(QNg)- Những năm gần đây, lượng khách du lịch ra tham quan đảo Lý Sơn ngày càng đông đã mở ra cho địa phương này một hướng đi mới để phát triển du lịch cùng với kinh tế mũi nhọn là thủy sản và nông nghiệp.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Để tận dụng thế mạnh của mình là những giá trị riêng có của huyện đảo giới thiệu đến khách thập phương và để người dân trên đảo cùng làm du lịch, địa phương này đang thực hiện phương án phát triển du lịch theo hướng cộng đồng.
Kho tàng sống động về lịch sử, văn hóa
Lý Sơn cách đất liền 18 hải lý (khoảng 30km), với diện tích gần 10km2. Tuy diện tích nhỏ nhưng nơi đây có đến gần 100 di tích lịch sử, văn hóa rất lâu đời và độc đáo. Đình An Hải là một công trình kiến trúc - nghệ thuật. Đình được xây dựng vào năm 1820 ở xã An Hải, đến nay vẫn bảo tồn được những nét chính của kiến trúc ban đầu. Đình An Hải được xếp hạng di tích cấp quốc gia, và là một trong những ngôi đình cổ nhất ở Quảng Ngãi.
Nhà trưng bày đội Hoàng Sa Bắc Hải - một trong những điểm đến của khách du lịch khi ra tham quan đảo Lý Sơn. |
Một di tích độc đáo khác là chùa Hang nằm ở đông bắc đảo. Chùa nằm trong một hang đá lớn, do người dân trên đảo lập nên để thờ Phật và các vị tiền hiền họ Trần có công khai phá đảo và xây dựng chùa. Trên đảo còn có Chùa Đục được xây dựng trong một hang đá trên núi Giếng Tiền, được tái tạo rất sống động. Âm Linh Tự là nơi tổ chức lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa, giếng Vua, miệng Núi lửa, di tích Hải đội Hoàng Sa - Trường Sa...
Gắn với những danh thắng nổi tiếng trên là những hoạt động văn hóa truyền thống của ngư dân miền biển Lý Sơn như: Lễ hội đua thuyền tứ linh đầu xuân, Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa vào tháng 2 và tháng 3 (âm lịch); tục thờ cá Ông, một tín ngưỡng dân gian đặc trưng… Trên đảo Lý Sơn còn có nhiều hiện vật bằng đá, gốm sứ Trung Hoa, Chăm, Đại Việt. Trong lòng đảo ẩn chứa rất nhiều di chỉ văn hóa Chăm và Sa Huỳnh. Đặc biệt, nơi đây còn lưu giữ nhiều tư liệu quan trọng minh chứng quần đảo Hoàng Sa là của Việt Nam.
Lý Sơn không chỉ chứa đựng trong mình những di tích lịch sử- văn hóa rất phong phú và giá trị; sở hữu những danh lam thắng cảnh hùng vĩ và thơ mộng mà vùng đất tiền tiêu này còn có những đặc sản nổi tiếng. Đặc biệt là những món ăn được chế biến từ hành, tỏi và dưa hấu của hòn đảo này làm say mê du khách.
Lý Sơn - một điểm du lịch nhân văn và nghỉ dưỡng đang hấp dẫn du khách cả trong và ngoài nước.
Du khách ra đảo không ngừng tăng
Với sự hấp dẫn, độc đáo của đảo Lý Sơn mà thời gian qua du khách khắp nơi tìm đến vùng đất tiền tiêu này ngày một đông hơn. Trong 8 tháng đầu năm 2012, Lý Sơn đã đón gần 8.000 lượt du khách, trong đó có hàng trăm du khách nước ngoài ra tham quan và tìm hiểu về văn hóa, con người xứ đảo. Ông Phạm Hoàng Linh- Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết, vào dịp hè, có ngày có đến 500 du khách ra thăm đảo. Nếu điều kiện tàu vận chuyển khách đáp ứng đủ thì số lượng khách ra đảo còn nhiều hơn.
Số lượng khách ra tham quan đảo ngày một tăng là tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, các điều kiện như phương tiện di chuyển, hệ thống nhà nghỉ khách sạn để đáp ứng nhu cầu đi lại và lưu trú cho du khách rất hạn chế. Hiện nay trên huyện đảo chỉ có khoảng chưa đến chục nhà nghỉ, khách sạn. Phương tiện di chuyển đến các điểm tham quan chỉ có chừng 5 chiếc xe nên không đáp ứng đủ nhu cầu cho du khách. Vì thiếu nơi lưu trú cũng như phương tiện di chuyển đến các điểm tham quan nên du khách gặp nhiều khó khăn và không thể lưu trú lâu dài trên đảo. Đây là bất lợi không hề nhỏ khiến cho việc phát triển du lịch nơi đây chưa thực sự mang lại hiệu quả.
Hướng đến phát triển du lịch cộng đồng
Việc xác định phát triển du lịch là mục tiêu của Lý Sơn. Huyện đã có quy hoạch về chiến lượt phát triển ngành du lịch. Đồng thời kêu gọi đầu tư về xây dựng hạ tầng phục vụ du lịch.
Hành, tỏi và các loại hải sản phơi khô tại Lý Sơn là những mặt hàng phục vụ du lịch đang được du khách mua về làm quà sau khi thăm thú trên đảo. |
Ông Phạm Hoàng Linh cho biết, trong thời gian qua, huyện đã đầu tư kinh phí để mở các lớp tập huấn cho người dân tham gia vào làm du lịch như tận dụng những ngôi nhà có kiến trúc cổ để giới thiệu cho du khách. thậm chí có thể làm nơi lưu trú. Bên cạnh đó, tập huấn cho người dân trong việc kinh doanh các sản phẩm du lịch phục vụ du khách. Vào tháng 10 tới, huyện Lý Sơn sẽ phối hợp với tổ chức cộng đồng Pháp ngữ mở lớp huấn luyện thợ lặn làm hướng dẫn viên du lịch lặn biển... Đó là hướng đi phù hợp cho việc phát triển du lịch của huyện nhà. Một số hộ dân đã biết đến cách làm du lịch. Tuy nhiên, vì còn mới mẻ nên phần lớn người dân huyện đảo chưa quen với cách làm du lịch như những địa phương ven biển khác. Việc kinh doanh các sản phẩm du lịch của người dân địa phương còn rất manh mún, chưa thực sự mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Với thế mạnh của mình và thực tế lượng du khách thăm đảo ngày càng tăng cao đang tạo ra cho huyện Lý Sơn cơ hội phát triển bằng tiềm năng du lịch phong phú. Lý Sơn đã có những bước đi đầu tiên trong phát triển du lịch huyện nhà.
Bài, ảnh: Xuân Thiên