(QNg)- Chưa khi nào dịch cúm gia cầm H5N1 lại bùng phát và lây lan ra diện rộng như hiện nay. Nguyên nhân khiến cho dịch bùng phát là do việc chăn nuôi hiện nay còn thiếu tính bền vững, gia cầm chưa được tiêm phòng, nhiều nông dân vẫn còn tập quán cho vịt chạy đồng.
Theo thống kê của Chi cục Thú y Quảng Ngãi, từ trung tuần tháng 8/2012 đến nay, dịch cúm gia cầm đã bùng phát ở 87 hộ dân thuộc 52 thôn, 34 xã, 8 huyện, thành phố. Tổng số gia cầm mắc bệnh và tiêu hủy là khoảng 126.000 con. Đến nay, toàn tỉnh vẫn còn 14 thôn, 10 xã của 6 huyện là Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Mộ Đức, Sơn Hà và Trà Bồng có ổ dịch chưa qua 21 ngày.
Có thể nói, chưa có năm nào dịch cúm gia cầm lại bùng phát và lây lan trên diện rộng như hiện nay. Không chỉ ở các huyện đồng bằng có ổ dịch mà còn lây lan ra các huyện miền núi như Sơn Hà, Trà Bồng. Dịch bệnh đã khiến cho nhiều hộ gia đình bỗng chốc trắng tay, lâm vào cảnh nợ nần. Ông Võ Đệ ở thôn An Điền, xã Nghĩa Điền (Tư Nghĩa) nuôi 1.200 con vịt 40 ngày tuổi. Sau khi phát sinh dịch bệnh, toàn bộ đã được chính quyền địa phương tiêu hủy. Thế là gia đình đã mất trắng khoảng kinh phí 40 triệu đồng, hiện ông Đệä vẫn còn nợ khoảng 20 triệu đồng tiền thức ăn, con giống.
Nguyên nhân dịch cúm gia cầm lan ra diện rộng là do thời tiết bất lợi, trong khi đó đây lại là thời điểm nông dân cho vịt chạy đồng ngay sau khi thu hoạch vụ lúa hè thu nên khiến dịch bệnh lây lan nhanh. Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa nhất vẫn là công tác tiêm phòng. Bởi toàn bộ đàn gia cầm của tỉnh trong năm 2011-2012 không được tiêm phòng vắc xin. Trong năm 2011, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã dừng tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm ở một số tỉnh miền Trung, trong đó có Quảng Ngãi, do vi rút trên đàn gia cầm đã biến chủng. Chỉ tiêm phòng khi phát sinh ổ dịch. Đây cũng chính là khó khăn đối với lực lượng thú y và chính quyền các địa phương trong công tác phòng chống dịch.
Ông Nguyễn Đình Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Quảng Ngãi cho biết: "Khó khăn nhất trong công tác phòng chống dịch cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh là công tác tiêm phòng, bởi vì vi rút biến chủng nên tiêm phòng hiệu quả không cao, chính vì vậy khi có dịch Trung ương mới cấp vắc xin để chống dịch".
Bất cập hiện nay là các nhà khoa học chưa thống nhất có nên tiêm phòng triệt để cho đàn gia cầm hay không và tiêm phòng loại vắcxin gì. Bởi những chủng vi rút cũ xảy ra ở tỉnh Quảng Ngãi trước đây cũng như ở các tỉnh miền Trung là khi sử dụng loại vắcxin bây giờ chỉ bảo hộ được 70%. Như vậy, khi chỉ bảo hộ được 70% thì 30% còn lại vẫn xảy ra dịch bệnh. Nhưng đến thời điểm này vẫn chưa có kết luận rõ ràng về điều này. Tuy nhiên, theo một số hộ nông dân thì để chăn nuôi ổn định thì trước hết phải tiêm phòng vắc xin đại trà.
Ông Đào Minh Hường, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho rằng: "Nếu như tuân thủ một quy trình chăn nuôi được kiểm soát từ cái trứng giống đến con gia cầm được đem vào ấp có địa chỉ và được giám sát dịch bệnh cho đến khi con gia cầm thành phẩm thì tôi nghĩ rằng độ an toàn trên 90%. Bằng chứng là nhiều trại chăn nuôi gà công nghiệp ở Quảng Ngãi với quy mô hàng chục ngàn con vẫn an toàn, trong khi đó hàng chục hộ nông dân nuôi vịt chạy đồng lại phát sinh dịch bệnh" - ông Hường nói.
Thực tế thời gian qua, tất cả những trang trại chăn nuôi quy mô lớn ở tỉnh, áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn, khép kín đều tránh được các "cơn bão" của dịch bệnh. Tuy nhiên, trong điều kiện kinh tế của nông dân còn nhiều khó khăn về nguồn vốn thì Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho nông dân. Song, trước hết phải có giải pháp hỗ trợ vắc xin việc tiêm phòng đại trà cho nông dân, tuyên truyền vận động nông dân cần chăn nuôi tập trung, tránh tình trạng chăn nuôi chạy đồng như thời gian vừa qua.
Quang Huy