Xây dựng chợ ở miền núi: Bỏ hoang, lãng phí tiền tỉ

09:08, 13/08/2012
.

(QNg)- Mục tiêu của việc xây dựng chợ ở các xã miền núi là phục vụ đời sống dân sinh, góp phần vào tăng trưởng kinh tế - xã hội địa phương. Thế nhưng, nhiều khu chợ xây xong không sử dụng, lâu ngày thành hoang phế, gây lãng phí tiền của Nhà nước.  
 

TIN LIÊN QUAN


Chợ như chòi!

Chợ trung tâm cụm xã Sơn Kỳ kết hợp bến xe được xây dựng với tổng kinh phí 700 triệu đồng. Ở thời điểm 2003, đây là khoản tiền không phải là nhỏ. Thế nhưng, nhìn vào thực tế công trình này thì những người có thâm niên kinh doanh trong chợ nhiều năm nhất vẫn không thể nhận ra đó là… cái chợ! Nhiều người dân ở đây gọi đùa: "Chợ mà giống hệt cái chòi canh"! Nghe xót xa nhưng quả không ngoa chút nào. Một khu đất trống rộng ở giữa có một "cái chòi" mọc lên. Chỉ có mái che và những hàng cột. Chợ mà không hề có ki ốt, không có quầy sạp. Ban đầu, chợ này còn không có cả nhà vệ sinh, tường rào cổng ngõ.

Ông Đinh Tấn Bắc- Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Kỳ cho biết: Chợ Sơn Kỳ kết hợp với bến xe không phát huy tác dụng là vì nhiều lí do. Trong đó, có hai lí do cơ bản: Chợ xây dựng không có ki ốt, quầy sạp, nên tiểu thương không thể vào chợ kinh doanh buôn bán được. Thứ hai, do tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số ở đây thường ít đi chợ mà chỉ thích mua hàng hóa, thực phẩm của những tiểu thương chở bằng xe máy đến tận nhà bán. Tuy nhiên, ông Đinh Tấn Bắc vẫn khẳng định: "Chợ Sơn Kỳ vẫn là công trình đặc biệt cần thiết đối với đời sống dân sinh ở đây". 4 xã nghèo dọc sông Re kéo dài từ thị trấn Di Lăng đến tận giáp ranh huyện Ba Tơ từ bao đời nay vẫn chưa có lấy một cái chợ. Không có chợ, mọi thứ đều phải mua đắt, bán rẻ, phụ thuộc hoàn toàn vào tư thương!

Không chỉ chợ Sơn Kỳ mà hàng loạt các chợ khác được đầu tư xây dựng cũng đang bị bỏ hoang, gây lãng phí tiền của Nhà nước. Điển hình là chợ Trà Phong (Tây Trà). Chợ được xây trên diện tích 5.000m2, với kinh phí khoảng 1 tỉ đồng, nhưng hơn 6 năm qua vẫn "ngủ yên" giữa lòng "phố núi" Tây Trà. Địa phương thấy "tiếc" nên đã tận dụng cho một số tư nhân thuê vài vị trí thuận tiện để kinh doanh mặt hàng ăn uống, giải khát. Chợ trung tâm cụm xã Ba Vì (Ba Tơ) xây dựng xong từ năm 1998, kinh phí gần 250 triệu đồng, cũng bỏ không. Một vài người dân địa phương còn "mượn" chợ để cột trâu bò. Bọn trẻ con thì tranh thủ "tận dụng mặt bằng" chợ để chơi trò bắn bi.

Ai làm cho chợ nên đông?

 Các chợ miền núi của tỉnh hầu hết được xây dựng từ khoảng 5 đến 10 năm trước bằng nguồn kinh phí Chương trình trung tâm cụm xã và Chương trình 135 dành cho các xã miền núi đặc biệt khó khăn. Sau khi xây dựng xong, huyện giao cho xã quản lí, sử dụng. Vì thế, việc chợ có phát huy tác dụng, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương được huyện "đẩy" trách nhiệm về cho xã. Trong khi đó, việc quản lí của xã lại quá lỏng lẻo, sử dụng quá thờ ơ đã dẫn đến tình trạng bị lấn chiếm.

Tại xã Sơn Kỳ, khu chợ này sau khi xây dựng không sử dụng mà cũng chẳng được quản lí, nên 7 hộ dân lấn chiếm để ở và buôn bán. UBND huyện Sơn Hà và xã Sơn Kỳ đã mất nhiều công sức để cưỡng chế giải tỏa; đồng thời bỏ ngân sách để chi hỗ trợ di dời mỗi hộ 3 triệu đồng. Với quyết tâm "giữ chợ cho địa phương", ông Đinh Tấn Bắc cho biết vừa làm dự án sửa chữa, nâng cấp chợ Sơn Kỳ - dù chợ này chưa một ngày đưa vào sử dụng. Tổng kinh phí của dự án lên đến 1,6 tỉ đồng. UBND huyện Sơn Hà không thống nhất với "phương án" của xã và "quyết" chỉ chi 500 triệu để thực hiện sửa chữa, nâng cấp chợ Sơn Kỳ. Ông Đinh Tấn Bắc nói: "Kinh phí này không đảm bảo để thực hiện việc nâng cấp, sửa chữa. Chợ Sơn Kỳ muốn phát huy hiệu quả phải làm mới toàn bộ. Các hạng mục xây dựng trước đây đã xuống cấp trầm trọng, rệu rã, hư hỏng hoàn toàn".

Hầu hết các khu chợ xây xong "đắp chiếu" đều trong tình cảnh bị lấn chiếm, xuống cấp và hư hỏng. Chính quyền địa phương biết nhưng cũng đành bó tay. Về lâu dài, sự hiện diện của những ngôi chợ trong hạ tầng cơ sở của các xã miền núi là vẫn rất cần, nhưng phải có sự tính toán khi xây dựng.

Xưa nay, chợ đông không chỉ có người bán. Cái quan trọng vẫn là có người đến mua hàng. "Trăm người bán, vạn người mua" thì mới thành cái chợ. Những người có trách nhiệm và chính quyền địa phương cần phối hợp tuyên truyền để đưa người mua đến chợ. Ngoài ra, chợ còn góp phần thực hiện đủ tiêu chí xây dựng nông thôn mới mà cả nước đang hướng tới.      

       
           THANH NHỊ
 


.