(QNg)- Với hàng chục mô hình giảm nghèo bền vững được ngành Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh triển khai ở 6 huyện miền núi trong thời gian qua đã góp phần tạo nên những đổi thay trong nếp nghĩ, cách làm ở các thôn, làng đặc biệt khó khăn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời tạo động lực cho người dân nơi đây thoát nghèo theo hướng bền vững.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Đầu năm nay, UBND tỉnh đã công bố kế hoạch triển khai thực hiện Đề án đẩy mạnh phát triển kinh tế- xã hội, phấn đấu giảm nghèo nhanh và bền vững tại 6 huyện miền núi giai đoạn 2011- 2015 và định hướng đến năm 2020. Trong đó, nhân rộng mô hình giảm nghèo là một trong những dự án quan trọng nằm trong Đề án trên. Đề án nêu rõ, ưu tiên cho các đối tượng thuộc hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số, không có điều kiện phát triển sản xuất, chưa biết cách làm ăn, chưa có kinh nghiệm áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp.
Đàn heo ky đã giúp gia đình anh Xuân vươn lên thoát nghèo. |
Năm 2009, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh đã triển khai cho một số gia đình ở huyện Ba Tơ mô hình nuôi hươu sao lấy nhung. Sau gần 3 năm triển khai, mô hình đã bắt đầu mang lại hiệu quả. Áp dụng các kiến thức được học, chị Đặng Thị Hường ở xã Ba Cung (Ba Tơ) đã khoanh 100m2 đất vườn để làm nơi chăn thả, tìm các loại thức ăn phù hợp với sở thích của hươu sao. Hiện nay, ngoài hươu được nuôi để nhân giống, chị Hường đã có 2 con hươu đực bắt đầu cho nhung từ 2 năm nay. Được biết, trung bình một con hươu đực cho nhung một năm hai lần. Với giá bán hơn 20 triệu đồng/kg nhung như hiện nay, nếu nuôi tốt, trung bình một con hươu một năm sẽ cho 1 kg nhung, tạo điều kiện cho gia đình chị vươn lên thoát nghèo. Nuôi hươu sao là mô hình tuy còn khá mới ở Quảng Ngãi, song với những thành công bước đầu thì đây là mô hình có nhiều triển vọng.
Năm 2010, tỉnh đã triển khai mô hình nuôi heo ky tại các hộ nghèo thuộc 7 xã của huyện miền núi Trà Bồng. Các hộ ban đầu được giao 2 con heo cái và 1 con heo đực để làm giống. Đến nay, hộ ông Lê Minh Xuân ở tổ 2, thị trấn Trà Xuân có đàn heo phát triển lên 15 con (sau 2 lứa đẻ), đàn heo đã mang lại thu nhập ổn định cho gia đình ông Xuân. Hiện ông đang mở rộng chuồng trại để tăng đàn, phát triển sản xuất. Không chỉ vậy, gia đình ông Xuân cũng đã chuyển giao 3 con cái và 1 con đực cho một hộ nghèo trong thôn để gây giống, tạo đàn, phát triển kinh tế cho hộ này.
Theo khảo sát của ngành Lao động-Thương binh và Xã hội, các mô hình triển khai ở 6 huyện miền núi đạt hiệu quả khá cao. Đối với người nghèo, mong muốn chung của họ là có vốn, có việc làm để tạo ra thu nhập ổn định hàng tháng. Do đó các chương trình hỗ trợ người nghèo của ngành tập trung vào những mô hình mang lại giá trị kinh tế thiết thực. Trong năm 2012, Sở LĐ – TB&XH tiếp tục triển khai, nhân rộng nhiều mô hình giảm nghèo như: mô hình nuôi thỏ sinh sản, mô hình nuôi heo Móng cái sinh sản, nuôi gà thịt trong nông hộ, sản xuất tỏi theo hướng an toàn… với kinh phí 1 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo năm 2012. Ngoài ra, từ đầu năm đến nay, đã có 26 mô hình giảm nghèo bền vững với số vốn hỗ trợ gần 2,5 tỷ đồng từ nguồn kinh phí Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a của Chính phủ đã được triển khai rộng khắp ở các huyện miền núi.
Việc xây dựng và nhân rộng các mô hình giảm nghèo phù hợp sẽ tác động, tạo ra sự thay đổi trong nhận thức của người nghèo. Qua đó giúp các hộ nghèo nắm vững một số chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phát triển nông nghiệp nông thôn và góp phần tích cực vào chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2011-2015.
Bài, ảnh: Xuân Hiếu