kỳ thực hiện việc tiêu độc, khử trùng bằng vôi bột hoặc nước vôi 10%, BKA, Vime Iodine, Verkon... nhằm tiêu diệt mầm bệnh và các nhân tố trung gian truyền bệnh.
Sử dụng vắc xin tiêm phòng cho vật nuôi (đối với bệnh truyền nhiễm), dùng thuốc tẩy giun, sán (đối với bệnh do ký sinh trùng). Đồng thời, để tăng sức đề kháng cho đàn gà, có thể sử dụng Aminovít hoặc Vitamin C hòa nước cho uống liên tục đối với gà từ 1-14 ngày tuổi, giai đoạn sau chỉ cho uống khi thời tiết thay đổi hoặc trước và sau khi tiêm phòng... Ngoài ra, người chăn nuôi thường xuyên theo dõi tình hình ăn, uống, phân và biểu hiện của gà để có những can thiệp kịp thời. Đồng thời có sổ theo dõi, ghi chép đầy đủ về số lượng và tình trạng sức khỏe đàn gà, các chi phí chăn nuôi...
Với kết quả đạt được, mô hình nuôi gà an toàn dịch bệnh đã góp phần tạo công ăn việc làm, giải quyết được lao động nhàn rỗi; nâng cao năng lực trong chăn nuôi gia cầm; tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Ba Tơ.
ANH KHUÊ