Dự án làng nghề chế biến hải sản Đức Lợi: "Ngâm" lâu, thiệt lớn

11:07, 26/07/2012
.

(QNg)- Được triển khai thực hiện từ năm 2008 nhưng đến nay, ngoài hệ thống điện, nước và đường thì làng nghề chế biến hải sản Đức Lợi vẫn chỉ là một mảnh đất "trắng"…
 

TIN LIÊN QUAN


Dân lơ… nhà mới

4 năm trước, Dự án làng nghề  chế biến hải sản Đức Lợi ra đời trong niềm vui sướng của chính quyền và người dân. Bởi sự có mặt của một khu sản xuất tập trung như thế sẽ chẳng khác nào liều "dô-pinh", trợ lực cho xã biển Đức Lợi vươn mình "thay áo mới". Tuy nhiên, niềm hy vọng ấy dần bị bào mòn bởi Dự án thi công ì ạch, hết vướng chỗ này đến mắc chỗ kia, khiến cho khí thế "về nhà mới" của các cơ sở chế biến hải sản giảm dần theo năm tháng.

 

Bà Nguyễn Thị Lệ Phương - chủ cơ sở nước mắm Phương Lan ngán ngẩm nói: "Giai đoạn 2008 - 2009, khi nghe tin thành lập khu chế biến hải sản, tôi rất phấn khởi vì nhân cơ hội này sẽ tập trung "tân trang" cơ sở sản xuất nước mắm vốn tạm bợ của mình. Nhưng giờ thì tôi chẳng muốn chuyển đến đó nữa". Giải thích cho sự thay đổi này, bà Phương bảo rằng nguyên nhân thì có nhiều, nhưng chung quy cũng bởi tiềm lực kinh tế của gia đình giờ đã tỉ lệ nghịch theo thời gian "ngâm" của Dự án!

 

Sau 4 năm triển khai thực hiện thì làng nghề chế biến hải sản Đức Lợi vẫn chỉ là một bãi đất trống.
Sau 4 năm triển khai thực hiện thì làng nghề chế biến hải sản Đức Lợi vẫn chỉ là một bãi đất trống.


Không chỉ bà Lệ Phương, ông Nguyễn Đình Hiếu - chủ cơ sở nước mắm Tấn Hiếu cũng "lơ" khu làng nghề, dù đã được chính quyền địa phương ưu tiên bố trí mặt bằng đẹp nhất. "Phần vì thiếu kinh phí xây dựng, phần thì quy hoạch của Dự án vẫn chưa được phê duyệt nên việc giao đất cho dân chỉ được cam kết bằng… lời nói! Thử hỏi làm sao chúng tôi yên tâm bỏ vài trăm triệu đồng để đầu tư vào chỗ đất ấy", ông Hiếu cho hay.

Hiện nay, 21 cơ sở chế biến nước mắm  ở Đức Lợi cũng thích ở nhà cũ hơn là về khu sản xuất tập trung vì thiếu… tự tin! Lý giải điều này, các chủ cơ sở đều cho rằng: Nếu chuyển "nhà", họ lấy đâu ra 150 - 500 triệu đồng (chưa kể chi phí mua sắm trang thiết bị và vốn lưu động để thu mua nguyên liệu) xây dựng nhà xưởng, trong khi nguồn vốn vay ưu đãi thì khó tiếp cận? Đã thế, hiện xã vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng (CNQSĐ) 2 ha diện tích đất làng nghề, nên việc giao đất cho dân với thời hạn bao lâu, giá cả thế nào cũng vẫn còn… trên giấy!

 

Trao đổi vấn đề này, ông Lê Minh Việt - Phó Chủ tịch UBND xã Đức Lợi cho rằng: "Việc cấp giấy CNQSDĐ làng nghề đang bị treo vô thời hạn vì Sở TN và MT bảo phải đợi UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2011 - 2020. Xã cũng rất lo, bởi điều này càng khiến các chủ cơ sở nản lòng và việc chuyển đổi mục đích sử dụng khu làng nghề sẽ là điều khó tránh khỏi".

Thấp thỏm số phận nghề truyền thống

Làng nghề chế biến hải sản Đức Lợi có diện tích 2 ha, được phân làm 36 lô (300 - 600 m2/lô) để đáp ứng nhu cầu sản xuất và chế biến hải sản cho người dân xã Đức Lợi. Theo kế hoạch, khu làng nghề sẽ bắt đầu được lấp đầy vào năm 2011 nhưng đến thời điểm này, chỉ có 3/23 cơ sở chế biến nước mắm lập phương án sản xuất và đề nghị chính quyền địa phương cấp đất. Tuy nhiên, sau khi được xã hứa giao đất và ưu tiên lựa chọn mặt bằng, thì 3 cơ sở này lại đổi ý và không chuyển đến sản xuất. Vậy là, sau khi bỏ ra hơn 1 tỉ đồng để đầu tư hệ thống điện, đường và nước thì hiện làng nghề chế biến hải sản Đức Lợi vẫn chỉ là bãi đất trống.

Theo bà Nguyễn Thị Lệ Phương, một trong 3 hộ từ chối đến làng nghề  cho rằng: "Hiện thị trường tiêu thụ nước mắm Đức Lợi đang bị thu hẹp vì các cơ sở không đủ lực để quảng bá sản phẩm, cạnh tranh với các thương hiệu khác. Do đó, cơ sở chúng tôi chỉ hoạt động cầm chừng nên chẳng dám liều chuyển đến khu làng nghề để mở rộng sản xuất".

Được biết  trước đây, mỗi ngày cơ sở của bà Phương bán được hơn 100 lít nước mắm nhưng hiện nay, con số này chỉ còn 1/3. Còn cơ sở nước mắm Tấn Hiếu thì tuy vài ngày mới bán lẻ được 40 - 50 lít, nhưng vẫn may mắn vì có hợp đồng cung ứng 400 - 500 lít nước mắm/tháng cho Nhà máy đóng tàu Dung Quất. Tuy nhiên, thay vì đầu tư mở rộng sản xuất thì ông chủ cơ sở này lại tính chuyện đóng cửa vì… cạn vốn! "Đây không phải là trường hợp ngoại lệ vì trước đó, một số chủ cơ sở chế biến nước mắm có tiếng cũng đã bỏ nghề để vào Nam kiếm sống", ông Lê Minh Việt - Phó Chủ tịch UBND xã Đức Lợi cho hay.

Theo báo cáo của UBND xã Đức Lợi thì  hiện nay, do gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ nên toàn xã chỉ còn 23 cơ sở và 520 hộ gia đình chế biến nước mắm hoạt động cầm chừng. Thực trạng này đang đặt ra bài toán khó cho người dân và chính quyền xã Đức Lợi trong việc bảo tồn và phát triển nghề chế biến nước mắm truyền thống. Bởi, việc sản xuất tập trung tại khu làng nghề không chỉ giúp các cơ sở nâng cao hiệu quả sản xuất, tiến tới xây dựng thương hiệu sản phẩm nước mắm Đức Lợi mà còn có điều kiện giữ gìn và phát huy nghề truyền thống. Do đó, nếu chính quyền không sớm tìm ra những giải pháp để "an dân" khi đến với làng nghề, thì sự sống của nghề truyền thống ở Đức Lợi là câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ...


Bài, ảnh: MỸ HOA
 


.