Cây chuối trên đất Tây Trà

05:07, 14/07/2012
.

(QNg)- Nếu như cây quế, cây đót là những cây truyền thống bao đời nay mang lại nguồn thu nhập chính theo vụ mùa của đồng bào Cor Tây Trà, thì hiện nay có một loài cây khác mang lại nguồn thu nhập thường xuyên hằng ngày, giúp bà con có tiền  trang trải cuộc sống. Đó là cây chuối.

TIN LIÊN QUAN


Chúng tôi đến vườn nhà ông Hồ Minh Sử khi hai vợ chồng ông đang chăm sóc vườn chuối sau nhà. Ông cho biết, cách đây hai năm ông bắt đầu trồng chuối, hồi đó ông trồng khoảng vài  gốc để cho gia đình ăn trái thôi, nhưng thấy các tư thương, cán bộ miền xuôi lên đây công tác hỏi mua chuyển về xuôi nhiều quá nên ông bắt đầu nhân rộng diện tích chuối của mình.

Lúc đầu ông nhân rộng diện tích chuối ở một vườn gần 100 gốc, cuối năm 2011 ông nhân diện tích chuối ra cả hai mảnh vườn của mình gần 200 gốc chuối các loại (chuối Đồng Nai, chuối Mật, chuối Lùn). Đến thời điểm này, 2 vườn chuối của ông bắt đầu cho thu hoạch.  Một buồng chuối từ 5 đến 7 nải, bình quân bán cho tư thương chở về xuôi khoảng từ 7 ngàn đồng 1 nải thì ông cũng có được từ 35 đến 50 ngàn đồng/buồng chuối.

 

Cây chuối đang mang lại nguồn thu nhập khá, góp phần cải thiện cuộc sống cho người dân Tây Trà. Trong ảnh: Người dân Tây Trà chăm sóc chuối.
Cây chuối đang mang lại nguồn thu nhập khá, góp phần cải thiện cuộc sống cho người dân Tây Trà. Trong ảnh: Người dân Tây Trà chăm sóc chuối.


Còn anh Hồ Văn Phi, ở đội 5 thôn Gò Rô, xã Trà Phong  cũng rất mừng khi vườn chuối của anh luôn cho thu nhập. Anh tận dụng diện tích 1500m2  đất ruộng không có nước tưới trồng 300 gốc chuối Đồng Nai,  chuối Mật. Anh cho biết, vườn chuối là nguồn thu nhập chính của gia đình;  gần 1 năm nay anh đã bán được trên 3 triệu đồng, Anh cho biết, nhờ trồng chuối nên gia đình có tiền trang trải cuộc sống hằng ngày.  

Hiện nay, cây chuối đang phát triển tốt, cho quả đẹp trên đất Tây Trà, đặc biệt là giống chuối Đồng Nai. Trồng cây chuối lại không cần nhiều vốn, ít tốn công chăm sóc, nguồn giống có thể nhân rộng kế thừa nên phù hợp với điều kiện của đồng bào dân tộc Cor.  Hiện nay hầu hết 9 xã của huyện Tây Trà đồng bào đều có trồng chuối nhưng các xã có diện tích lớn là Trà Phong, Trà Lãnh, tại các xã này điều kiện phương tiện giao thông đi lại thuận tiện nên được các tư thương mua chở về xuôi tiêu thụ mạnh hơn các địa phương khác.

Thấy được hiệu quả bước đầu từ cây chuối, những năm qua huyện Tây Trà khuyến khích người dân trồng chuối, nhân rộng diện tích chuối chủ yếu là giống chuối Đồng Nai. Từ các nguồn vốn 30a, vốn sự nghiệp, ba năm trở lại đây huyện đã trích hàng trăm triệu đồng để cấp hàng nghìn gốc chuối giống, làm nhiều mô hình trồng chuối điển hình cho nhân dân. Từ đó, bà con đồng bào Cor có cơ hội tiếp cận với các giống chuối chất lượng và học hỏi được kỹ thuật trồng chuối. Nhưng hiện tại, đầu ra của sản phẩm chỉ phụ thuộc vào các tiểu thương đang kinh doanh tại Tây Trà mua để chuyển về xuôi tiêu thụ, mua nhỏ lẻ trong dân, không có một cơ quan nào kiểm soát giá cả. Nên người dân thường bị ép giá, thu nhập không cao. Vì vậy, để cây chuối là một trong những cây xoá đói giảm nghèo, chính quyền địa phương cần có những định hướng cho cây chuối.

Ông Hoàng Anh Ngọc - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Trà cho biết: Sắp đến huyện sẽ chỉ đạo cho các ngành chức năng làm cầu nối giữa doanh nghiệp và bà con nông dân để làm thế nào thu mua được tập trung, giá cả được cải thiện. Đồng thời, khuyến khích hộ gia đình, cá nhân, tư thương mua để chuyên chở đến nơi có nhu cầu tiêu thụ, giúp người dân có thu nhập cao hơn từ cây chuối.


Bài, ảnh: Bích loan
 


.