Tây Trà: Phá sản mô hình nuôi heo rừng lai

02:07, 31/07/2012
.

(QNĐT)- Mô hình nuôi heo rừng lai được triển khai thử nghiệm ở huyện Tây Trà từ năm 2010, với kinh phí 1,3 tỷ đồng trích từ nguồn vốn 30a. Mô hình hứa hẹn sẽ giúp đồng bào miền núi giải quyết bài toán trồng cây gì, nuôi con gì để thoát nghèo. Thế nhưng, qua hơn 1 năm triển khai, mô hình trên đã không mang lại hiệu quả.

TIN LIÊN QUAN


Mô hình nuôi heo rừng lai do UBND huyện Tây Trà làm chủ đầu tư và Trạm khuyến nông huyện là đơn vị thực hiện đầu tư, triển khai từ tháng 10/2010. Đến tháng 8/2011, 100 hộ gia đình thuộc diện nghèo và có kinh nghiệm chăn nuôi ở 2 xã Trà Lãnh và Trà Thọ được giao nuôi thử nghiệm 100 con heo thuộc dòng giống lai 70% heo rừng địa phương miền trung. Trong đó, 10 hộ sẽ cùng chăn nuôi 10 con heo (1 heo đực, 9 heo nái) trong khu chuồng rộng 30 m2 do UBND huyện trích nguồn vốn 30a hỗ trợ xây dựng, với mục đích cho heo giống sinh sản và nhân rộng mô hình.

Thời gian đầu, mô hình này phát triển khá thuận lợi khi heo con bắt đầu tăng trọng và sinh sản. Tuy nhiên, trải qua mùa mưa năm 2011, lần lượt từng con heo rừng lai thuộc mô hình thử nghiệm bỗng nhiên mắc bệnh rồi chết. Đến nay, chỉ còn khoảng 34 con giống còn sống sót.

 

Khu chuồng trại được xây dựng trích từ nguồn vốn 30a bị bỏ không, cỏ mọc um tùm vì đàn heo lai rừng nuôi thử nghiệm đã chết hết
Khu chuồng trại được xây dựng trích từ nguồn vốn 30a bị bỏ không, cỏ mọc um tùm vì đàn heo rừng lai nuôi thử nghiệm đã chết.


Bà Hồ Thị Mai ở thôn Trà Linh, xã Trà Lãnh là một trong số hộ gia đình chịu nhiều tổn thất nhất từ việc nuôi heo rừng lai này. Bà Mai buồn bã chỉ về phía khu chuồng bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm khẳng định: Đó từng là nơi tôi và 9 hộ khác trong thôn hùn công sức và tiền của để nuôi 10 con heo nhà nước cho.

“Lúc đầu ai cũng phấn khởi, đồng tình vì được chính quyền quan tâm, giúp đỡ nuôi heo theo mô hình mới để xóa đói giảm nghèo. Ai ngờ đâu, lãi thì chưa thấy mà heo càng nuôi thì càng chết. Đến tháng 2/2012, trong chuồng chẳng còn con heo giống nào sống sót, huống gì là đẻ được heo con”- Bà Mai vừa nói vừa lắc đầu.

May mắn hơn hộ bà Mai là hộ ông Hồ Văn Vinh ở tổ 1, thôn Trà Dinh khi trong chuồng nuôi còn lại 4 con heo rừng lai. Thế nhưng, buồn một nỗi là 4 con heo còn sống sót này lại gầy đét, nhìn rất thảm thương. Ông Vinh buồn rầu nói: Đến đầu năm 2012 chỉ còn 4 con heo nái này thôi . Bà con ai cũng nản nên không theo nữa, giao hết cho gia đình tôi chăm bẵm. Tôi cũng cho chúng ăn đều đặn mà không hiểu sao chúng cứ gầy trơ xương như vậy đấy.

Cùng chung sự băn khoăn, lo lắng vì mô hình nuôi heo rừng lai phá sản với  gia đình bà Mai, ông Vinh, còn có rất nhiều hộ gia đình khác ở xã Trà Lãnh và Trà Thọ. Ông Hồ Văn Giới là người chăn nuôi giỏi có tiếng ở xã Trà Lãnh, cũng đang gánh bầy heo rừng lai 4 con mà các hộ khác từ bỏ, than thở: Hơn 1 năm trời nuôi nấng và tốn hơn chục triệu tiền thức ăn cho heo mà có thu về được cái gì đâu. Thời gian nuôi 1 lứa heo rừng lai thì nhà tôi đã nuôi và cho xuất chuồng 3 lứa heo nhà. Tính ra, nuôi heo nhà vẫn mang lại hiệu quả cao hơn giống heo rừng lai khó nuôi này.

 

Những con còn sống sót của mô hình nuôi heo rừng lai thử nghiệm
Những con còn sống sót của mô hình nuôi heo rừng lai thử nghiệm


Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Bùi Dương Khôi- Trưởng Trạm khuyến nông huyện Tây Trà cho biết: Dự án nuôi heo rừng lai theo mô hình mới được trích từ nguồn vốn 30a năm 2010 với mục đích thay đổi tập quán chăn nuôi của đồng bào địa phương. Đồng thời tạo nguồn thu nhập mới, giúp người dân vươn lên thoát nghèo.

Tuy nhiên, dự án này đã sớm gặp nhiều trắc trở vì đồng bào có thói quen không vệ sinh chuồng trại và cho heo ăn thức ăn không hợp vệ sinh, dẫn đến tình trạng heo chết nhiều như hiện tại.

Theo lời ông Khôi, trước khi bàn giao mô hình nuôi heo rừng lai cho các hộ dân, cán bộ trạm khuyến nông đã mở lớp tập huấn về đặc điểm và cách nuôi giống heo mới này. Thế nhưng, do người dân chưa chú trọng lắm nên khiến cho mô hình bị phá sản. Trước mắt, đối với số heo còn sống sót, trạm đã kiến nghị với UBND huyện tìm thị trường tiêu thụ để gỡ gạt ít vốn và công sức của bà con.

Nguồn vốn 30a nhằm hỗ trợ đồng bào miền núi thoát nghèo bền vững, có cơ hội vươn lên trong cuộc sống. Tuy nhiên, việc sử dụng nguồn vốn này một cách hợp lý và hiệu quả vẫn là bài toán khó. Thiết nghĩ, chính quyền địa phương cần tìm hiểu đồng bào nghèo cần gì, muốn gì trong phát triển kinh tế để không phải triển khai, giải ngân vốn một cách lãng phí như dự án nuôi heo rừng lai.


Thanh Phương
 

 


.