(QNg)- Bình Chánh (Bình Sơn) là một trong những xã ở tỉnh ta từng giàu lên từ nghề câu mực khơi. Thế nhưng, từ đầu năm đến nay giá mực rớt thê thảm cộng với các khoản khác như giá xăng dầu, tiền đi bạn tăng cao khiến cho hàng chục chiếc tàu vốn dĩ từng tung hoành khắp biển Đông giờ thoi thóp nằm bờ. Không bỏ biển, nhiều chủ tàu đành từ bỏ nghề câu mực chuyển sang lưới rút, "săn bò gù”… Họ quyết tâm bám biển đến cùng!
Kỳ 1: Ngư dân câu mực điêu đứng |
Theo nhiều ngư dân cũng như đầu nậu thu gom mực khơi ở địa phương thì nguyên nhân khiến giá mực rơi tự do là do phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc… Một khi thị trường Trung Quốc ngừng "ăn hàng" là giá mực hạ thấp nhanh chóng…
Mực ào ạt rớt giá
Lão ngư Trần Quới (72 tuổi, thôn Tân Mỹ) nói: Từ nhiều tháng qua tàu nằm bờ nhiều hơn tàu ra khơi, giá xăng, dầu, tiền công đi bạn, tiền tổn phí…, cái nào cũng tăng chóng mặt, chỉ có giá mực là hạ thấp. Mực rớt giá thê thảm nên chẳng có ngư dân nào muốn ra khơi cả. Ra khơi là nắm chắc đến 90% lỗ vốn…
Mực tồn kho nhiều nhưng không có người mua hoặc có thì giá quá bèo khiến cho việc ra khơi của ngư dân lỗ nặng. |
Ông Quới cho biết, hiện tại giá mực ngư dân đánh bắt phơi khô trên biển mang về bán cho thương lái được chia làm ba giá khác nhau. Họ phân ra ba loại mực đẹp, vừa và mực tạp nham. Ngày trước đâu có cái kiểu mua mà còn phân chia cao thấp, tàu câu mực vào bến chủ ghe chưa nói gì đã có vài thương lái đến hỏi mua, cạnh tranh nhau giá cao ngút. Thế mà giờ ghe chở cả chục tấn mực về nằm bến cả tuần mà chẳng có ai mua, mà có thì họ cũng ép giá dữ lắm.
Vò mái tóc đã ngả màu sóng biển, ông Quới bảo: Ngày trước ngư dân ở đây đi câu mực trên những chiếc thuyền có công suất nhỏ, phải mất vài tuần mới đến được vùng biển Hoàng Sa hoặc Trường Sa, những chiếc thuyền vốn đã nhỏ bé càng trở nên lẻ loi, đơn độc giữa trùng dương thế mà ngư dân vẫn đủ ăn, ra khơi chuyến nào cũng có lãi. Còn giờ nổ máy đi là thấy nợ nần… đuổi theo sau đuôi tàu.
Theo tìm hiểu của PV Báo Quảng Ngãi, hiện giá mực khô đang giao động ở mức từ 60.000 đến 70.000 đồng/kg. "Từ sau Tết, giá mực rớt liên tục, chừng này năm trước luôn ở mức trên 150.000 đồng/kg, giờ chưa bằng một nửa. Ban đầu rớt xuống còn 120.000 đồng/kg, sau đó còn 100.000 đồng/kg ngư dân chúng tôi cứ nghĩ chắc do thị trường gặp một số trục trặc nên mới vậy, thời gian sau giá "đội" lên lại thôi. Ai ngờ rớt xuống thê thảm" - ngư dân Trần Văn Dân, 44 tuổi, chủ tàu QNg-95267-TS tâm sự.
Phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc
Xã Bình Chánh, được xem là xã... câu mực. Theo thống kê, trên địa bàn xã có gần 100 chiếc tàu có công suất lớn chuyên hành nghề câu mực trên các vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa. Trong đó, chưa kể đội tàu công suất nhỏ cũng thường xuyên vươn khơi câu mực. Trung bình mỗi năm đánh bắt khoảng 40.000 tấn mực. "Nghề câu mực đã giúp cho hàng trăm hộ ngư dân trên địa bàn xã ăn nên làm ra. Đời sống kinh tế địa phương thay đổi mạnh. Thế nhưng, từ đầu năm đến nay giá mực rớt thê thảm nên nhiều chủ ghe đã nghỉ đi biển vì đi chỉ có nước lỗ. Chúng tôi đang vận động ngư dân tiếp tục bám biển nhưng khó lắm", ông Nguyễn Thành Tấn - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Chánh cho biết.
Theo ông Tấn, giá mực cùng thời điểm này năm 2011 có khi lên gần chạm đỉnh 200.000 đồng/kg, nhưng bước sang năm 2012 mực bất ngờ rớt giá chỉ còn ở mức dưới sàn. "Hiện vấn đề tiêu thụ mực do ngư dân địa phương đánh bắt được lệ thuộc rất nhiều vào thị trường Trung Quốc. Hồi tháng trước giá mực khô tăng lên được 80.000 đồng/kg, nhưng chỉ tồn tại giá đó chừng nửa tháng thì rớt xuống dưới 60.000 đồng" - ông Tấn nói.
Đi khắp xã Bình Chánh đâu đâu cũng thấy mực khô chất đầy nhà ngư dân. Tuy nhiên, ngư dân vẫn không thể bán mực được vì giá quá "bèo". "Nếu giờ tôi bán 10 tấn mực trong nhà với giá 60.000 đồng/kg thì coi như chuyến ra khơi vừa rồi tui phải bù lỗ gần 50 triệu đồng. Bởi giá xăng, tiền công cho người đi bạn… đều tăng chóng mặt. Thà để đó chờ thời may ra còn gỡ gạt chút ít" - ngư dân Nguyễn Tấn Lợi, chủ tàu QNg - 95090-TS nói.
Kế nhà anh Lợi là nhà anh Huỳnh Tấn Trung, nhìn đống mực khô chất trong nhà gần 15 tấn, anh Trung bảo, giờ chẳng biết sống ra sao với tiền đầu nậu cho mượn, lãi suất ngân hàng vay mượn và tiền công anh em đi bạn nữa. "Chỉ mong giá nhích lên 80.000 đồng là tui bán ngay. Giá hiện nay mà bán thì chỉ có nước… khỏi đi biển luôn. Sắp tới ngân hàng mà cho người về hỏi tiền đáo hạn tôi chỉ còn cách gán con tàu. Giá cả thế này phiên biển tới chắc ở nhà vì giờ chẳng còn tiền phí tổn để ra khơi nữa" - anh Trung buồn bã.
Nhiều chủ nậu trên địa bàn xã Bình Chánh chuyên thu gom mực đi Trung Quốc cũng than thở khi gom hàng quá nhiều ở giá cao giờ chẳng biết bán đi đâu. "Cuối năm 2011 giá nhích lên cao, thương lái Trung Quốc hối hàng, tôi vay mượn mua hàng xuất đi. Ai ngờ gom gần 100 tấn thì mực rớt giá cái đùng. Hỏi bạn hàng bên đó thì họ bảo năm nay mực khô tiêu thụ ít nên không thể nhập hàng thêm được nữa. Giờ chưa nói bán buôn gì cũng đã thấy rõ mình lỗ rồi" - chủ nậu H.Q than thở…
LÊ ĐỨC - XUÂN THIÊN
(Còn nữa)