(QNg)- Quyết định 48 của Chính phủ ra đời đã đem lại niềm hi vọng và là nguồn động lực giúp ngư dân vươn khơi xa. Tuy nhiên, do một số điểm trong quyết định chưa rõ ràng dẫn đến việc chia tiền hỗ trợ giữa chủ tàu và các thuyền viên ở Bình Châu (Bình Sơn) có dấu hiệu thiếu công bằng, gây bức xúc trong ngư dân.
Chủ tàu "cắt xén" tiền hỗ trợ?
Đến thời điểm hiện nay, ở xã Bình Châu có khoảng 30/110 chủ tàu được nhận tiền hỗ trợ theo Quyết định 48 của Chính phủ. Trong đó có gần 60 thuyền viên đi bạn cho một số tàu trên tỏ ra bức xúc trước việc chủ tàu không chia tiền hỗ trợ hoặc chia không thỏa đáng. Ngư dân Đỗ Bị (58 tuổi), thôn Định Tân, xã Bình Châu cho biết: Tháng 9/2011 ông bắt đầu đi bạn cho tàu ông Đỗ Văn Quy, ở cùng thôn. Từ đó đến nay ông cùng tàu ông Quy tham gia đánh bắt liên tiếp 6 chuyến biển. Thế nhưng khi ông Quy nhận 75 triệu đồng tiền hỗ trợ cho 3 chuyến biển thì chỉ chia cho ông 1 triệu đồng nhưng không hề nói đây là tiền hỗ trợ xăng dầu. "Hằng ngày, sau khi đánh bắt cho chủ tàu xong, tôi còn tranh thủ ban đêm đi câu cá kiếm thêm thu nhập. Khi chủ tàu nhận được tiền hỗ trợ, chúng tôi cứ nghĩ sẽ có thêm một khoản tiền để lo cho gia đình, nào ngờ..."- ông Bị, thổ lộ.
Ngư dân bức xúc giải trình với phóng viên. |
Ngoài ra, hàng chục thuyền viên tham gia đánh bắt cho 7 chủ tàu khác ở xã Bình Châu cũng có đơn khiếu nại về vấn đề này. Trao đổi với chúng tôi, anh Võ Văn Ánh (43 tuổi), ở thôn Định Tân cho biết: Từ tháng 10/2011, anh đi bạn cho chủ tàu Trần Trung. Tàu lưới cá chuồng của ông Trung thường đánh bắt ở khu vực Hoàng Sa và Trường Sa. Một năm có 6 chuyến biển, mỗi chuyến kéo dài từ 17- 25 ngày. Theo anh Ánh, khi tham gia đi bạn cho bất kể chủ tàu nào, mỗi thuyền viên phải "đầu tư" 50 tấm lưới với giá 20 - 25 triệu đồng. Sau mỗi chuyến biển về, thuyền viên có trách nhiệm vá lại nếu lưới bị hỏng hoặc mua thêm nếu lưới bị mất. Sau khi đánh bắt về, số tiền thu được sau khi trừ chi phí (gồm tiền xăng dầu, thức ăn, đá lạnh... tổng cộng khoảng 70 - 80 triệu đồng/chuyến biển), số tiền còn lại được chia làm 3 phần.
Trong đó, chủ tàu 1 phần, 1 phần cho thuyền viên (tàu ông Trung có 8 thuyền viên) và 1 phần tiền lưới. Đó được xem là tỉ lệ ăn chia chung của ngư dân Bình Châu. Sau 1 năm đánh bắt trên tàu của ông Trung, anh Ánh được chia khoảng 14 triệu đồng tiền lưới và 20 triệu đồng tiền đi bạn. Sau khi trừ chi phí tiền mua lưới và tiền vá lưới thì chẳng còn được bao nhiêu. Thường thì khoảng sau 3 năm đánh bắt, ngư dân mới lấy lại được tiền lưới. "Khi nghe chủ tàu nhận tiền hỗ trợ xăng dầu của Chính phủ, chúng tôi rất vui vì có thêm một khoản thu nhập để trang trải cho mùa biển động. Nhưng rồi chủ tàu chỉ chi 1,5 triệu đồng cho 6 chuyến biển ròng"- anh Ánh bức xúc.
Thuyền viên Nguyễn Văn Tịnh (40 tuổi) cũng cùng cảnh ngộ như thế. 2 năm qua anh đi bạn cho chủ tàu Phạm Hồng Vũ (tàu QNg 90242). Vì hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn nên anh Tịnh chỉ đi bạn, chứ không đầu tư lưới. Khi nghe chủ tàu nhận 90 triệu đồng tiền hỗ trợ xăng dầu, anh đã đến hỏi thì ông Vũ nói "họ sao tôi vậy". Tức là ông Vũ sẽ chia theo các chủ tàu khác (từ 1- 2 triệu đồng/thuyền viên).
"Bà con ngư dân vốn nghèo, giờ tiền hỗ trợ cũng bị "cắt xén" nên chúng tôi rất bức xúc. Ngày 20/9/2012, UBND xã có mời bà con và chủ tàu lên giải quyết. Ông Nguyễn Thanh Hùng- Phó Chủ tịch UBND xã yêu cầu trong 10 ngày đến, 8 chủ tàu phải chia tiền hỗ trợ cho anh em bạn, nhưng đến nay các chủ tàu vẫn chưa thực hiện"- ông Tịnh nói.
Đâu là nguyên nhân?
Anh Vũ Văn Quy (38 tuổi), chủ tàu QNg 90165, công suất 230CV, cho biết, khoảng tháng 2- 3/2012 anh mới mua con chíp định vị nên năm 2012 anh chỉ được hỗ trợ 3 chuyến biển với số tiền 75 triệu đồng. "Vì tôi nghĩ tiền hỗ trợ là của chủ tàu nên tôi không chia mà chỉ hỗ trợ cho anh em bạn mỗi người từ 500.000 đồng đến 2 triệu đồng. Những thuyền viên "chung thủy", tức là đi cả năm và có đầu tư lưới thì được hỗ trợ 2 triệu đồng. Những người không có lưới thì được 1,5 triệu đồng.
Riêng đối với những bạn chỉ đi một vài chuyến biển thì chỉ được 500.000 đồng đến 1 triệu đồng"- anh Quy nói. Cũng theo anh Quy, nguyên nhân không thể chia tiền hỗ trợ thành 3 phần như cách ăn chia sau chuyến biển về là vì phí tổn thì đánh đồng nhưng khi tàu lỗ tổn thì bạn bỏ đi nên chủ tàu phải chịu thua lỗ. Hay khi gặp nạn trên biển thì chỉ chủ tàu chịu tổn thất. Chẳng hạn như năm 2009, tàu anh bị chết máy khi đang đánh bắt ngoài biển Đông, anh đã phải bỏ ra hơn 40 triệu đồng để thuê 2 tàu khác kéo vào. Còn bạn thì không ai chịu trách nhiệm về những tổn thất này.
Còn anh Dương Văn Nam (50 tuổi) cũng ở thôn Định Tân, là chủ tàu QNg 90104, công suất 220CV thì lại lý giải: Chính phủ không quy định cụ thể việc "ăn chia" giữa chủ tàu và thuyền viên nên chúng tôi chỉ chia cho bạn đi ròng (đi cả năm) 3- 4 triệu đồng/người. Còn những người chỉ đi vài chuyến biển rồi bỏ qua tàu khác thì chỉ nhận 1- 2 triệu đồng.
Ông Nguyễn Thanh Hùng- Phó Chủ tịch UBND xã lý giải: Tại điểm d, Quyết định 48 của Chính phủ quy định đối tượng được hỗ trợ gồm chủ tàu và thuyền viên. Trên cơ sở đó, UBND xã đã hướng dẫn cho ngư dân. Tuy nhiên, quy định này là giao việc ăn chia cho chủ tàu và không nêu cụ thể cách "ăn chia" như thế nào dẫn đến việc "ăn chia" không thỏa mãn đôi bên. Hơn nữa, khi chia tiền hỗ trợ, chủ tàu không giải trình cụ thể mà một số chủ tàu chỉ nói là "tiền cho". Một số chủ tàu còn thách thức với thuyền viên nên mới gây bức xúc trong ngư dân. Bên cạnh đó, do đặc thù của việc làm ăn trên biển nên cách "ăn chia" cũng khó khăn.
Vì vậy, việc chủ tàu chia sòng phẳng cho những thuyền viên đánh bắt quanh năm là hợp lý. "Sắp tới UBND xã sẽ mời từng chủ tàu và các thuyền viên đến làm việc để giải quyết dứt điểm vấn đề trên. Mặt khác, Chính phủ cũng cần có quy định cụ thể về công thức chia tiền hỗ trợ theo Quyết định 48 cho từng tàu với công suất cụ thể, nhằm tránh tình trạng như hiện nay"- ông Hùng nói.
Ông Phan Huy Hoàng- PGĐ Sở NN&PTNT, kiêm Chủ tịch Hội nghề cá tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Quyết định 48 không quy định cụ thể tỉ lệ chia tiền hỗ trợ cho chủ tàu và thuyền viên. Đây là khoản hỗ trợ một phần chi phí sản xuất khai thác hải sản trên các vùng biển xa. Mà chi phí sản xuất (tiền xăng dầu, thức ăn, đá lạnh... - PV) cả chủ tàu và thuyền viên cùng chịu. Vì vậy, kinh phí hỗ trợ đó phải chia cho các thuyền viên.
Bài, ảnh: TP