(QNg)- Năm 2012 đánh dấu 5 năm Việt Nam gia nhập WTO. Đây là quãng thời gian Việt Nam nói chung và Quảng Ngãi nói riêng đã đạt những bước phát triển mạnh mẽ về kinh tế đối ngoại.
TIN LIÊN QUAN |
---|
5 năm qua, Quảng Ngãi đã chủ động đẩy mạnh các hoạt động để tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế (KTQT). Trong đó, hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế được duy trì, mở rộng và ngày càng có hiệu quả. Ngoại giao kinh tế được xem là lĩnh vực ưu tiên hàng đầu của công tác đối ngoại. Với các mục tiêu ngày càng cụ thể, thiết thực, bằng nhiều biện pháp hiệu quả, công tác ngoại giao kinh tế tại Quảng Ngãi đã dần đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi để mở rộng mối quan hệ hợp tác với các đơn vị, nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử Foster Quảng Ngãi đi vào hoạt động không chỉ giải quyết một lượng lao động lớn mà còn mở ra cơ hội thu hút thêm nhiều nhà đầu tư Nhật Bản. |
Trong 5 năm qua, Quảng Ngãi đã tiếp 666 đoàn khách nước ngoài đến thăm, làm việc, tìm hiểu cơ hội đầu tư. Trong đó, có 35 đoàn các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam đến Quảng Ngãi. Quảng Ngãi cũng đã chủ động cử các đoàn đại biểu tỉnh đi thăm, làm việc và xúc tiến đầu tư ở nước ngoài để vừa kêu gọi đầu tư, vừa tạo điều kiện để các doanh nghiệp ở tỉnh Quảng Ngãi vươn ra thế giới. Ông Trương Quang Tưởng-Giám đốc Sở Ngoại vụ cho biết, trong những năm qua, Quảng Ngãi đã triển khai các hoạt động đối ngoại đồng bộ, toàn diện để góp phần phát triển kinh tế-xã hội, hội nhập KTQT. Các địa phương phối hợp tốt công tác thông tin thông qua các kênh đoàn ra, đoàn vào, tuyên truyền quảng bá thế mạnh của địa phương nâng cao xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại cho tỉnh Quảng Ngãi.
Để hội nhập thành công, tỉnh Quảng Ngãi đã có nhiều chính sách, giải pháp khơi dậy nguồn nội lực, tranh thủ nguồn lực từ bên ngoài để huy động vốn cho đầu tư phát triển. Môi trường đầu tư được cải thiện, thủ tục hành chính được cải cách theo hướng minh bạch, thông thoáng, khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào Quảng Ngãi. Nhờ vậy, môi trường đầu tư ngày càng thuận lợi, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2011 của Quảng Ngãi đã vươn lên xếp vị trí thứ 18/63 tỉnh, thành và đứng thứ 5 so với các tỉnh duyên hải miền Trung. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân ở tỉnh Quảng Ngãi hơn 14%/năm.
Sau 5 năm hội nhập KTQT, Quảng Ngãi đã đạt một số kết quả ấn tượng. Nếu như năm 2007, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh chỉ đạt 58 triệu USD thì đến năm 2012 tăng lên hơn 350 triệu USD. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Quảng Ngãi tăng mạnh. Tính đến nay đã có 24 dự án FDI với tổng vốn gần 4 tỷ USD. Một số dự án có quy mô lớn như Nhà máy công nghiệp nặng Doosan (vốn đầu tư 300 triệu USD). Mới đây nhất, Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử Foster tại Quảng Ngãi đã đi vào hoạt động. Đây là nhà máy đầu tiên của Nhật Bản đầu tư vào Quảng Ngãi, giải quyết 4.000 lao động vào cuối năm 2012. Đây là tín hiệu vui trong thời kỳ chủ động hội nhập hiện nay.
Trong quá trình hội nhập, một số ngành sản xuất đã rút ra những bài học quý báu cho sự phát triển. Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi là một ví dụ. Mặc dù chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, thế nhưng, liên tục trong những năm qua, đơn vị này kinh doanh luôn đạt hiệu quả. Doanh thu hằng năm của Công ty tăng trưởng hơn 30%. Năm 2012 này, doanh thu ước đạt 5.000 tỷ đồng.
Dự án FDI Doosan Vina (Hàn Quốc) là một điểm sáng trong việc thu hút đầu tư. |
Ông Võ Thành Đàng-Tổng Giám đốc Công ty CP Đường Quảng Ngãi cho hay, để chủ động hội nhập WTO, chủ trương của Đảng và Nhà nước tái cấu trúc nền kinh tế, trong đó có tái cấu trúc ngành đường Việt Nam. Đến năm 2009 quyết định của Chính phủ cổ phần hóa 100%, để phát triển tăng năng suất, đồng thời kết hợp phát triển, thay đổi công nghệ, mở rộng thị trường trong nước và ngoài nước để doanh nghiệp phát triển. Ngoài việc tập trung vào lĩnh vực cốt lõi với những ngành nghề mà công ty có thế mạnh là lĩnh vực chế biến thực phẩm, từ ngày cổ phần hóa, công ty đã đưa ra chính sách tạo sự đồng thuận, tạo môi trường để người lao động năng động, sáng tạo, qua đó đưa năng suất tăng cao.
Gia nhập WTO đã tạo cơ hội lớn cho doanh nghiệp, nhưng thách thức cũng không ít. Đối với ngành chế biến gỗ xuất khẩu, chỉ một năm sau khi gia nhập WTO phải chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, xuất phát từ Mỹ và Châu Âu. Trong khi đó, đây lại là thị trường lớn của nhiều doanh nghiệp kinh doanh các mặt hàng gỗ xuất khẩu ở Quảng Ngãi. Ngoài ra, khi gia nhập WTO, doanh nghiệp Quảng Ngãi buộc phải cạnh tranh với các nước Trung Quốc, Đài Loan, Inđônêsia... Để tồn tại và phát triển, buộc các doanh nghiệp phải thay đổi chiến lược kinh doanh, cải tiến trang thiết bị máy móc, năng động hơn trong tiếp cận thị trường.
Để công tác hội nhập KTQT phát huy được vai trò tích cực và chủ động hơn trong bối cảnh mới, Quảng Ngãi tập trung đổi mới toàn diện và mạnh mẽ cơ cấu kinh tế ngành, kinh tế vùng và các thành phần kinh tế. Trong đó, tập trung thực hiện tốt 3 khâu đột phá là phát triển công nghiệp, phát triển nguồn nhân lực và phát triển đô thị để tạo động lực phát triển. Ông Nguyễn Xuân Thủy - Giám đốc Sở Công thương cho biết, hội nhập vừa qua là hội nhập kinh tế nhưng giờ mở rộng hơn một bước. Do vậy công tác chuẩn bị của chúng ta vừa khẩn trương hơn mà còn có chiến lược. Chiến lược đó là bám sát vào 3 khâu đột phá của tỉnh, tiếp tục đầu tư cho sự phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và giảm nghèo với miền núi; chú trọng nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm.
Bài, ảnh: PV