(QNg)- Tuần qua, ông Nguyễn Hoài Giang-Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) thông tin vui, Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã nhập tổng cộng 15 triệu tấn dầu thô, kể từ ngày đưa nhà máy đi vào hoạt động (tháng 2/2009).
TIN LIÊN QUAN |
---|
Từ nguồn dầu thô nhập về, đến hết tháng 9/2012, nhà máy đã sản xuất bán ra thị trường trên 13,4 triệu tấn sản phẩm các loại. Lượng xăng dầu cung ứng từ Dung Quất đã góp phần bình ổn thị trường trong nước.
Trong suốt quá trình hoạt động, kể từ khi đưa vào vận hành, Nhà máy lọc dầu luôn được sự chú ý, "nhất cử, nhất động" của nhà máy đều được "quan tâm" đặc biệt, thậm chí có nhiều thông tin bị thổi phồng, bóp méo, không đúng sự thật. Điều này khiến cho những người đang điều hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất "mệt" hơn khi vận hành công trình quan trọng và có quy mô đồ sộ nhất nước. Tổng Giám đốc BSR Nguyễn Hoài Giang thẳng thắn, một nhà máy lớn thì "trục trặc nhỏ là điều hết sức bình thường, không trục trặc mới là điều bất bình thường".
NMLD Dung Quất đang vận hành ổn định 100% công suất. |
Không riêng gì Nhà máy lọc dầu Dung Quất mà với bất cứ nhà máy lọc dầu khác trên thế giới đều thế. Cái khác là họ có nhiều nhà máy, trong khi chúng ta mới có nhà máy lọc dầu đầu tiên nên thu hút sự quan tâm của nhiều người. "Cái xe máy, ôtô chúng ta sử dụng hằng ngày cũng có trục trặc nữa là hệ thống nhà máy có tới hàng triệu chi tiết"- ông Giang dẫn chứng. Trong quá trình vận hành nhà máy cũng có những lúc BSR phải giảm công suất để điều chỉnh thông số kỹ thuật. Vì thế, việc cung cấp sản phẩm cho thị trường có chậm ở một số thời điểm. Tuy nhiên, trên bình diện chung Nhà máy vẫn cung cấp ổn định sản lượng sản phẩm cho các doanh nghiệp đầu mối.
Trên thực tế, từ khi khánh thành đến nay, Nhà máy mới chỉ 3 lần tạm dừng vận hành để sửa chữa, bảo dưỡng, trong đó có hai lần nằm trong kế hoạch, còn việc tạm dừng nhà máy trong vòng 1 tuần (16-23/8/2012) do khớp nối nhiệt giãn nở của đường xả khí CO của phân xưởng cracking xúc tác phát sinh lỗi kỹ thuật. Tuy nhiên, việc này đã được xử lý để Nhà máy vận hành ổn định 100% công suất. "Những trục trặc tương tự như thế vẫn phải được xử lý triệt để trước khi ta nhận bàn giao lần cuối cùng từ nhà thầu Technip vào cuối năm nay. Điều quan trọng là qua vận hành, từ các sự cố kỹ thuật, đội ngũ cán bộ, kỹ sư BSR càng ngày càng kinh nghiệm hơn, bản lĩnh hơn để đối phó, xử lý các tình huống tốt hơn"-ông Giang cho biết thêm.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động của nhà máy thì việc mở rộng, nâng công suất nhà máy có thể xem là điều kiện tiên quyết. Hiện nay, 90% lượng dầu thô cung cấp cho Nhà máy lọc dầu Dung Quất là từ các mỏ dầu trong nước như Bạch Hổ, Đại Hùng, Tê Giác..., 10% còn lại nhập từ Brunei, Malaysia, Azerbaijan... Theo các chuyên gia về dầu mỏ, dầu Bạch Hổ là một trong những loại dầu thô đắt nhất thế giới do độ lưu huỳnh thấp và đây là loại dầu nhẹ. Chính vì giá dầu thô trong nước đắt như vậy nên ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của nhà máy.
Đó chính là lý do vì sao phải khẩn trương nâng cấp công suất nhà máy. Qua mở rộng, nâng cấp, Nhà máy lọc dầu Dung Quất sẽ xử lý được lượng dầu thô ngoại nhập khác (loại dầu chua) có giá thành rẻ hơn dầu Bạch Hổ. Điều này vừa tăng khả năng cung ứng lượng xăng dầu cung cấp cho thị trường trong nước, vừa nâng cao hiệu quả dầu thô trong nước (xuất khẩu có giá trị cao hơn). Quan trọng như vậy nhưng do nguồn vốn đầu tư lớn, dự kiến khoảng 2-3 tỷ USD nên "chỉ khi nào thực hiện xong cổ phần hóa nhà máy mới tiến hành mở rộng, nâng công suất nhà máy"-ông Giang cho biết.
Bài, ảnh: Hoàng Triều