(QNg)- Để từng bước đưa Tây Trà - huyện miền núi thuộc diện nghèo nhất nước thoát nghèo, từ năm 2009 đến nay, UBND tỉnh đã đầu tư cho huyện số tiền trên 237 tỉ đồng để xây dựng các trục đường huyết mạch. Tuy nhiên, đến nay nhiều công trình thi công chưa đến 70% khối lượng gây bức xúc trong dư luận.
Kỳ 1: Những tuyến đường xây dựng… nửa vời Hầu hết sáu tuyến đường huyết mạch được đầu tư xây mới từ năm 2009 đến nay đều được nâng cấp, mở rộng, thảm nhựa trên nền đường cũ. Cũng có tuyến được làm mới hoàn toàn. Thế nhưng đến nay những công trình bị chậm tiến độ quá lâu, gây lãng phí tiền của đầu tư của Nhà nước và khó khăn cho hoạt động giao thương của người dân. |
Bày ra rồi bỏ đó
Tây Trà, huyện mới được thành lập từ năm 2004 sau khi tách từ một phần diện tích huyện Trà Bồng, toàn huyện có khoảng 16.000 dân, chủ yếu là đồng bào Cor, đời sống còn gặp nhiều khó khăn. Nhận thấy vấn đề này, UBND tỉnh chủ trương đầu tư mạnh nhằm từng bước đưa Tây Trà thoát nghèo theo hướng bền vững. Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn cấp tốc dồn vốn cho huyện triển khai xây dựng các tuyến giao thông, đến nay đã "lộ" ra những "lỗ hổng".
Nhiều tuyến đường huyết mạch thi công dang dở gây khó khăn trong việc giao thương. |
Trong số 6 tuyến đường giao thông chính được đầu tư xây dựng từ năm 2009 gặp "sự cố" phải kể đến các tuyến đường thuộc dạng "con cưng" của huyện cần được đầu tư một cách bài bản nhằm tạo ra trục xương sống trong quá trình phát triển kinh tế như: Trà Phong - Trà Thanh; Trà Phong - Trà Xinh; Trà Phong - Gò Rô - Trà Bung…
Tuyến đường Trà Phong - Trà Xinh có chiều dài gần 6,3km, là đường giao thông nông thôn loại A với tổng mức đầu tư 29,5 tỉ đồng. Thời gian thi công 16 tháng kể từ ngày bàn giao mặt bằng (20/2/2009). Công trình được chia làm 3 gói thầu do Công ty cổ phần xây dựng công trình giao thông Quảng Ngãi; Công ty cổ phần 20/7 và Công ty cổ phần Giao Thủy thi công. Tuy nhiên, đến nay thời hạn bàn giao công trình đã trễ thời hạn hơn 22 tháng. Thế nhưng, công trình mới chỉ hoàn thành hơn 80% khối lượng công việc. Đến nay nhà thầu đã ngừng thi công, khiến nhiều hạng mục dang dở. Nhiều điểm do bỏ thi công nên gặp thời tiết bất lợi đã bị hư hỏng.
Kế tiếp là tuyến đường Trà Phong - Trà Thanh có chiều dài hơn 23,3km, đường cấp VI miền núi có mức đầu tư trên 52,8 tỉ đồng, thời gian thi công theo hợp đồng kí kết là 12 tháng kể từ ngày 22/2/2011. Đến nay công trình mới hoàn thành chưa đến 70% khối lượng. Hiện tại, tuyến đường đã xảy ra những điểm sạt lở có nguy cơ hư hỏng nặng trong mùa mưa đến.
Tương tự tuyến đường Trà Phong - Gò Rô - Trà Bung dài 6,635km được chia làm 2 gói thầu xây lắp với tổng vốn đầu tư 47,840 tỉ đồng được triển khai thi công từ 20/8/2010 và dự kiến hoàn thành vào 19/12/2011. Thế nhưng đến nay tuyến đường này mới chỉ hoàn thành khoảng 50% khối lượng công trình dù đã trễ hẹn đến 7 tháng.
Dân khổ vì nâng cấp đường
Tuyến đường Trà Phong - Trà Xinh, đoạn từ trung tâm huyện Tây Trà về xã Trà Xinh với 2km đầu tiên khá tốt, đường nhựa phẳng lì. Thế nhưng bước vào km thứ 3 thì những hạng mục được xây dựng dở dang đã dần hiện ra. Những đoạn được trài nhựa, cũng có đoạn hệ thống mương thoát nước, taluy chưa thi công xong nên dang dở rất khó nhìn. Nhất là đoạn từ km số 3 đến km6 + 300 do Công ty cổ phần 20/7 thi công. Theo chủ đầu tư thì gói thầu này mới chỉ hoàn thành khoảng hơn 70% khối lượng công việc.
Người dân sống hai bên tuyến đường này cho biết, từ ngày đường thi công đến giờ rất nhiều người tham gia giao thông bị té ngã dẫn đến thương tích. "Đường làm nửa chừng rồi để đó, nhiều đoạn đá tảng còn nằm trên đường, vào ban đêm nhiều người đi đường không để ý đâm phải. Bữa trước tôi cũng bị ngã do sập phải một đoạn bị nước mưa xói lở. Giờ lo lắm" - anh Hồ Văn Sinh kể.
Tương tự tuyến đường vừa được phê duyệt mở mới Trà Phong- Gò Rô - Trà Bung. Đứng từ trung tâm huyện Tây Trà nhìn qua thấy con đường vắt ngang giữa các sườn núi trông rất hoành tráng. Thế nhưng, thực tế "bò" lên con đường trị giá gần 48 tỉ mới thấy thật đau khổ. Ngay từ Tỉnh lộ 622 điểm khởi đầu đã chứng kiến những túp lều tạm bợ trống huơ trống hoác không người ở. Đi sâu vào là những bi cống thoát nước nằm vất vưởng trên đường. Có đoạn nước mưa chảy gây xói lở tạo thành những rãnh sâu đến gần 0,5 mét chạy cắt ngang mặt đường. Nhiều đoạn, những tảng đá lớn nằm chắn ngang chẳng thấy bóng dáng của một công nhân nào làm việc.
Kế đến, "leo" lên tuyến đường Ngã ba Trà Bao - Trà Quân, vừa rẽ vào con đường độc đạo chúng tôi được "thử lửa" bằng những dốc đá dăm lởm chởm. Đi sâu vào khoảng 300m con đường lúc này là một thảm cảnh, với những "điểm đen" mà người tham gia giao thông có thể "sập bẫy" bất cứ lúc nào.
Ông Hồ Văn Lâm - Chủ tịch UBND xã Trà Quân cho rằng, việc gần 2.000 người dân của xã chỉ có duy nhất một tuyến đường để thông ra bên ngoài được đầu tư thi công trài nhựa đã mang lại niềm hi vọng lớn. Thế nhưng, từ ngày đơn vị thi công "bỏ chạy" đến giờ tuyến đường đã trở nên tồi tệ hơn sau khi được cấp phối lớp đất mới. "Mỗi khi mưa xuống là lầy lội đến kinh khủng. Muốn vào xã hoặc đi ra bên ngoài chỉ còn một cách là… cuốc bộ. Xe máy có đó nhưng đành bất lực. Việc giao thương, trao đổi mua bán hàng hóa của người dân nơi đây bị "ế" đến khó tin. Ế cũng đúng thôi, vì có ai dại gì mà đi vào xã khi đường toàn bẫy. Tưởng mở đường là giúp dân thay đổi cuộc sống, đằng này nâng cấp đường chỉ khiến người dân khổ hơn thôi" - ông Lâm chia sẻ.
Bài, ảnh: LÊ ĐỨC
(còn nữa)