(QNĐT)- Với sự quyết tâm, nông dân Võ Văn Trạng ở thôn Thanh Sơn, xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ đã “bắt” cây hồ tiêu phải bén rễ, kết hạt trên mảnh đất cằn. Hiện vườn tiêu của ông thu hút nhiều nông dân đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm để áp dụng vào sản xuất.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Với bản chất người lính nên khi nghe chủ trương đưa dân đi xây dựng kinh tế vào năm 1981, ông Võ Văn Trạng đã dắt người vợ mới cưới đến lập nghiệp ở khu kinh tế Huân Phong, thôn Thanh Sơn, xã Phổ Cường. Hai vợ chồng ông chỉ với bốn bàn tay trắng ra sức cuốc xới trên vùng đất bạc màu.
Cuộc sống hết sức khó khăn nên chỉ trong thời gian ngắn, 140 hộ gia đình ở đây đã chuyển đến nơi khác sinh sống, còn lại vợ chồng ông cùng với hơn 20 hộ quyết chí “bám đất, bám vườn”. Thế rồi 4 người con nối tiếp nhau ra đời, cuộc sống gia đình càng thêm cơ cực.
Ông Trạng đang chăm sóc cây hồ tiêu trong vườn nhà |
Để lo cơm áo cho các con, ông đành phải ly hương vào TP. Hồ Chí Minh bán hủ tiếu gõ. Nhưng chỉ được vài năm thì ông lại khăn gói về quê vì “nhớ đất, nhớ nhà”. Ông bàn bạc với vợ rồi khăn gói vào tận Đồng Nai và các tỉnh miền Đông Nam Bộ để học hỏi kỹ thuật trồng cây hồ tiêu.
Sau nhiều ngày lăn lộn với chủ vườn, ông mang về nhà gần 100 hom tiêu giống. Nhiều người thấy vậy lắc đầu e ngại: “Đất trồng mía thì mía chết, trồng mì thì mì hư, trồng tiêu chỉ có tiêu… tiền của, công sức chứ mấy đời có hạt!”.
Nhưng vợ chồng ông quyết chí đào hố, xuống giống và nâng niu từng hom giống như chăm con mọn. Do chưa nắm vững kỹ thuật nên chỉ vài ngày sau cả vườn tiêu đều rũ lá tựa như gương mặt buồn đến nao lòng của người vợ. Những chuỗi ngày trồng mới – tiêu chết cứ lặp lại khiến cuộc sống gia đình càng thêm khốn khó.
“Vậy mà ổng không nhụt chí, cứ động viên tôi theo ổng lên rừng đào từng gốc cây vông, lồng mức về trồng trong vườn nhà để làm trụ đỡ cho lứa hom tiêu kế tiếp. Ổng lại tiếp tục khăn gói đi khắp nơi học hỏi kinh nghiệm, tìm mua sách tham khảo và mang hom giống trở về. Lúc ấy, lòng dạ tôi rối bời vì tiêu chết, nhiều người cứ ngăn cản, nhưng ổng vẫn nhất quyết trồng tiêu…” – vợ ông là bà Đặng Thị Kết nói.
Những hạt tiêu thu hoạch từ mảnh đất cằn trong vườn nhà |
Sau 12 năm nhọc nhằn, hiện trong vườn nhà ông Trạng đã có 300 gốc hồ tiêu với sản lượng mỗi năm đạt khoảng 600kg. Với giá tiêu ở mức dao động từ 140.000 – 160.000 đồng/kg, mỗi năm, gia đình ông thu lãi trên 60 triệu đồng.
“Không ai ngờ cây hồ tiêu có thể sinh trưởng trên vùng đất “chó ăn đá, gà ăn sỏi” này. Vườn tiêu của ông Trạng phát triển xanh tốt, trĩu quả được xem như một kỳ tích về sự vượt khó. Hội sẽ vận động hội viên áp dụng mô hình này vào sản xuất để tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống” – ông Lê Tiểu - Chủ tịch Hội Nông dân xã Phổ Cường cho biết.
“Hiện tôi đang hướng dẫn kỹ thuật và ươm giống bán cho 3 hộ dân trong thôn có ý định trồng tiêu. Tôi cũng đã hướng dẫn kỹ thuật, vận động nhiều nông dân trồng tiêu khi họ đến tham quan khu vườn. Vì đây là loại cây cho thu nhập cao so với các loại cây trồng ở địa phương. Vợ chồng tôi cũng sẽ mở rộng diện tích vườn tiêu để có điều kiện giúp đỡ cho con cháu…” – ông Trạng cho biết.
Khi được hỏi liệu nhiều người trồng tiêu sẽ rớt giá, ông lắc đầu cười tươi: “Lo gì! Tiêu của tôi không đủ bán cho những khách hàng quen vì vị cay dịu và hương thơm không kém gì ở những nơi khác. Với lại, tiêu có thể để lâu ngày chứ không sợ hỏng như dưa hấu, thanh long và các loại hoa trái tươi sống”.
Bên cạnh việc chăm sóc vườn tiêu, vợ chồng ông còn canh tác gần 8 sào ruộng lúa, trong chuồng luôn có từ 8 – 10 con bò lai. Ông nhẩm tính, sau khi trừ chi phí, mỗi năm vợ chồng ông thu nhập khoảng 100 triệu đồng. Nhờ đó, ông có điều kiện lo cho các con ăn học. Hiện 3 người con lớn đã có gia đình với cuộc sống ổn định, người con trai út đang làm công nhân tại TP. Hồ Chí Minh.
Những chuỗi (gié) tiêu trong vườn nhà ông Trạng vươn dài tựa như chùm nụ hoa phong lan khoe mình trước gió. Dẫu không rực rỡ, ngát hương, nhưng sự hiện diện của “hoa tiêu’ trên vùng đất bạc màu đã mở ra hướng đi mới cho người nông dân nơi đây.
Trang Thy