*TRẦN ĐĂNG
(QNĐT)- Những năm trước đây, khi chưa có cảnh báo về nguy cơ ngộ độc từ cá nóc, mỗi năm nước ta có đến hàng chục người chết và ngộ độc do ăn loài cá này. Cách đây chừng 10 năm, ở Quảng Ngãi, những vụ ngộ độc cá nóc kinh hoàng ở Bình Sơn, Đức Phổ, hẳn mọi người vẫn còn nhớ.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Trước những năm 2000, hầu như năm nào trên địa bàn tỉnh cũng có một vài vụ ngộ độc cá nóc. Chính vì sự nguy hiểm của loài cá này khi được con người dùng làm thực phẩm nên năm 2003, Nhà nước đã ra hẳn văn bản cấm thu mua, chế biến và sử dụng cá nóc làm thực phẩm nên tình trạng ngộ độc từ cá nóc đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, ở một số vùng ven biển trong tỉnh hiện nay, ngư dân vẫn còn sử dụng cá nóc, họ xem đó như một loại thực phẩm “khoái khẩu” sau mỗi phiên biển.
Mặc dù được xác định cá nóc có thể gây chết người nhưng đó lại là nguồn tài nguyên dồi dào cần được tận dụng. Sẵn dịp có một số công ty của Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc đặt vấn đề sẽ tiêu thụ cá nóc, Bộ NN&PTNT đã đồng ý cho triển khai thí điểm ở hai tỉnh Kiên Giang và Khánh Hòa một số cơ sở thu mua chế biến và xuất khẩu cá nóc.
Đề án được triển khai thí điểm trong 3 năm từ 2010 đến 2012 ở hai địa phương nói trên. Nếu thuận lợi trong việc xuất khẩu, đề án trên sẽ được triển khai đại trà trong cả nước. Hay tin này, nhiều ngư dân trong tỉnh khấp khởi mừng thầm vì Quảng Ngãi là địa phương được xem là một trong những “vựa” cá nóc của các tỉnh Trung Bộ, với sản lượng khai thác ước tính chừng 2.000 tấn cá nóc/năm.
Cá nóc vẫn bày bán tại các chợ. Ảnh: T.Đ |
Theo khảo sát của cơ quan chuyên môn, sản lượng cá nóc có thể khai thác hằng năm của nước ta khoảng 37.000 tấn. Theo kế hoạch của đề án thí điểm nói trên, đến năm 2012, Việt Nam sẽ chế biến khoảng 1.000 tấn cá nóc, giải quyết việc làm cho khoảng 1.000 lao động, đạt kim ngạch xuất khẩu 10 triệu USD/năm.
Có được bảo bối trong tay, hai tỉnh Kiên Giang và Khánh Hòa đã bắt tay ngay vào việc thu mua, chế biến xuất khẩu cá nóc.
Một loạt doanh nghiệp chế biển hải sản của hai địa phương nói trên đã đăng ký tham gia xuất khẩu. Tuy nhiên, Bộ NN&PTNT chỉ cho phép duy nhất một doanh nghiệp của Hàn Quốc là Công ty Korea Poseidon Seafood (Poseidon) được nhập khẩu cá nóc của Việt Nam. Vì theo Bộ này, Poseidon là doanh nghiệp có đủ các tiêu chuẩn để nhập khẩu cá nóc từ Việt Nam.
Ở tỉnh Kiên Giang, đến cuối năm 2010, hai doanh nghiệp xuất khẩu cá nóc của tỉnh này đã ký hợp đồng với Công ty Poseidon và chế biến được 100 tấn cá nóc. Tuy nhiên, họ chỉ xuất lô hàng đầu tiên được 22 tấn rồi “đứng bánh” với lý do mà Công ty Poseidon đưa ra là số cá nóc này không đủ chuẩn về kích cỡ và “có nhiều độc tố, không làm thức ăn được!”.
Đáng lưu ý là, trước khi bắt tay vào việc, người của Công ty Poseidon đã về tận các địa phương này để hướng dẫn cách khai thác và chế biến cá nóc! Kết quả của việc “lắc đầu” từ Công ty Poseidon khiến cho 70 tấn cá nóc của Kiên Giang đã chế biến, chỉ còn cách … đổ lại xuống biển, gây thiệt hại hàng tỷ đồng cho doanh nghiệp.
Tỉnh Khánh Hòa cũng giẫm lên vết xe đổ của Kiên Giang, buộc doanh nghiệp chế biến cá nóc Phước Thọ của tỉnh này phải tìm đối tác khác. Tuy nhiên, đến giữa tháng 7/2012 này, họ vẫn loay hoay đi tìm đầu ra cho con cá nóc. Tỉnh Khánh Hòa buộc phải “cầu cứu” Bộ NN&PTNT gia hạn thêm về thời gian “triển khai thí điểm” sang năm 2013!
Nhiều doanh nghiệp thu mua hải sản trong tỉnh cũng đã theo dõi sít sao các động thái thu mua cá nóc từ Kiên Giang và Khánh Hòa để chờ Bộ NN&PTNT bật đèn xanh là họ bắt tay ngay vào việc. Thực tế cho thấy, rất nhiều tàu cá ở cửa Mỹ Á và Sa Huỳnh vẫn “bí mật” khai thác cá nóc để bán cho tư thương của Hoài Nhơn (Bình Định) về làm nước mắm. Quản lý thị trường Đức Phổ cũng đã từng bắt và tiêu hủy hàng tấn cá nóc từ những chuyến xe thu mua cá nóc này.
Việc chưa chắc chắn trong việc tìm “đầu ra” nhưng vội vàng triển khai đã biến các doanh nghiệp chế biến cá nóc thành những con nợ. Hàng trăm tấn cá nóc “lỡ chế biến” hiện chẳng biết “bơi” về đâu trong khi doanh nghiệp thì đang “bơi” trong nợ nần. Vậy là, con cá nóc với bao hy vọng cho ngư dân vẫn chưa biết “bơi” về phương trời nào./.