Sơn Tây được mùa cau

04:10, 31/10/2012
.

(QNg)- Cau Sơn Tây sau nhiều năm trượt giá, giờ đây đang dần lấy lại được "vị thế". Vụ mùa này, người dân Sơn Tây có thêm nguồn thu nhập đáng kể, các tiểu thương cũng thu về một khoảng lợi nhuận khá cao.   


Cứ đến tháng 9 hằng năm, người dân bắt đầu thu hoạch lứa cau đầu tiên. Khác với những năm trước, vụ cau năm nay ở huyện Sơn Tây đã nhộn nhịp hẳn lên vì thương lái từ khắp nơi kéo về đây để thu mua cau. Năm nay, người dân vui mừng vì cau được giá hơn những năm trước: Cau tươi có giá từ 4.000 đồng đến 5.000 đồng/kg. Với giá thu mua này, người dân đã có thêm nguồn thu nhập kha khá, đảm bảo việc trang trải cuộc sống gia đình, nhất là trong mùa mưa, bão.

 

Công nhân đang phân loại cau khô tại lò cau của chị Ánh.
Công nhân đang phân loại cau khô tại lò cau của chị Ánh.


Một số người dân Ca Dong ở xã Sơn Dung cho biết, năm nay thời tiết thuận lợi, cau trổ buồng nhanh và cho số lượng quả cao. Không bỏ phí chút thời gian nào, chị Đinh Thị Thôi - người dân ở xã Sơn Dung (Sơn Tây) đã dậy từ rất sớm, mang theo những vật dụng cần thiết lên rừng của mình để thu hoạch cau. Chỉ mới nửa buổi, chị đã hái được khoảng 30 - 40kg cau. Chị Thôi phấn khởi chia sẻ: "Nhờ năm nay cau được giá nên tôi có thêm thu nhập, trung bình một ngày bán được 200.000 đồng đến 250.000 đồng, mua thêm gạo, mắm cho gia đình".

Ở huyện Sơn Tây có gần 40 lò sấy cau lớn nhỏ, rải rác ở 9 xã trong huyện, lò nào cũng đầy ắp cau. Chị Nguyễn Thị Kim Ánh, một chủ lò luộc cau lớn ở xã Sơn Dung, trung bình mỗi ngày thu mua khoảng 3 - 4 tấn cau tươi. Có lúc, gần 100 bếp sấy của lò phải hoạt động hết công suất mới tiêu thụ hết số cau. Chị Ánh cho biết: "Gia đình tôi làm nghề này đã hơn 10 năm nay. Mùa cau năm nay tôi đã xuất hàng chục tấn cau khô thành phẩm sang Trung Quốc, trừ chi phí tôi còn lãi gần 600 triệu đồng".

Từ lúc thu mua cau tươi đến khi cho ra được cau khô thành phẩm phải mất 7 ngày, qua nhiều công đoạn: Luộc chín rồi sấy khô, phân loại rồi dồn bao dự trữ đến khi đủ số lượng sẽ vận chuyển bán sang Trung Quốc. Quá trình này mất rất nhiều công sức. Chị Ánh đã thuê và giải quyết việc làm cho hàng chục  lao động tại chỗ, với mức lương trung bình 3 triệu đồng/người/tháng. Chị Ánh cho biết thêm: "Cau Sơn Tây năm nay được mùa, tôi thu mua nhiều nhưng cũng gặp không ít khó khăn. Thị trường Trung Quốc rất bấp bênh. Lời hay lỗ cũng nhờ may rủi".

Mùa cau năm nay được giá, đó là điều đáng mừng cho người trồng cau ở Sơn Tây. Tuy nhiên, để duy trì được giá cả ổn định, huyện Sơn Tây cần có những giải pháp tìm đầu ra cho sản phẩm cau, để người dân yên tâm bám đất, bám rừng, vươn lên thoát nghèo một cách bền vững.


Bài, ảnh: Thiên Bảo
 


.