(QNg)- Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, ông Đặng Tấn Long ở đội 6 thôn Kim Lộc, xã Tịnh Châu (Sơn Tịnh) luôn chăm chỉ làm ăn thế nhưng cuộc sống gia đình vẫn không thể khá lên được. Khi biết được ở huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) có mô hình nuôi chim bồ câu Pháp hiệu quả kinh tế cao, ông quyết định học hỏi, làm theo và đã có thu nhập khá.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Ông Long kể, trước kia ông nuôi gà lấy trứng nhưng do hiệu quả kinh tế thấp vì giá cả thức ăn và chi phí khác ngày một tăng và dịch bệnh thường xuyên nên không mang lại hiệu quả kinh tế cao. Vì vậy ông không nuôi gà lấy trứng nữa mà lặn lội đi nhiều nơi để tìm hiểu cách làm ăn sao cho có hiệu quả kinh tế.
Sau một thời gian tìm hiểu trong cuộc sống và trên mạng Internet ở Câu lạc bộ Internet Hội nông dân xã Tịnh Châu, ông biết ở Đức Trọng (Lâm Đồng) có mô hình nuôi chim bồ câu Pháp hiệu quả kinh tế cao và đầu ra ổn định, ông Long tìm đến nơi để học hỏi cách chăm sóc, cách làm chuồng, biện pháp nuôi, cách thức vệ sinh chuồng trại và cách thức phòng chống dịch bệnh cho chim.
Ông Long kiểm tra chuồng trại bồ câu. |
Sau chuyến đi đó, ông Long về lại quê xây dựng chuồng trại, đến năm 2011 ông quay trở lại Lâm Đồng quyết định mua 35 cặp chim bồ câu giống đầu tiên. Sau hơn một năm, với đức tính cần cù, ham học hỏi và sự quyết tâm, giờ đây ông Long đã xây dựng một mô hình nuôi chim bồ câu khá hoàn chỉnh, với khoảng hơn 100 cặp chim bồ câu đang sinh sản. Cứ mỗi tháng, gia đình ông có 80 cặp chim bồ câu giống (mỗi cặp chim giống 200.000 đồng), thu nhập hàng tháng sau khi trừ chi phí cũng đem về cho gia đình ông 7-8 triệu đồng.
Đưa chúng tôi thăm mô hình, ông Long vui vẻ nói: Nuôi chim bồ câu cũng không khó, chỉ cần xây dựng một không gian chuồng trại thoáng mát, ánh sáng đầy đủ, sạch sẽ và cung cấp nguồn thức ăn cho chim đầy đủ. Mỗi ngày cho ăn 2 lần sáng và chiều, nguồn nước uống sạch sẽ là có thể nuôi được chim. Tổ chim bồ câu ở và sinh sản được làm từ gỗ, có lót rơm được gắn liền nhau trên các vách tường. Có một điều đặc biệt là, chim bồ câu khi đã chọn cho mình một tổ thì sẽ ở suốt đời, nên việc tranh giành tổ ở là không hề xảy ra. Còn chuyện dịch bệnh, bồ câu hay mắc bệnh cầu trùng và tụ huyết trùng, vì vậy thường xuyên cho chim uống thuốc phòng chống mỗi khi có thời tiết thay đổi.
Hiện nay, người dân các xã lân cận đến mua chim giống rất nhiều nhưng gia đình ông không đủ cung cấp. Theo ông Long, mô hình nuôi chim bồ câu này ai cũng có thể nuôi được, vì mang lại hiệu quả kinh tế cao, đầu ra ổn định, vì vậy nuôi chim bồ câu sẽ là cơ hội giúp bà con nông dân thoát nghèo và phát triển kinh tế. Chim bồ câu sinh sản rất nhanh từ chim giống đến khi đẻ trứng chưa đầy một tháng, chim ấp khoảng 20 ngày là nở. Quá trình sinh sản của chim bồ câu khá nhanh nên hiệu quả kinh tế mang lại cho người nuôi là rất rõ. Trò chuyện với chúng tôi, ông Long nói: "Làm nông khổ lắm nên phải nhạy bén thì làm ăn mới có hiệu quả".
Với mức thu nhập một năm khoảng hơn 70 triệu đồng từ nuôi chim bồ câu và chăn nuôi bò,... ông Long là một trong những nông dân sản xuất giỏi tiêu biểu của huyện Sơn Tịnh.
Tấn Tài