Các huyện miền núi "chăm lo" cho đàn gia súc

10:11, 13/11/2012
.

(QNg)- Mùa đông về, ở vùng cao thời tiết thường hay rét lạnh. Để bảo vệ đàn gia súc, ngay từ những ngày đầu mùa mưa, các ngành chức năng đã tổ chức tiêm phòng, tiêu độc khử trùng  chuồng trại và vận động bà con thực hiện nhiều biện pháp để phòng tránh các loại dịch bệnh, chống đói rét cho gia súc...

Ba Tơ  phòng chống bệnh  cho gia súc


Ông Hồ Thanh Hương - Cán bộ thú y xã Ba Động, cho biết: Mấy ngày nay phải đi tiêm thuốc cho gia súc liên tục. Có khi phải bỏ cơm trưa, bởi không đi kịp là gia súc mắc bệnh nặng dễ dẫn đến chết làm thiệt hại lợi ích kinh tế của bà con.

Cán bộ thú y huyện Ba Tơ tăng cường công tác tiêm phòng bệnh cho đàn gia súc.
Cán bộ thú y huyện Ba Tơ tăng cường công tác tiêm phòng bệnh cho đàn gia súc.


Mỗi điểm đến tiêm phòng cán bộ thú y còn hướng dẫn bà con cách phát hiện các triệu chứng của các loại bệnh để kịp thời báo  cho cán bộ thú y điều trị hạn chế thiệt hại. Ngoài ra, họ còn tư vấn cho người chăn nuôi tiêm phòng các loại bệnh khác (ngoài các loại vắc xin hỗ trợ của Nhà nước) để tránh dịch bệnh xảy ra.

Ở các xã Ba Liên, Ba Cung, Ba Dinh, công tác tiêm phòng dịch bệnh cho đàn gia súc cũng được triển khai nhanh chóng. Người chăn nuôi đã ý thức được bảo vệ đàn gia súc trong mùa lạnh. Bên cạnh chăn nuôi nhốt chuồng để cán bộ thú y dễ dàng đến tiêm phòng đúng kỳ hạn, thì ở các vườn nhà, bà con đã biết trồng cỏ, chất rơm rạ làm thức ăn dự dữ cho đàn gia súc trong mùa lạnh.

Ông Ngô Vũ Tường - Trưởng Trạm Thú y huyện Ba Tơ, cho biết: Thời điểm giao mùa giữa thu sang đông, nhất là trong vụ đông xuân, thời tiết diễn biến phức tạp kết hợp với mưa phùn gió bấc, nhiệt độ xuống thấp sẽ làm ảnh hưởng đến sức đề kháng của đàn gia súc. Nếu công tác phòng, chống rét không đảm bảo, đàn gia súc bị nhiễm lạnh sẽ dễ mắc các bệnh như tiêu chảy, lở mồm long móng, dịch tả...

Ngay từ đầu tháng 4 đến tháng 7, Trạm thú y huyện Ba Tơ đã chỉ đạo cán bộ thú y cơ sở triển khai tiêm phòng các loại bệnh thường xảy ra trong mùa đông. Theo đó, có 31.000 con trâu, bò được tiêm phòng bệnh tụ huyết trùng, phó thương hàn, 30.900 con lợn được tiêm phòng thêm vắc xin dịch tả.

Hiện nay, cán bộ thú y huyện Ba Tơ đang triển khai tiêm phòng bệnh  lở mồm long móng đợt 2 cho 20.600 con gia súc, đạt 75%  tổng đàn; đã tiêm phòng bệnh dịch tả đợt hai cho 23.000 con lợn. Trạm cũng phân bổ 640 lít hóa chất cho các địa phương tiến hành phun hóa chất tiêu độc khử trùng ở các chuồng trại chăn nuôi.

Ngoài ra, ngành thú y huyện Ba Tơ còn phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn, vận động người chăn nuôi tăng cường kiểm tra, giám sát phát hiện sớm dịch bệnh để kịp thời xử lý, đảm bảo an toàn cho người chăn nuôi, hạn chế đến mức thấp nhất các thiệt hại về kinh tế do dịch bệnh gây ra.

Sơn Hà phòng chống đói rét cho gia súc

 "Trâu bò của mình, mình phải chăm sóc. Mùa mưa để chúng chết vì đói, lạnh lấy tiền đâu lo cho con cái ăn học, thoát nghèo". Đó là câu nói mở đầu câu chuyện của anh Đinh Kà Rể ở thôn Làng Bồ, xã Sơn Trung khi nói về việc dự trữ rơm của mình. Anh Rể cho hay: "Ngày trước mình không biết dùng rơm để dành cho trâu ăn như bây giờ đâu. Trâu lại được thả ăn trên núi, nên chúng thường bị lạnh, bị đói, không chịu nổi lăn ra chết. Nhờ cán bộ tới nhà hướng dẫn, tui xây chuồng kiên cố, rồi đập lúa, lấy rơm rạ làm thức ăn cho trâu. Giờ có dư rơm khô trong mùa mưa này nên tui không lo trâu chết đói nữa".  Không những thế, anh Rể còn là thành viên tích cực hướng dẫn bà con nông dân xung quanh làm theo. Vì thế ở thôn Làng Bồ này nhà nào chăn nuôi trâu, bò cũng có cây rơm to để dành làm thức ăn cho đàn gia súc.

 Giải thích cho sự chuẩn bị chu đáo bảo vệ đàn gia súc của các chủ hộ chăn nuôi trong xã, ông Đinh Văn Biểu- Chủ tịch Hội Nông dân xã Sơn Trung cho biết: Cách đây 5 năm về trước bà con thường chăn nuôi theo kiểu thả rông quanh năm, nhốt chuồng không có mái che, thức ăn thì dựa vào nguồn cỏ mọc tự nhiên trên rừng, đồi. Cứ đến mùa mưa, lạnh là trâu, bò ở xã chết với số lượng lớn.

 

Thế nhưng, nhờ mô hình thu gom rơm rạ dự trữ làm nguồn thức ăn cho đàn gia súc trong mùa mưa được triển khai từ năm 2005 đến nay đã hạn chế được tình trạng trâu, bò chết đói trong mùa mưa. Lúc đầu triển khai mô hình bà con chưa chịu lắng nghe. Nhờ cán bộ khuyến nông huyện phối hợp với chính quyền địa phương, các hội đoàn thể vận động các già làng uy tín làm gương, giải thích, bà con đã hiểu ý nghĩa của việc dự trữ nguồn thức ăn trong chăn nuôi. Nhờ vậy, đến nay các hộ chăn nuôi trên địa bàn xã đã chủ động dự trữ số lượng gần 600 cây rơm và trồng hơn 2 ha cỏ VA06.

Không chỉ ở xã Sơn Trung mà mô hình cũng đã được triển khai tại hầu hết 14 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Sơn Hà. Theo thống kê của Hội Nông dân huyện Sơn Hà, đến thời điểm này có trên 90% hộ chăn nuôi trâu, bò trong huyện đã  "trồng" cây rơm, với số lượng hơn 16 nghìn cây, có gia đình dự trữ  2-3 cây rơm. Hiện tại, tổng đàn gia súc trong toàn huyện Sơn Hà là 77.800 con. Trong đó, đàn trâu hơn 12.700 con và bò trên 27.000 con.

 

Chính vì vậy, việc huyện miền núi Sơn Hà nỗ lực duy trì, phát triển mô hình dự trữ rơm rạ, trồng cỏ… tạo nguồn thức ăn cho trâu, bò trong mùa mưa đã góp phần rất lớn trong việc giảm thiệt hại kinh tế, hạn chế được tình trạng gia súc chết vì đói, lạnh. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân địa phương phát triển chăn nuôi, vươn lên phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo.


           Mai Hạ - Kim Ngân
 


.