* Thanh Thảo
(QNĐT)- Đã nhiều lần vào thăm, vào làm việc tại nhà máy lọc dầu Dung Quất (NMLDDQ), mỗi lần lại cho tôi một cảm giác khác lạ, dù nhà máy thì vẫn to lớn kềnh càng thế. Đó là cái khác lạ khi ta tiếp xúc với một cơ thể khổng lồ nhưng đang sống, từng đường gân mạch máu của nó đang hoạt động.
TIN LIÊN QUAN
* Trong “bộ não” của nhà máy lọc dầu
Xuống phòng điều khiển trung tâm (CCC), thấy các kỹ sư vận hành ở đây vẫn đang chú mục vào màn hình máy tính của mình, rồi nhìn lên tấm bảng ghi “tình trạng sức khỏe” của nhà máy, thấy ở Phân xưởng Cracking xúc tác, nơi có một bộ phận gọi là “khớp giãn nở”, nhiệt độ cao hơn bình thường. Tôi hỏi kỹ sư Nguyễn Phi Hùng, người được anh em gọi đùa là “trưởng trưởng ca”, xem trường hợp nhiệt độ tăng ở mức ấy có ảnh hưởng gì tới tiến độ vận hành của nhà máy không, anh Hùng cho biết: “Đúng là khi nhiệt độ ở “khớp giãn nở” lên trên 120oC thì có phần hơi cao, nhưng vẫn nằm trong tầm kiểm soát, và nhà máy vẫn chạy bình thường. Có điều, chúng tôi phải liên tục theo dõi, và nhà máy cũng đã có biện pháp để “hạ nhiệt”.
Các chuyên gia, kỹ sư NMLD Dung Quất đang theo dõi quá trình vận hành của Nhà máy. Ảnh TL |
Tình trạng này cũng giống như trẻ con nhà mình khi “ấm đầu” khoảng 37o5 hay 38o mà vẫn ăn chơi chạy nhảy bình thường. Cha mẹ chỉ theo dõi, có thể cho uống thuốc hạ sốt liều nhẹ. Vậy thôi.
Các kỹ sư ở CCC này, nhìn cách họ làm việc thấy có vẻ nhàn, khác xa với anh em ở Phòng quản lý cảng Dung Quất, những người phải căng cả đầu óc và cơ bắp của mình mỗi bận ra biển làm việc ở tàu chở dầu và “Phao rót dầu không bến”, hay gọi chính xác hơn là “Phao rót dầu một điểm neo”. Nhưng đừng tưởng những kỹ sư ở CCC làm việc nhàn hạ đâu nhé! Nếu bạn phải chú mục nhìn lên màn hình liên tục trong 8 giờ đồng hồ, bảo đảm bạn sẽ cảm thấy rất nặng, rất mệt, dù bạn chẳng phải động chân động tay gì mấy.
Cái mệt, cái nặng ấy đến từ sự căng thẳng thần kinh, từ mắt, từ tai, từ trong đầu, từ… Trong khi những gì hiện trên màn hình vẫn lặp đi lặp lại ngày này qua ngày khác. Nhưng cứ thử mất tập trung một chút xem ? Sự cố có thể xảy ra chính từ những giây phút mất tập trung ấy. Vì thế, nếu những kỹ sư ở phòng điều khiển trung tâm này không tự cân bằng đầu óc và cơ thể mình sau những giờ làm việc, họ rất có thể bị “xì-trét”. Bị nặng nữa là khác.
Kỹ sư Phi Hùng nói với tôi: “Vừa nhìn, vừa nghe, theo dõi bằng cả mắt và tai, rồi phải xử lý thông tin, nói thật với anh, nhiều lúc thấy choáng cả đầu. Nhưng rồi phải tự tập quen với công việc đều đều, nhàm chán này mà không bị mất tập trung, cũng không để cho thần kinh mình căng thẳng. Sự thích nghi với công việc, chính là thành công của chúng tôi”.
Tôi cũng nghĩ như vậy. Trong chiến tranh, ở một vùng rừng B52 thường xuyên thả bom, tôi cũng đã tập để thích nghi với cuộc sống không bình thường lúc đó. Về một mặt nào, thì sống nghĩa là thích nghi. Ta phải tập để quen với nhiều thứ, trong đó có những thứ chả dễ chịu chút nào.
Phòng điều khiển trung tâm (CCC) của NMLDDQ vẫn tĩnh lặng. Những kỹ sư trẻ ở đây, gọi là trẻ nhưng tuổi trung bình đã ở mức 35, tỏ ra thích nói chuyện tào lao với tôi, nhưng công việc không cho phép họ “thư giãn” như thế ngay trong giờ làm việc. Tôi cũng không dám hỏi họ nhiều, vì rất ngại ảnh hưởng tới sự tập trung cho công việc của họ.
Anh em kỹ sư này đến NMLDDQ từ nhiều vùng quê trong nước. Như Nguyễn Anh Tuấn quê Long An, Nguyễn Hữu Truyện quê Quảng Nam, Phi Hùng quê Nam Định… Họ đều được đào tạo bài bản, hầu hết là ở nước ngoài. Họ cũng đã được đi thực tập ở nhiều Trung tâm lọc hóa dầu lớn trong khu vực và trên thế giới.
Kiến thức họ có, kinh nghiệm họ đang và sẽ có, môi trường làm việc thân thiện họ cũng đã có, nhưng khi mỗi con người có một số phận, thì biết bao điều có thể xảy ra.
Nếu NMLDDQ là một “cơ thể sống” thì nó cũng đang dung chứa trong lòng nó hàng nghìn cơ thể sống khác: Đó là những kỹ sư, công nhân kỹ thuật, là chị cấp dưỡng, anh lái xe, đồng chí bảo vệ… Và cả ban giám đốc, cả những cán bộ văn phòng cần mẫn và thạo việc. Tất cả họ làm nên một sức sống mãnh liệt bên trong nhà máy lọc dầu, mà nếu từ bên ngoài nhìn vào, ta chỉ thấy một vẻ bình thản, lặng lẽ.
* Cá tính và hòa hợp
Nếu Tổng giám đốc NMLDDQ-bây giờ là Chủ tịch Hội đồng thành viên-Nguyễn Hoài Giang, sinh năm 1968, tuổi Mậu Thân, là một người trực tính, thậm chí nóng tính, thì Phó Tổng giám đốc NMLD DQ-bây giờ là Tổng giám đốc-Đinh Văn Ngọc, sinh năm 1973, tuổi Quí Sửu, lại là một chàng trai lành tính, trông hơi thư sinh, dù cũng đã từng du học và từng tham gia làm việc tại một số nhà máy lọc dầu ở châu Mỹ và Trung Đông, nghĩa là đã có kinh nghiệm và khá từng trải.
Qua ba đời Tổng giám đốc, từ ông Trương Văn Tuyến đảm nhiệm giai đoạn xây dựng nhà máy với bao nhiêu khê vất vả, tới Nguyễn Hoài Giang làm thủ lĩnh khi nhà máy đang giai đoạn chạy thử và “chạy thật” ban đầu đầy thử thách, rồi bây giờ tới Đinh Văn Ngọc-một CEO được đào tạo bài bản cho giai đoạn vận hành thương mại của nhà máy.
Cả ba Tổng giám đốc là ba cá tính khác nhau, nhưng vẫn “chịu nhau” vẫn hợp tác tốt với nhau trong công việc. Ba người đứng đầu ba giai đoạn của nhà máy lọc dầu đều rất hợp lý, và cá tính của họ cũng tỏ ra tương thích với ba giai đoạn khác nhau ấy.
Tôi để ý, với những kỹ sư, cán bộ ở nhà máy lọc dầu mà tôi quen, “mỗi người là một người” như nhà thơ-nhạc sĩ Văn Cao đã nói- nhưng họ sống thật với cá tính của mình, với bản thân mình. Đó là điều tốt. Vì ở một nhà máy khổng lồ như thế này, sự thiếu cá tính, thiếu trung thực, thiếu sắc sảo hay thiếu quyết đoán phải bị coi là một khiếm khuyết lớn. Tự tin và bản lĩnh được trui rèn trong thực tế điều hành và vận hành nhà máy, và đó là thứ của cải “nhà giồng được” phải đem dùng hàng ngày, chứ không thể là “của để dành”.
Nhưng, càng cá tính, càng quyết đoán, thì lại càng biết sống hòa hợp với đồng nghiệp, với cấp trên, cấp dưới, với cả cái nhà máy khổng lồ tưởng như chỉ toàn sắt thép và… dầu này. Tôi đã gặp những con người cá tính, hòa hợp và trung thực như thế ở NMLDDQ, những phẩm chất khiến họ xứng đáng đứng trong hàng ngũ những người lao động điều hành và vận hành nhà máy.
Con người là con người, chứ không phải là “ốc vít” trong cỗ máy như ngày xưa chúng tôi đã phải học. Chính những con người rất khác nhau ấy đã làm nên một sinh thể sống động là nhà máy lọc dầu. Làm sao tính được nhà máy này có bao nhiêu chi tiết, bao nhiêu "ốc vít”, nhưng có thể tính ngay được nhà máy này có bao nhiêu con người, thậm chí, có bao nhiêu con người xuất sắc.
* Hơn cả 3 tỉ USD
Những người phản biện về sự cần thiết của NMLDDQ đã tính “lời, lỗ” trên 3 tỉ USD vốn xây dựng nhà máy và họ cho việc đặt NMLD tại Dung Quất là không đúng chỗ. Nhưng đây là nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam, với tất cả những được và mất của một nhà máy đi tiên phong trong công nghiệp lọc hóa dầu. Nên khi tính lỗ lãi, nếu chỉ tính cái “thân xác” nhà máy và sản lượng xăng dầu sản xuất được thì quả là còn thiếu sót rất nhiều.
Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Ảnh TL |
Cái thiếu lớn nhất, lại là cái được lớn nhất khi xây dựng NMLDDQ, chính là cái được từ hơn 1.000 kỹ sư, công nhân kỹ thuật đã và đang làm chủ kỹ thuật ở một lĩnh vực công nghiệp hoàn toàn mới này của Việt Nam. Hơn 1.000 con người đang làm chủ nhà máy lọc dầu ấy còn đáng giá hơn chính cái nhà máy lọc dầu ấy rất nhiều.
Rồi trong tương lai gần, Việt Nam sẽ có nhà máy lọc dầu thứ 2, thứ 3… Lúc ấy, chúng ta mới nhận thấy hết sự quý báu của “nguồn nhân lực chất lượng cao” từ NMLDDQ, từ kỹ sư tới công nhân, từ nhân viên tới lãnh đạo. Tư duy công nghiệp lớn đang bắt đầu từ đây sẽ là thứ tư duy mà Việt Nam rất cần cho sự phát triển đất nước. Tôi đánh giá đó là cái được lớn nhất của NMLDDQ, chỉ sau vài ba năm nữa.
Trong những dịp tình cờ ngồi chơi và trò chuyện với một số kỹ sư, cán bộ hay nhân viên của NMLDDQ, tôi nhận thấy họ là những người cầu tiến, ham học hỏi. Một anh chàng kỹ sư, tên Minh, từng du học ngành lọc dầu ở Rumani, khi kể cho tôi nghe về xuất xứ và quy trình sản xuất… rượu vang ở Châu Âu và Châu Mỹ (chứ không phải sản xuất xăng dầu), đã tỏ ra am hiểu lĩnh vực này tới mức tôi phải kinh ngạc. Vì bản thân cũng ham thích và tìm hiểu về… rượu vang, nên những hiểu biết của Minh về loại rượu này đã làm tôi… say, trước khi có thể say vì… rượu. Với người trẻ, những hiểu biết dù về lĩnh vực nào cũng là cần thiết. Nhưng ở Minh, tôi thấy chàng trai này khi tìm hiểu về cái gì là phăng tới tận gốc, hiểu một cách rành rẽ, có kiến thức hẳn hoi. Đó là điều thật đáng quí ở những người trẻ tại NMLDDQ.
Sự hiểu biết thấu đáo, học ra học, làm ra làm, và… chơi ra chơi của họ chính là động lực cho sự phát triển nhà máy. Làm sao tính được, những kỹ sư trẻ có học thức, có say mê, có tinh thần dân chủ như thế đáng giá bao nhiêu? Không chỉ là đáng giá với nhà máy lọc dầu, mà đáng giá với xã hội, với sự phát triển của đất nước ở hiện tại và nhất là trong tương lai.